Câu chuyện Jennifer Nguyễn và hành trình từ bỏ vị trí Giám đốc quản lý dự án kinh doanh để khởi nghiệp với đam mê giáo dục ngay tại thung lũng Silicon khiến nhiều bạn trẻ khâm phục về nỗ lực và bản lĩnh của cô gái trẻ.
Jennifer Nguyễn là một cô gái hay cười. Khuôn mặt, đôi mắt toát lên sự tự tin, niềm hạnh phúc của một người tìm thấy rất nhiều niềm vui trong công việc và cuộc sống. “Nhưng lúc trước mình không được như vậy”, Jennifer chia sẻ.
Ngay từ nhỏ, Jennifer đã mang trong mình khát khao được ra thế giới. Cô không biết phải thực hiện giấc mơ này bằng cách nào khi chưa nhận được sự ủng hộ kế hoạch đi du học từ gia đình. Nhưng niềm tin rằng một ngày sẽ được đặt chân tới vùng trời mới luôn âm ỉ cháy.
Cô gái nhỏ chăm chỉ học tiếng Anh từ khi lên 6 tuổi. Đến khi ra trường, Jennifer lại tiếp tục tìm kiếm các khóa đào tạo về kĩ năng sales, marketing, nói chuyện trước công chúng… để theo học.
“Chẳng hiểu sao mình có sở thích học hành trong nhiều lĩnh vực khác nhau như vậy. Có lẽ đó là dấu hiệu để đến một ngày mình chọn lĩnh vực giáo dục làm niềm đam mê chăng”, Jennifer chia sẻ.
Tốt nghiệp trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Jennifer đã trải qua nhiều ngành nghề khác nhau trên con đường tìm kiếm sự nghiệp của mình. Trong tất cả những nghề mà cô làm tại Việt Nam, vị trí Relationship Manager (Giám đốc Quản lý khách hàng) ở ngân hàng Anh quốc Standard Chartered đã dạy cho Jennifer nhiều kiến thức và trải nghiệm nhất.
Việc quản lý tài chính cá nhân của hơn 900 khách hàng trong thời gian 3 năm tại môi trường làm việc năng động đã tích lũy cho Jennifer các kỹ năng về giao tiếp, quản lý các mối quan hệ, tạo thiện cảm với khách hàng. Chính kinh nghiệm từ hơn 10 năm về trước này đã cho Jennifer kiến thức nền tảng tốt trước khi cơ hội học Thạc sĩ tại Mỹ đến với cô.
“Mình đặt chân đến San Francisco thì trời đã tối. Chiếc xe lao vun vút trên đường cao tốc. Hai bên đường không thấy rõ, không nhiều đèn và nhà san sát nhau như Sài Gòn nơi mình vừa rời chân. Lúc đó mới nhận ra, ồ, mình đã đến một đất nước hoàn toàn xa lạ rồi”. Cô hồi tưởng về ký ức lần đầu tiên đặt chân đến xứ cờ hoa.
Những ngày tháng tiếp sau đó là chuỗi ngày bươn chải và đầy thử thách cho cô gái lần đầu xa nhà. “Việc đi du học mà không được sự hậu thuẫn từ gia đình cũng là một trải nghiệm khó khăn. Vì đi theo mong muốn mạnh mẽ của bản thân, mình thông báo cho bố mẹ là – bố mẹ ơi, con có visa rồi, hai tuần nữa con bay đến Mỹ”.
Chỉ vậy thôi, rồi Jennifer một mình xách vali lên để đến vùng trời rất xa, rất mới. Cho đến khi vật lộn với các công việc thực tập, việc làm thêm, việc học ở trường cùng với khoản tài chính eo hẹp mới làm cho Jennifer nhận ra – du học thực sự khó khăn như thế nào.
“Joy is within you – dù làm bất kì việc gì, sống ở đâu, mọi việc xung quanh thế nào, mình cũng phải đi tìm niềm vui, sự hứng khởi từ chính bên trong bản thân và tìm ra được mục đích sau cùng của công việc mình làm” – Jennifer luôn tự nhủ bản thân.
Khó khăn không làm Jennifer nản chí. Cô luôn cố gắng tự tìm hướng giải quyết để có thể thích nghi tốt với cuộc sống hoàn toàn mới nơi xứ người. Trong mùa hè, vừa bận rộn với bài vở và việc làm thêm, mình vẫn cố gắng đi thực tập không lương ở công ty xuất bản sách tại thung lũng Silicon.
Làm việc với người Mỹ không hề dễ dàng với môi trường làm việc rất chuyên nghiệp và khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên, Jennifer lại sẵn sàng làm điều đó để được học hỏi thêm. Đây cũng là bước đệm đầu tiên để cô làm quen với môi trường làm việc có 100% là người bản xứ.
Trong lần tình cờ đến phòng Hiệu trưởng để đăng ký môn học cô được thầy đề nghị để mang trường đến gần hơn với sinh viên Việt Nam. Và thế là Jennifer bén duyên với ngành nghề mà cô sẽ theo đuổi về sau khi kết nối trường với các công ty tư vấn du học tại quê nhà.
“Những ngày tháng đó thật đáng nhớ. Sáng học, chiều làm thêm, tối về mình làm việc với các bạn muốn làm hồ sơ du học Mỹ. Dù bận rộn nhưng mình được học hỏi rất nhiều”. Và khi tốt nghiệp thạc sĩ, Jennifer được đề nghị công việc toàn thời gian làm Giám đốc phát triển kinh doanh. Công việc này đưa đến cho cô những cơ hội, thử thách mới.
Sau đó Jennifer đã chuyển hướng sang một công việc khác để thử thách bản thân mình nhiều hơn. Vượt qua rất nhiều ứng cử viên sáng giá sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, Jennifer chiến thắng qua 5 vòng phỏng vấn cam go trong một tháng trời để xông pha vào vị trí mới – quản lý dự án của một start-up về công nghệ tại Newport Beach, California.
Tuy nhiên công việc di chuyển nhiều khiến bản thân mất cân bằng trong cuộc sống và không phải niềm đam mê thực sự của bản thân, Jennifer quyết định ngưng vị trí này để tiếp tục hành trình tìm kiếm giấc mơ mình mong muốn.
Những ngày tháng mất phương hướng và bước ngoặt cuộc đời
Mùa hè 2015, Jennifer cảm thấy thực sự mất phương hướng. Cô biết mình không thể tiếp tục công việc trong ngành IT. Cuộc sống riêng cũng có nỗi muộn phiền, cô rơi vào trạng thái bi quan trong hai tháng trời. Một ngày, Jennifer quyết định lái xe một mình về Nevada, nơi có ngôi làng tôn giáo tên Ananda để theo khoá Work Exchange tại đây và theo học thiền, yoga trong vòng nửa tháng.
Sau những trải nghiệm đã qua, Jennifer muốn có được sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân, công việc và đời sống tâm linh. Chuyến đi ấy đã giúp cô tìm được “spiritual life – đời sống tinh thần” cân bằng. Jennifer trở về lại thung lũng Silicon để bắt đầu khởi sự công ty của chính mình làm về lĩnh vực du học vào năm 2015. Lúc đó, cô chưa nhận ra, công ty này chính là cái nôi cho cô thấy được mục đích cuộc đời mình là gì.
Với số vốn hạn chế từ khoản tiền tiết kiệm sau bao năm đi làm, cộng với kinh nghiệm còn non trẻ, lại không có nhiều sự hỗ trợ, công ty của Jennifer bắt đầu với rất nhiều khó khăn. Điều đó không làm Jennifer nản chí. Cô tự mình lái xe xuyên bang hoặc bay đến hơn hai mươi bang khác nhau của Hoa Kỳ, đặt lịch hẹn và đến gặp Hiệu trưởng các trường trung học, Cao đẳng hoặc Đại học bàn vấn đề hợp tác với họ.
“Có những vị hiệu trưởng rất niềm nở, cũng có những người không dành thời gian để tiếp mình”. Jennifer cảm thấy điều này rất bình thường. Phần nào cô đã được trui rèn từ một công việc làm thêm năm xưa tại AT&T, đi gõ cửa từng nhà vào mùa đông đến bán gói sản phẩm về dịch vụ cáp tivi. Cô đi 100 nhà thì có đến 90 nhà tỏ vẻ bực dọc hoặc đóng sầm cửa lại trước mắt cô.
Jennifer vẫn đi tiếp. Với cô, “sự kiên trì, nhẫn nại và bền chí trong những tình huống khó khăn thực sự là điều rất cần thiết”.
Năm 2016, 2017 đánh dấu những chuyến bay liên tục của Jennifer về Việt Nam để gặp gỡ trực tiếp học sinh. Cô cũng tìm được đối tác đầu tiên hỗ trợ cô để đem dịch vụ định hướng du học đến gần hơn với học trò.
“Mình đã nghĩ sẽ không gặp trở ngại nhiều khi quay về tạo dựng cơ nghiệp tại quê hương. Không ngờ mình lại phải làm quen lại từ đầu, cách làm việc, cách xây dựng mối quan hệ với đối tác, xây dựng lòng tin với các bậc phụ huynh và các em”, Jennifer nhớ lại.
Những ngày làm việc ròng rã tại 30 trường trung học phổ thông và đại học tại Sài Gòn, những buổi nói chuyện trước 3000 em học sinh hay chỉ với một nhóm nhỏ đến với Jennifer và cộng sự để được tư vấn hướng nghiệp, du học diễn ra liên tục. Trong bất kì tình huống nào, cô cùng đội ngũ cũng muốn đem tới năng lượng tốt nhất của mình để tư vấn tận tình cho các em.
Đầu 2019 đánh dấu bước phát triển đầu tiên của trung tâm tại Việt Nam với những chỉ số đáng khích lệ: lượng học sinh được công ty huấn luyện, đào tạo tăng 200%, tỉ lệ khách hàng hài lòng với dịch vụ tư vấn hướng nghiệp 100%. Công ty có 98% các em du học đến Canada thành công và 90% học sinh du học thành công đến Mỹ. Để có được thành quả đó, đội ngũ đồng hành cùng Jennifer tại Mỹ, Canada và Việt Nam luôn làm việc với tinh thần rất “Silicon Valley”, không ngừng nỗ lực để ngày càng trau dồi và phát triển.
Hoài bão càng cao, nguồn năng lượng toả ra sẽ càng bền bỉ. Mong muốn khai sáng con đường học vấn, lựa chọn đúng ngành nghề và giúp học sinh phát triển bản thân để thành công được trong môi trường học tập và làm việc quốc tế là ngọn lửa luôn cháy sáng trong lòng cô gái Việt.
Theo Hạnh Nguyễn (Dân Trí)