Jack Ma được cho là “đạo diễn” vụ xé lẻ thành 6 của đế chế Alibaba trăm tỷ USD từ nước ngoài.
Nguồn tin của tờ WSJ cho biết, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma được cho chính là người đã “đạo diễn” màn chia lẻ thành 6 của tập đoàn Alibaba – công ty do chính ông xây dựng từ 24 năm trước, từ nước ngoài.
Mặc dù đã từ chức Chủ tịch Alibaba vào năm 2019 nhưng Jack Ma vẫn là một nhân tố có sức ảnh hưởng mạnh tại công ty và vẫn tham gia vào những quyết định mang tính chiến lược quan trọng. Trong những tháng gần đây, ông đã tổ chức một cuộc họp với các lãnh đạo hàng đầu Alibaba gồm cả Chủ tịch kiêm CEO hiện tại là Danial Zhang, thúc giục họ chia tách công ty. Mục đích của việc này là để Alibaba trở nên linh hoạt và có khả năng cạnh tranh tốt hơn tại thị trường vốn đang ngày càng trở nên đông đúc như Trung Quốc.
Ngày thứ 2 tuần này, Jack Ma cũng đã bất ngờ ghé thăm 1 ngôi trường tại quê nhà Alibaba ở Hàng Châu – đánh dấu là lần đầu tiên ông quay lại Trung Quốc trong gần 1 năm qua. Trùng hợp, Jack Ma cũng xuất hiện công khai chỉ 1 ngày trước khi công ty tuyên bố chia tách thành 6 thực thể, với mỗi thực thể có CEO và hội đồng quản trị riêng và sẽ theo đuổi những thương vụ IPO riêng trong tương lai.
Nguồn tin của WSJ cho biết, Jack Ma ban đầu lên kế hoạch đến Nhật Bản vào đầu tuần này. Nhưng hiện vẫn chưa rõ điều gì khiến ông đột ngột thay đổi kế hoạch. Chính vì vậy, chuyến đi trở về quê hương của Jack Ma đã làm dấy lên đồn đoán rằng phải chăng ông và chính phủ Trung Quốc đã đạt được thoả thuận nào đó.
Vị tỷ phú công nghệ nổi tiếng nhất cả nước gần như “mất tích” kể từ khi Alibaba chịu nhiều sự soi xét kỹ lưỡng từ chính phủ Trung Quốc trong suốt 2 năm qua. Jack Ma kể từ đó đã đi thăm trại cá và vùng nông thôn trên khắp thế giới, trong khi đó, ở quê nhà, Alibaba bị phạt 2,8 tỷ USD vào tháng 4/2021. Chi nhánh tài chính Ant của công ty cũng bị huỷ IPO vào phút chót và buộc cải tổ toàn bộ doanh nghiệp.
Sự trở về của ông trùm Jack Ma trong những ngày gần đây theo WSJ đánh giá có thể là thông điệp từ chính phủ cho thấy rằng: Đã đến lúc để trở về, đóng góp cho sự phát triển của Trung Quốc.
Đại diện của Jack Ma thì cho biết, Jack Ma không còn liên quan tới hoạt động quản lý và điều hành của Alibaba. Ông cũng thường xuyên du lịch Trung Quốc và nước ngoài, tập trung vào phát triển ngành nông nghiệp bằng những công nghệ mới.
Về phía Alibaba, tập đoàn này vẫn khẳng định quá trình cải tổ hoàn toàn được dẫn dắt bởi CEO Zhang. Vai trò của ông khi là CEO của cả Alibaba và mảng điện toán đám mây mới thành lập của công ty “cho thấy sự tự tin và niềm tin vào sự lãnh đạo của ông với tương lai Alibaba”.
Tuy nhiên trên thực tế, Jack Ma vẫn duy trì tầm ảnh hưởng như là thành viên Alibaba Partnership – một nhóm lãnh đạo cấp cao đưa ra những quyết định chiến lược. Nhóm này được thành lập năm 2020, có toàn quyền tiến cử người vào các ghế trống của hội đồng quản trị trong tập doàn.
Hiện không rõ điều gì thúc giục Jack Ma quay lại Trung Quốc nhưng các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích nói dường như ông đã đạt được thoả thuận nào đó với Bắc Kinh.
“Ông ấy có tài thương thuyết rất tốt”, theo Jing Qian – đồng sáng lập, giám đốc quản lý Asia Society Policy. Ông nói rằng Jack Ma có thể giúp tham vọng mở rộng của Bắc Kinh trong cuộc chiến chiếm ưu thế trong lĩnh vực công nghệ. “Chúng ta quên rằng trước đây Jack là người được biết đến với khả năng huy động các nguồn lực để đổi mới và đánh bại các đối thủ nước ngoài”.
Các lãnh đạo Alibaba nói rằng việc tái cấu trúc được thiết kế nhằm tạo cho công ty khả năng linh hoạt và dễ tiếp cận vốn hơn. Việc này cũng phù hợp với khát vọng của Trung Quốc nhằm phá bỏ sự độc quyền để mở cửa cạnh tranh.
Sự chia tách này đánh dấu sự đảo ngược mô hình “nền kinh tế Alibaba” được Jack Ma hình thành vào năm 2017, khi ông còn là chủ tịch của Alibaba và liên kết công ty với các chi nhánh bao gồm cả gã khổng lồ fintech Ant.
Dẫu vậy, việc chia tách cũng không hề dễ dàng. Một trong những thách thức là làm sao để phân bổ các nhân viên kỳ cựu và lãnh đạo cho các công ty khác nhau. Nhiều lãnh đạo cấp tập đoàn sẽ phải nghỉ hoặc đảm nhiệm vị trí ở chi nhánh.
Nguồn tin cho biết, tất cả đều là quyết định từ Jack Ma bởi ông vẫn nhận được sự tôn trọng và lòng trung thành từ các nhân viên cấp cao. Chính ông là người đưa ra quyết định thay đổi vị trí của một số lãnh đạo.
Nguồn: WSJ-Theo Phương Linh-Nhịp sống thị trường