Tại sao nhiều người có chỉ số IQ cao mà không đạt được thành tích nào đáng kể? Tại sao những đứa trẻ thông minh lại chưa chắc là những đứa trẻ đạt thành tích tốt nhất trong lớp học?
Angela Duckworth, một học giả, nhà tâm lý học và tác giả khoa học nổi tiếng người Mỹ giải thích rằng: “Đỉnh cao thành công trong cuộc sống không chỉ đạt được nhờ vào tài năng, chỉ số IQ cao hay hoàn cảnh gia đình mà còn nhờ vào sự bền bỉ, biết cách đứng lên sau thất bại và không ngừng tiến bước”.
Qua bài thuyết trình “Chìa khóa của thành công” tại diễn đàn TED mà tới nay đã thu hút hơn 8 triệu lượt xem, Angela Duckworth chia sẻ rằng vào tuổi 27, cô đã bỏ một công việc cố vấn quản lý với một mức lương hấp dẫn để chuyển sang làm giáo viên dạy Toán. Trong quá trình dạy học cho các em lớp 7, cũng như bao nhiêu giáo viên khác, Angela Duckworth cho các em làm bài tập về nhà, bài kiểm tra… Và sau một thời gian quan sát, cô nhận ra rằng hóa ra không phải những học sinh thông minh nhất có được thành tích cao nhất. Trong giáo dục, IQ là một trong những chỉ số quan trọng nhất để đo lường được sự thành công của một học sinh, nhưng như thế vẫn là chưa đủ.
Angela Duckworth sau đó đã chuyển sang nghiên cứu bí quyết đạt được sự thành công trên phương diện tâm lý học, qua nhiều cuộc nghiên cứu từ những trường dự bị đại học “khét tiếng” tại Mỹ như trường West Point, nơi mà học viên bị thử thách trên nhiều phương diện như trí tuệ, thể chất, quân sự và xã hội cho tới các kì thi tuyển chọn trong quân đội còn khốc liệt hơn nhiều.
Sau khi thực hiện nhiều cuộc kiểm tra đánh giá tại các lớp học này, cô nhận ra rằng những người tài năng nhất chưa chắc đã là kẻ chạm đến cái đích cuối cùng. Những người thành công đều có quyết tâm cao. Thứ nhất là họ kiên cường và chăm chỉ một cách khác thường. Hai là họ có định hướng và quyết tâm rõ ràng, mà Angela Duckworth gọi là “grit” (tính bền bỉ).
Trong cuốn sách đầu tay của Angela Duckworth tên là “Grit” (Vững tâm bền chí ắt thành công), cô đã ghi lại rất nhiều quan sát, thí nghiệm, từ đó chia sẻ cách để luyện tập tính bền bỉ của chính mình là luyện tập kĩ càng, dù đó là các môn thể thao như cờ vua, điền kinh, hay nghệ sĩ chơi đàn. Ngay cả những năng lực phức tạp nhất và sáng tạo nhất của con người cũng có thể được phân chia thành các kĩ năng nhỏ, mỗi kĩ năng lại có thể luyện tập được.
Nhưng tính bền bỉ không chỉ có thể được luyện tập trong môi trường học tập mà người ta có thể cải thiện nó qua các hoạt động vui chơi, miễn là nó được tổ chức bài bản như tập múa ba-lê, bóng đá, bóng rổ… bởi vì những sân chơi đó được thiết kế để nuôi dưỡng hứng thú, mục đích và hi vọng nhưng lại không quá căng thẳng như việc ganh đua điểm số ở trường lớp, bởi vì sân chơi kích thích tính cạnh tranh nhưng lại rất vui. Trong cuốn sách này, Angela Duckworth còn dùng cả những nghiên cứu mà cô tìm hiểu được về tính bền bỉ để áp dụng vào việc làm cha mẹ, giúp các bậc phụ huynh có thể định hướng cho con tìm được đam mê và nuôi dưỡng ý chí.
Ngay cả trong thực tế đã chứng minh rằng trẻ em tham gia hoạt động ngoại khóa thể hiện tài năng của mình tốt hơn ở hầu hết mọi mặt, ví dụ như đạt điểm cao hơn, tự tin hơn, ít gặp rắc rối ở trường hơn. Thế nhưng điều này chỉ xảy ra khi các em hoạt động ngoại khóa trong nhiều tháng, và đặc biệt thành công hơn khi các em tham gia hoạt động trong hai năm hoặc lâu hơn.
Tại Phần Lan, một đất nước Bắc Âu bé nhỏ và lạnh lẽo với lịch sử đã bị xâm lược bởi các nước láng giềng lớn mạnh hơn đã góp phần tạo nên bền bỉ như một nét văn hóa của đất nước này. Người Phần Lan tự xem mình là những người bền bỉ nhất thế giới, mà trong ngôn ngữ của họ dùng từ “sisu”. Đó là khả năng kết hợp giữa hiên ngang và dũng cảm, giữa tàn bạo và kiên cường, giữa khả năng chiến đấu với niềm tin chiến thắng. Người Phần Lan gọi “sisu” là tinh thần Phần Lan, nhưng bản thân từ đó còn chỉ sự quyết tâm cao hơn thế, và ý nghĩa của sisu được giữ vững trong văn hóa của đất nước này trong suốt nhiều thế kỉ.
“Vững tâm bền chí ắt thành công” của Angela Duckworth là một cuốn sách tâm lý học nhưng có rất nhiều thí nghiệm thực tế và không hề lý thuyết khô khan, nhưng đã động chạm được tới một trong những vấn đề bản chất nhất của con người: sự vững tâm bền chí được sinh ra và rèn luyện như thế nào? Làm sao để giữ được tính bền bỉ trong suốt cuộc đời và làm sao để truyền được tinh thần ấy cho con cái. Có thể nói rằng trong cuốn sách này, điều mà Angela Duckworth muốn nói rằng chính sự bền bỉ khi vấp ngã mới tạo ra sự khác biệt, chứ không phải là tài năng hay may mắn.
Theo Sâu Búc – Nhịp Sống Kinh Tế