Chỉ trong vòng hai năm, đã có ít nhất 6 CEO nổi tiếng trong ngành công nghệ bị bắt giữ, gây chấn động trong cộng đồng kinh doanh và công nghệ.
Trong những năm gần đây, thế giới công nghệ đã chứng kiến nhiều biến động không chỉ về mặt đổi mới mà còn về các vấn đề pháp lý liên quan đến những nhân vật liên quan đến những nhân vật đứng đầu các tập đoàn công nghệ mới. Các CEO công nghệ từng được xem là những người tiên phong, lãnh đạo cuộc cách mạng công nghệ, nay lại phải đối mặt với các cáo buộc hình sự và tranh chấp pháp lý.
Chỉ trong vòng hai năm, đã có ít nhất 6 CEO nổi tiếng trong ngành công nghệ bị bắt giữ, gây chấn động trong cộng đồng kinh doanh và công nghệ. Từ các cáo buộc tham ô, lừa đảo cho đến vi phạm quyền riêng tư, những vụ việc này đã làm nổi bật nhu cầu về minh bạch và đạo đức trong quản lý, đồng thời đặt ra câu hỏi về sự giám sát và trách nhiệm của các lãnh đạo trong một ngành công nghiệp đầy quyền lực và sức ảnh hưởng.
1- Pavel Durov – Telegram
Theo đài truyền hình TF1 của Pháp, vị tỷ phú gốc Nga (39 tuổi) đã bị chặn lại và tạm giam vào ngày 24/8 tại sân bay Le Bourget (Paris) sau khi bước ra khỏi một chiếc máy bay tư nhân. Ngày hôm sau, thẩm phán điều tra đã gia hạn thời gian giam giữ Pavel Durov từ 24 giờ lên đến 96 giờ, Agence France Presse đưa tin.
Lệnh bắt giữ CEO Telegram được ban hành bởi OFMIN, một cơ quan của Pháp có nhiệm vụ chặn tình trạng bạo lực trẻ vị thành niên. Sau đó, văn phòng Công tố của Tòa án Tư pháp Paris cũng ra thông cáo về 12 cáo buộc khác của Pavel Durov. CEO Telegram bị cáo buộc đồng phạm với những tội danh như quản lý web rửa tiền, sở hữu hình ảnh khiêu dâm trẻ em, gian lận có tổ chức.
Theo AFP, ông Durov có thể phải đối mặt với cáo buộc tiếp tay cho hoạt động buôn bán ma túy và cổ xúy bạo lực trên Telegram. Trong một tuyên bố chính thức vào ngày 25/8, công ty có trụ sở tại Dubai khẳng định rằng CEO Durov “không có gì phải che giấu” và Telegram luôn tuân thủ luật pháp tại châu Âu.
Khác với các nền tảng nhắn tin khác chủ yếu kiếm tiền từ quảng cáo, Durov phát triển Telegram theo hướng kiếm tiền từ tiền số. Tháng 1/2018, ông ra mắt tiền mã hóa Gram và TON – một trong những nền tảng phổ biến trong giới tiền số, và lập tức huy động được 1,7 tỷ USD.
Hiện tại, Telegram chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ việc. Bộ Nội vụ và cảnh sát Pháp cũng từ chối bình luận. Durov dự kiến sẽ ra tòa trong ngày 25/8, và nếu bị kết tội, ông có thể đối mặt với án tù lên đến 20 năm.
2- Changpeng Zhao (CZ) – Binance
Tháng 5/2024, tỷ phú ChangpengZhao mới đây đã bị kết án 4 tháng tù sau khi thú nhận đã tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền tại sàn giao dịch Binance. Ông là trùm tiền điện tử lớn thứ hai nhận bản án gần đây sau khi Sam Bankman-Fried, cựu CEO sàn giao dịch FTX, bị kết án 25 năm tù, theo CNBC.
Được biết, cựu CEO Binance bị cáo buộc cố tình không tuân thủ những quy định chống rửa tiền theo yêu cầu của Đạo luật Bảo mật Ngân hàng và cho phép Binance xử lý các giao dịch tiền liên quan đến hoạt động bất hợp pháp.
Changpeng Zhao sinh năm 1977, là người Canada gốc Trung Quốc. Trước khi thành lập Binance tháng 7/2017, ông có thời gian làm việc ở các tổ chức tài chính hàng đầu. Ông vẫn giữ khoảng 90% cổ phần tại Binance, hiện có khối tài sản 60 tỷ USD, theo Forbes.
3- Zhu Su – Three Arrows Capital (3AC)
Theo Bloomberg, Zhu Su – người đồng sáng lập Three Arrows Capital (3AC), quỹ đầu tư từng thuộc top đầu thị trường tiền số, bị bắt tại sân bay Changi (Singapore) sau khi cố gắng rời đi vào chiều 29/9/2023.
Trước đó, Teneo, đơn vị giải quyết phá sản của 3AC, cho biết đã nhận bản cam kết chống lại Zhu Su từ tòa án. Ông chủ của 3AC hiện đối mặt với bản án bốn tháng tù do không hợp tác trong quá trình điều tra vụ phá sản vào tháng 7/2022.
3AC, trụ sở tại Singapore, từng quản lý khối tài sản trị giá khoảng 10 tỷ USD và là một trong những đơn vị có sức ảnh hưởng lớn nhất thị trường tiền số. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Terraform Labs cùng dự án Luna, 3AC chịu thiệt hại lớn và phải đệ đơn xin phá sản. Zhu Su cùng người đồng sáng lập Kyle Davies đã bỏ trốn, để lại khoản nợ lên đến 3 tỷ USD.
Dù bị nghi ngờ có hành vi sai phạm dẫn đến sự sụp đổ của 3AC, Su chỉ ngồi tù thời gian ngắn với lý do không hợp tác trong quá trình giải quyết phá sản cho công ty, chưa phải đền bù bất kỳ khoản tiền hay nhận thêm tội danh nào khác.
4- Sam Bankman-Fried – FTX
Hai năm trước, Sam Bankman-Fried (SBF) là một tỷ phú, sống trong căn hộ áp mái trị giá 35 triệu USD ở Bahamas, tiệc tùng cùng bạn bè trong khi điều hành một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới là FTX.
Còn hiện tại, SBF là tù nhân 32 tuổi ở Trung tâm cải tạo Metropolitan, Brooklyn (Mỹ). Tuần này, tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về mức tù giam của SBF vì thực hiện “vụ lừa đảo tài chính lớn bậc nhất nước Mỹ”, theo cách gọi của luật sư Damian Williams. Đầu tháng 3, các công tố viên đã đề nghị mức án cho SBF là 40-50 năm tù.
Theo hồ sơ tại tòa, FTX có hơn một triệu chủ nợ, gồm nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Apple, Meta, Netflix, LinkedIn, Adobe, AWS. Trong đó, 50 chủ nợ lớn nhất chiếm số tiền khoảng 3,1 tỷ USD. SBF bị bắt cuối năm 2022 và bị kết án 25 năm tù hồi tháng 3/2024.
5- Do Kwon – Terraform Labs
Tháng 3/2023, nhà sáng lập kiêm CEO công ty blockchain Terraform Labs Do Kwon bị bắt ở Montenegro sau thời gian dài ẩn náu. Trước đó một tháng, Korea Times đưa tin Kwon đã chuyển tổng cộng hơn 10.000 Bitcoin, tương đương 240 triệu USD, đến địa chỉ ví của một tổ chức tài chính ở Thụy Sĩ.
Đầu tháng 5/2022, token Luna và UST của Terraform Labs bất ngờ sụt giảm gần hết giá trị, khiến nhiều người chơi trắng tay. Đây được coi là một trong những thảm họa lớn nhất thị trường tiền mã hóa toàn cầu. Sau cú sập, Kwon bị cảnh sát quốc tế Interpol truy nã đỏ. CEO 9x được cho là từng ở Hàn Quốc, sau đó tới Singapore trước khi biến mất.
Ngày 17/2, Korea Times đưa tin Kwon đã chuyển tổng cộng hơn 10.000 Bitcoin, tương đương 240 triệu USD, đến địa chỉ ví của một tổ chức tài chính ở Thụy Sĩ. Số Bitcoin trị giá 100 triệu USD trong đó đã được đổi thành tiền pháp định và bị rút thông qua tài khoản một ngân hàng ở đây.
Hồi tháng 6/2024, Do Kwon và công ty Terraform Labs đã đồng ý đóng phạt 4,47 tỷ USD cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) để kết thúc vụ kiện với cơ quan này. Ngay sau khi thông tin này được công bố, Terraform Labs cũng thông báo giải thể công ty.
6- Kim Beom-Su – Kakao
Tỷ phú sáng lập tập đoàn công nghệ khổng lồ Kakao, Kim Beom-Su, đã bị cảnh sát bắt giữ vào 23/7, với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu liên quan đến một khoản đầu tư của Kakao vào một trong những công ty giải trí lớn nhất quốc gia này.
Đầu năm ngoái, một “cuộc chiến” đã nổ ra để tranh giành quyền kiểm soát của SM Entertainment, một trong những công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc. Các công tố viên đã cáo buộc Kakao thao túng giá cổ phiếu của SM Entertainment để cản trở Hybe mua lại công ty giải trí này.
Kim Beom-su, người sáng lập Kakao Corp., đến dự phiên điều trần tại Tòa án quận phía Nam Seoul, ngày 22/7
Ông Kim phủ nhận các cáo buộc. Trong cuộc họp của các chi nhánh Kakao, ông Kim nói: “Tôi tin rằng sự thật cuối cùng sẽ được tiết lộ, bởi vì tôi chưa bao giờ chỉ đạo hay dung túng bất kỳ hành vi phạm pháp nào”.
Trong lần thẩm vấn trước, ông Kim khai rằng đã được thông báo về kế hoạch mua cổ phiếu SM nhưng không biết về thủ tục cụ thể.
Năm ngoái, các công tố viên đã từng buộc tội giám đốc đầu tư của Kakao và chính công ty này về tội thao túng giá cổ phiếu.
Kim Beom-Su, sinh năm 1966, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul với bằng cử nhân Kỹ thuật Điện, sau đó tiếp tục lấy bằng thạc sĩ Khoa học máy tính tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc.
Hiện giá trị tài sản của Kim Beom-Su ước tính đạt 3,5 tỷ USD. Trước đó, vào năm 2021, tài sản của vị tỷ phú này đạt 9,6 tỷ USD, giúp Kim trở thành người giàu nhất Hàn Quốc.
Những vụ bắt giữ này không chỉ tác động trực tiếp đến danh tiếng và sự nghiệp của các CEO liên quan mà còn để lại những hậu quả sâu rộng cho cả công ty lẫn ngành công nghệ nói chung.
Hơn thế nữa, những sự kiện này đã đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch, quản trị công ty và vai trò của đạo đức trong lãnh đạo doanh nghiệp. Những vụ bắt giữ gần đây là một lời nhắc nhở dù ngành công nghệ có hiện đại và tiên tiến đến đâu, các nguyên tắc về pháp luật và đạo đức vẫn phải là cốt lõi của mọi hoạt động kinh doanh.
Cuối cùng, nếu ngành công nghệ muốn tiếp tục là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, các lãnh đạo phải không ngừng giữ vững giá trị đạo đức trong các quyết định của mình. Bằng cách này, không chỉ các công ty mà toàn bộ xã hội có thể hưởng lợi từ những tiến bộ mà công nghệ mang lại, trong khi vẫn đảm bảo rằng sự phát triển đó không đi kèm với các hậu quả tiêu cực về mặt đạo đức và pháp lý.
Theo Nhịp sống Thị trường