Jeff Bezos là người có tầm nhìn, song câu hỏi đặt ra, là vì sao người giàu thứ hai thế giới này lại chưa thể hiện thực hóa giấc mơ của mình?
Elon Musk, Jeff Bezos và Richard Branson là 3 cái tên nổi trội trong cuộc đua vũ trụ không gian. Họ không tiếc tay rót tiền tỷ vào bệ phóng và những tên lửa đẩy, với cùng một mục đích duy nhất là chinh phục thành công hành tinh bên ngoài Trái Đất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành công nghiệp vũ trụ đang bùng nổ, không khó để nhận ra Blue Origin và người sáng lập, tỷ phú Jeff Bezos đang bị cô lập, thậm chí là nhận nhiều chỉ trích dữ dội. Khả năng người giàu thứ hai thế giới này thống trị cuộc đua tỷ đô theo đó khó lòng trở thành hiện thực.
Lu mờ bởi Elon Musk
Theo The Guardian, nói “cuộc đua vào không gian của các tỷ phú” là dựa trên lý thuyết, trong khi thực tế, đây lại là cuộc chơi giữa SpaceX và những người bạn.
Tờ báo này cho rằng chỉ SpaceX mới có thể đưa tên lửa đẩy vào quỹ đạo, sau đó quay trở lại Trái Đất an toàn. Chỉ SpaceX mới hạ cánh thành công nguyên mẫu Starship khổng lồ có kích thước tương đương một tòa nhà 15 tầng và giúp các phi hành gia của NASA đặt chân lên Trạm vũ trụ quốc tế. Và cũng chỉ có SpaceX mới có thể sản xuất hàng nghìn vệ tinh Internet mỗi năm với tần suất phóng gần như là hàng tuần. Sự thành công ngoài mong đợi này khiến Elon Musk hút mọi giấy bút của giới truyền thông và dư luận – những người đặt niềm tin vào cuộc đua tỷ đô đang diễn ra bên ngoài Trái Đất.
Thực tế, lĩnh vực thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ vẫn đang phát triển và có tính cạnh tranh cao. Relativity Space đang chế tạo tên lửa in 3D đầu tiên trên thế giới cũng như lên kế hoạch chế tạo tên lửa đẩy bằng robot. Virgin Orbit, công ty con của tập đoàn Virgin Group cũng vừa hợp tác với sân bay Cornwall, Newquay tại Tây Nam nước Anh để thiết lập một sân bay không gian có thể phóng tên lửa đẩy. Tất cả dường như đang tăng tốc và Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos cũng không ngoại lệ.
Nếu có bất kỳ công ty vũ trụ nào được kỳ vọng có thể đạt trình độ và thành tựu công nghệ tương đương SpaceX, đó chính xác là Blue Origin. Công ty được thành lập bởi cựu Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos hồi năm 2000, chỉ 2 năm trước khi SpaceX được thai nghén tại California.
Đến năm 2015, Blue Origin trở thành công ty vũ trụ đầu tiên đưa thành công một tên lửa lên trên Tuyến Kármán, ranh giới không gian được quốc tế công nhận. Mặc dù nhiệm vụ này không thách thức bằng việc đưa một tên lửa vào quỹ đạo, như Musk vẫn thường mỉa mai Bezos, song đây vẫn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng đế chế không gian tư nhân.
The Guardian cho rằng Bezos thành lập Blue Origin với tầm nhìn xa, đó là đưa ngành công nghiệp nặng ra khỏi Trái đất và định hướng vào không gian để giảm phát thải khí nhà kính. Công ty của ông đang chế tạo loại tên lửa mạnh ngang thiết bị đã từng giúp các phi hành gia Apollo đặt chân lên mặt trăng, bắt tay hợp tác với nhiều nhà thầu quốc phòng hàng đầu bao gồm Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper; đồng thời ký hợp đồng thành công với United Launch Alliance để cung cấp động cơ cho tên lửa Vulcan thế hệ mới.
Vậy là rõ ràng, Bezos là người có tầm nhìn, song câu hỏi đặt ra, là vì sao người giàu thứ hai thế giới này lại chưa thể hiện thực hóa giấc mơ của mình?
Tháng 4 năm ngoái, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo đã lựa chọn SpaceX để thực hiện dự án phát triển tàu đổ bộ để đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng, sớm nhất vào năm 2024. Nếu thành công, đây sẽ là sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng đầu tiên kể từ năm 1972. Sự kiện này chẳng khác nào đòn giáng mạnh mẽ vào Blue Origin khi NASA ngầm coi SpaceX là đối tác tư nhân đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Những rắc rối xoay quanh văn hoá Blue Origin
Được biết, rất nhiều các kỹ sư tài năng của Blue Origin đã dứt áo từ bỏ công ty. Điều này khiến con cưng của Jeff Bezos càng chậm nhịp trong cuộc đua với Musk và Richard Branson. Công ty này cũng từng vật lộn trong suốt quãng thời gian dài với động cơ tên lửa BE-4, để rồi cuối cùng, phi vụ phóng tên lửa Vulcan đầu tiên vẫn thất bại trong tiếc nuối.
Thực tế, Blue Origin đã chiêu mộ hàng nghìn kỹ sư tên lửa hàng đầu thế giới. Bezos, người đang nắm trong tay khối tài sản trăm tỷ USD cũng sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ USD năm năm cho Blue Origin. Đáng lẽ, đây phải là một trong những công ty vũ trụ thành công nhất trên thế giới.
“Blue Origin có tất cả các yếu tố để thành công và để trở thành một thứ gì đó thực sự tuyệt vời,” Ally Abrams, Cựu Giám đốc truyền thông của Blue Origin nhận định. “Các kỹ sư thực sự tin tưởng điều đó và họ cố gắng mỗi ngày để biến đây trở thành hiện thực”.
Cũng theo Abrams, những rắc rối mà Blue Origin từng gặp phải bắt nguồn từ yếu tố kỹ thuật. Công ty này lựa chọn những giải pháp nhanh gọn thay vì tốt nhất, và dĩ nhiên, tốc độ bao giờ cũng tỷ lệ nghịch với khả năng giải quyết chính xác vấn đề. Tờ The Guardian cho rằng có lẽ “sự ghen tị với các tỷ phú khác’’ đã khiến Bezos mất kiên nhẫn và thật không may, bản tính sốt ruột đã biến Blue Origin trở thành công ty “nhanh nhẩu đoảng’’.
“Lỗi kỹ thuật là vấn đề mà hầu hết các công ty đều gặp phải nhưng tại Blue, nó được tồn tại ở quy mô đáng kinh ngạc. Việc chuyển đổi từ một công ty R&D sang một công ty chuyên sản xuất đã thực sự thất bại”.
Ngoài ra, việc Blue Origin vướng phải không ít những lùm xùm xoay quanh văn hóa làm việc độc hại, tình trạng xâm hại tình dục và lãnh đạo bao che sai phạm cũng khiến Bezos nhận nhiều chỉ trích dữ dội.
“Văn hóa của công ty hàng không vũ trụ phớt lờ hoàn cảnh của chúng ta, nhắm mắt làm ngơ trước nạn phân biệt giới tính, không đủ quan tâm đến sự an toàn và im lặng không sửa chữa sai trái”, Alexandra Abrams, cựu Giám đốc truyền thông của Blue Origin đại diện cho một nhóm gồm 21 nhân viên cũ ẩn danh cho biết.
Ngoài ra, theo Abrams, một cựu giám đốc điều hành tại Blue Origin còn “thường xuyên đối xử với phụ nữ một cách khiếm nhã , gọi họ là “baby girl”, “baby doll”, hoặc “sweetheart” và dò hỏi về cuộc sống hẹn hò của họ. Một loạt các cáo buộc được đưa ra ngay trong thời điểm quan trọng nhất khi công ty vũ trụ này đang trong cuộc đua tư nhân hóa ngành du hành vũ trụ.
Về phía mình, Blue Origin nói rằng công ty không khoan nhượng đối với việc phân biệt đối xử hoặc quấy rối dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời cho biết đã cung cấp một đường dây nóng ẩn danh 24/7 để nhanh chóng điều tra bất kỳ khiếu nại nào về hành vi sai trái.
Lên tiếng thanh minh, song tai ương của Jeff Bezos vẫn chưa dừng lại ở đó.
Sau thông tin ông chủ hãng thương mại điện tử Amazon dự định thực hiện chuyến bay chở người đầu tiên trên tàu vũ trụ New Shepard, nhiều đơn kiến nghị yêu cầu không cho Bezos trở lại Trái Đất đã thu hút hàng chục nghìn người ủng hộ. Trong đó, một kiến nghị trên trang Change.org với hơn 37.000 chữ ký đồng tình được đặt với tiêu đề: “Không cho Jeff Bezos trở lại Trái Đất”.
Nhấn mạnh trong phần mô tả, Jose Ortiz, người khởi xướng kiến nghị này nói rằng ông Bezos là “một lãnh chúa xấu xa thống trị toàn cầu”, vậy nên, “Tỷ phú không nên tồn tại trên trái đất hay vũ trụ. Nếu họ quyết định ra vũ trụ thì họ nên ở lại đó”.
Nỗ lực này đã lại không ít phản ứng trái chiều trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội. Một số thì ủng hộ, trong khi số khác nói đây đơn giản chỉ là hiệu ứng domino ăn theo trào lưu và rằng dư luận đang quá khắt khe với vị tỷ phú. Bởi suy cho cùng, Jeff Bezos không phải người duy nhất đang tìm cách vươn ra không gian. Nỗ lực thống trị vũ trụ này vẫn còn có sự hiện diện của Elon Musk và cả Richard Branson.
Theo Huệ Anh–Doanh nghiệp và Tiếp thị