Phụ nữ và xe hơi là hai thái cực đa phần cùng dấu đẩy nhau. Nhưng thuần những ai nằm ở thiểu số trái dấu hút nhau thì đều thành công. Chị Huệ Minh là một người như thế.
Thừa nhận bản thân “chỉ có mỗi thân hình là phụ nữ còn lại như một người đàn ông”, chị Huệ kéo tôi liên tiếp vào những câu chuyện mà phải kinh qua biết bao sóng gió, người ta mới có thể kể lại như thế.
PV: Chào chị Huệ. Rất nhiều người thắc mắc là cơ duyên nào mà một phụ nữ xinh đẹp, mảnh mai như chị lại bén duyên với xe cộ?
(Cười) Đó là cái duyên đấy. Ban đầu, tôi kinh doanh đồ gỗ nhưng sau khi nghe một cậu bạn thân nói chuyện về thị trường xe, tôi đã rất tò mò và muốn thử sức. Nhưng cũng phải nói rằng, dù chưa có kiến thức gì về lĩnh vực mới, nhưng xe hơi luôn là một đam mê nhen nhóm sẵn ở trong lòng nên tôi mới quyết định đến với cuộc chơi này.
Bạn tin được không, 15 ngày sau đó, tôi bán được chiếc xe đầu tiên! Nhiều người cứ nói xe cộ là đam mê của đàn ông. Đâu phải! Phụ nữ cũng mê lắm chứ.
Tôi chọn khởi đầu là một cô nhân viên bán hàng tại một đại lý Nissan, rồi chuyển qua làm tại một showroom tư nhân có tên Tín Phát Auto. Đây cũng là nơi tôi gặp anh Chung, người mà trong giới xe được gọi với cái tên thân thuộc “Chung Tín Phát”. Anh Chung không chỉ là một người anh, mà còn là một người thầy đã dạy bảo và định hướng cho tôi phong cách làm việc để có thể chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất.
Tôi học hỏi được rất nhiều từ anh Chung và từ môi trường làm việc mà anh tạo dựng. Tín Phát cũng là nơi dạy cho tôi những kiến thức về xe sang cũ, mới, về phong cách bán hàng, cách thức tiếp khách và làm thế nào để khách hàng hài lòng với dịch vụ sau bán hàng.
Đến với Tín Phát, tôi bắt đầu từ những chiếc xe có giá trị hơn 1 tỷ đồng. Huệ Minh ngày đó đã lao vào làm xe với tất cả tâm huyết và đam mê. Thuận lợi ở chỗ năm 2008 – 2010 cũng là thời điểm rất tốt của thị trường xe trong nước, khi mà kinh tế phát triển cả về chứng khoán và bất động sản. Một vài mẫu xe như Toyota Camry hay Nissan Teana nhập đếu bán rất chạy. Những showroom tư nhân nổi tiếng thời đó có thể đạt tới doanh số 150 xe/tháng.
Nhưng rồi thị trường cũng đi qua đỉnh cao và bước vào những giai đoạn khó khăn do chính sách thay đổi. Nhiều showroom xe sang đóng cửa hàng loạt. Tín Phát chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực mới. Còn cá nhân tôi vẫn kiên trì với đam mê này, và nhờ có quyết tâm và may mắn, tôi mới có thể đến được ngày hôm nay.
PV: Kiên trì và đam mê, nghe thì dễ nhưng chắc chắn đầy khó khăn, không hề dễ…
Ai muốn làm thầy thì cũng phải trải qua quãng thời gian làm thợ. Tôi cũng vậy, cũng từng trải qua các cũng bậc cảm xúc khi bước vào nghề.
Khó khăn ư? Phải vượt qua nhiều lắm chứ. Câu chuyện mà tôi kể ra bây giờ là câu chuyện mà bất kì chủ showroom nào cũng đã, đang và sẽ phải trải qua. Đó là thuê địa điểm. Có những khoảng thời gian mà đột nhiên chủ nhà đòi mặt bằng rất gấp, và buộc mình phải đi tìm địa điểm mới. Lang thang tìm địa điểm là điều không hiếm gặp.
Bạn phải hiểu rằng, sở hữu thương hiệu lớn với hàng loạt những chiếc xe long lanh, mình không thể thuê 1 chỗ nhỏ, hoặc trông nó lụp xụp được. Địa điểm nhất định phải xứng tầm với những chiếc xe sang trọng. Có những thời điểm cận ngày trả nhà rồi, mà tôi vẫn lang thang tới 8 – 9h tối ở ngoài đường vì chưa thể tìm được địa điểm mới.
Nhưng rồi thì may mắn cũng đến. Cá nhân tôi nghĩ rằng, dù bạn có là một doanh nhân tài giỏi cỡ nào, bạn cũng cần đến may mắn để bước qua những giờ phút khó khăn.
PV: Những may mắn và thuận lợi đó là gì, thưa chị?
Điều thuận lợi lớn nhất phải kể đến chắc chắn là sự yêu mến và ủng hộ của anh em bạn bè, cũng chính là những khách hàng thân thiết. Tôi luôn quan niệm rằng bán hàng phải bán cái tâm. Mình dùng cái tâm của mình để bán những sản phẩm của mình. Có lẽ đó cũng là điều khiến cho những khách hàng khó tính nhất cũng chưa từng phàn nàn khi đến mua xe.
PV: Để chọn ra một điều thành công nhất và một điều thất bại cay đắng nhất trong sự nghiệp hiện tại thì chị sẽ chia sẻ điều gì?
Với cá nhân tôi, thành công lớn nhất có lẽ là thành công đầu tiên. Từ một người phụ nữ còn chưa biết mở cánh cửa xe như thế nào, chỉ sau 15 ngày vào nghề có thể thuyết phục được một khách hàng xuống tiền mua xe, đó thực sự là một cột mốc ghi dấu nỗ lực của bản thân. Cột mốc này tuy nhỏ, nhưng nó là nguồn khích lệ tinh thần rất lớn để tôi đến với đam mê mạnh mẽ hơn.
Còn thất bại, có lẽ thất bại lớn nhất đến ở thời điểm 2011. Đây là thời điểm mà thông tư 20 có hiệu lực, thị trường xe bị thắt chặt. Không chỉ có cá nhân tôi mà rất nhiều chủ showroom khác gặp khó khăn.
PV: Chị là Huệ nhưng showroom lại là Sơn Tùng Auto. Sao vậy chi?
Vấn đề này cũng có nhiều người hỏi và thắc mắc lắm. Thắc mắc là tại sao Huệ có khả năng, nhưng lại không tự đặt cho mình một thương hiệu mới. Câu trả lời thì cũng vô cùng đơn giản. Sơn Tùng Auto vốn dĩ từ lâu đã là một cái tên đi vào lòng những người đam mê siêu xe và xe sang tại Việt Nam. Và Huệ cũng là một trong số đó. Thế nên khi thương hiệu Sơn Tùng Auto (ngày đó thuộc sở hữu của Bảo Tín Sơn Tùng) muốn nhượng quyền vào năm 2016, tôi đã nắm bắt lấy cơ hội để tiếp quản.
Dù sở hữu chỗ đứng sẵn có trong lòng người yêu xe, nhưng không thể phủ nhận rằng thời điểm đó Sơn Tùng Auto gần như dậm chân tại chỗ và không có bước tiến. Đó cũng là thời điểm cả ngành xe trong nước gặp khủng hoảng. Điều tôi muốn làm và đã làm chính là nắm lấy và phát triển thương hiệu này. Thời điểm đó, thị trường nhập khẩu xe mới gặp muôn vàn khó khăn. Nên dù có sẵn thế mạnh xe nhập khẩu , Sơn Tùng Auto đã phải chen chân vào mảng xe sang đã qua sử dụng để cân bằng lại tài chính và níu giữ được những khách hàng thân quen.
PV: Hiện nay, các đại lý chính hãng đã xuất hiện tại VN, mới nhất là Ferrari. Chị đã lường hết khó khăn này chưa?
Thực ra, nếu so sánh với xe chính hãng, bất lợi đầu tiên mà các doanh nghiệp nhập khẩu tư nhân gặp phải, chính là vấn đề về giá cả. Bản thân các showroom tư nhân khi nhập một chiếc xe về, phải trải qua rất nhiều chi phí, chính vì vậy giá đội lên rất nhiều.
Nhưng xe nhập tư nhân cũng có những lợi thế rất lớn khi chúng tôi đủ khả năng mang về những chiếc xe full-option. Trong khi đó, hầu hết hãng xe tại Việt Nam sẽ đem tới nhiều phiên bản, hoặc thậm chí chỉ phân phối 1 phiên bản tiêu chuẩn.
Đối với siêu xe và xe sang, những showroom tư nhân như Sơn Tùng hoàn toàn có lợi thế hơn về thời gian giao xe. Nếu đặt chính hãng, thời gian chờ giao xe có thể lên tới vài tháng, thậm chí là nửa năm. Xe chính hãng phải nhập theo lô, còn xe tư nhân thì có thể nhập đơn lẻ, miễn là khách hàng có yêu cầu. Đại gia Việt không thiếu người đam mê xe, và khi một mẫu xe mới ra mắt, cá tính chính là thứ khiến họ cảm thấy nôn nóng muốn sở hữu, trải nghiệm càng sớm càng tốt.
Bản thân showroom cũng có service riêng và có cả những service liên kết chính hãng để có thể phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Vậy nên, việc bỏ thêm một chút kinh phí để sở hữu xe không phải là điều gì quá khó khăn với những người mua siêu xe hay xe sang. Chất lượng và tốc độ vẫn sẽ là những điểm mạnh của những showroom tư nhân so với nhà phân phối chính hãng.
PV: Là người bán siêu xe, chắc chắn khách hàng của chị là đại gia không ít. Chị thuyết phục họ thế nào?
Trong công việc bán xe, bản thân tôi phải tiếp xúc với rất nhiều tầng lớp trong xã hội, từ cao đến thấp. Cụm từ “đại gia” thì khó để định nghĩa quá. Nhưng với tôi, bản thân mỗi một khách hàng tới mua xe, họ đã đều là đại gia rồi. Còn họ mua xe to, hay xe nhỏ, điều này chưa cần bàn tới.
Về bí quyết để thuyết phục khách hàng, để làm họ “rơi tiền”, thì có lẽ tôi vẫn muốn nhắc lại tiêu chí đầu tiên. Đó là sự đam mê. Bản thân khách hàng khi họ tới với mình, nghĩa là họ đã có nhu cầu. Và nhiệm vụ của mình là truyền lửa cho họ, để đưa họ tới “chung kết” nhanh hơn. Tôi luôn nói với nhân viên rằng, con đường ngắn nhất dẫn tới bàn kí kết hợp đồng chính là dùng đam mê của bản thân thúc đẩy cảm xúc sẵn có bên trong mỗi khách hàng. Hãy dùng sự chân thành của mình, thể hiện nó ra trong lời nói, hành động. Nếu làm được như vậy, bản thân khách hàng cũng sẽ đến với mình một cách chân thành nhất.
PV: Có ý kiến cho rằng, đại gia Việt trông vậy mà “cân đong đo đếm lắm”. Chị nghĩ sao?
Việc này đúng chứ, ai cũng hiểu rằng làm ra đồng tiền rất khó khăn, nên việc so đo là có. Khi mà thị trường xe sang mới/xe sang cũ đang ở ngưỡng loãng, thậm chí anh em trong nghề còn đấu đá nhau thì sự chênh lệch giá là yếu tố vô cùng nhạy cảm, dù chỉ là một chút. Nhưng ở cương vị người được phục vụ, khách hàng không nên cân đo đong đếm, và không nên chỉ vì một chút chênh lệch nhỏ mà bỏ đi cơ hội mua được một chiếc xe tới từ những địa chỉ uy tín, có thể đảm bảo được cho khách hàng cả về mặt chất lượng lẫn pháp lý.
Trở lại vấn đề so đo giá, thực ra khi đã có được sự tin tưởng giữa người mua và người bán, mọi chuyện trở nên rất dễ dàng. Có nhiều khách hàng đến với tôi và mua xe rất nhanh chóng chỉ với 2 câu hỏi được đặt ra. Đó là “Xe này giá bao nhiêu?” và “Em để cho anh thì giá là bao nhiêu?”. Khi được thông báo giá cuối, khách hàng cũng đã ngầm hiểu rằng đó là mức giá tốt nhất mà người bán đưa ra cho “người nhà”.
PV: Công việc và cuộc sống của một người như chị, chắc khó cân bằng?
Tuy bản thân là một người phụ nữ, nhưng tôi nghĩ là mình đam mê quá!
Dù sở hữu hình thể của một người phụ nữ, nhưng bên trong có lẽ trí tuệ và bản lĩnh không thua kém một người đàn ông.
Tôi sẵn sàng lộn gầm một chiếc xe cũ để kiểm tra máy móc, bắc ghê để xem xét khoang máy của một chiếc SUV to lớn. Tôi làm việc tới mức chưa bao giờ cảm thấy thời gian là đủ. Công việc có thể bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc vào lúc 12h đêm, cứ miệt mài như vậy ngày qua ngày.
Người ta hay nói rằng, ngành xe là một ngành vô cùng nhạy cảm đối với một người phụ nữ. Nhưng với riêng tôi, ngay từ khi bước chân vào nghề này, tôi đã xác định mình phải thật kiên cường và bản lĩnh. Bởi chỉ cần mình đứng vững, thì không bao giờ có chuyện sa ngã vào các cám dỗ.
PV: Vậy cụ thể khi đó, chị ứng biến thế nào?
Đây là một nghệ thuật đấy nhé! (Cười). Bản lĩnh sẽ mách bảo chính bạn cần làm gì để biến những vị khách dừng lại đúng ranh giới. Nhưng nếu tinh tế, bạn có thể khiến họ trở thành những anh em thân thiết trong nghề.
PV: Người ta hay nói, buôn siêu xe là phải có người chống lưng…
(Cười) Câu hỏi này hay ghê, nhưng nó cũng rộng quá. Bởi ngay bản thân từ “chống lưng” cũng có quá nhiều ý nghĩa.
Với tôi, điều quan trọng nhất mà tôi khắc ghi trong lòng suốt bao nhiêu năm làm nghề là sự hỗ trợ rất chân tình từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các cổ đông. Ngành xe tại Việt Nam vô cùng khắc nghiệt. Để gây dựng được vị trí như bây giờ, tôi đã trải qua quá nhiều khó khăn. Nếu không được họ ủng hộ về mặt tinh thần, tôi đã gục ngã từ lâu rồi. Nhắc lại chuyện cũ, ở thời điểm tiếp quản Sơn Tùng Auto, tôi có tham khảo ý kiến từ phía một người anh. Sau khi nghe tôi dãi bày những chông gai, anh có nói rằng: “Em cứ làm đi, cứ trải nghiệm đi, anh tin em sẽ làm được”. Đó, chỉ vậy thôi, chỉ đơn giản thế thôi là đủ.
Còn nếu có ai đó nâng đỡ những khía cạnh khác khi kinh doanh thì thật là tuyệt vời. Nhưng có lẽ Huệ không được may mắn như vậy. Cũng có nhiều người đặt câu hỏi, vì sao từ một cô gái bán xe, Huệ có thể trở thành một bà chủ, và thế lực phía sau là gì? Nhưng có lẽ câu trả lời chính xác nhất là bởi vì tôi là một người phụ nữ có khả năng và dám làm.
Với Huệ, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là cái “chống lưng” tinh thần. Khi một người phụ nữ đi bươn chải, kinh doanh, phải nói là tôi may mắn khi có được một hậu phương vững chắc. Nhiều lúc cũng phải tự thúc đẩy bản thân mình rằng, mình có một hậu phương tinh thần như thế, chẳng có lý gì mà mình không thành công cả.
Tôi phải thừa nhận rằng, thời gian dành cho gia đình rất ít. May là tôi có được một hậu phương tương đối “thong thả” và có thể giúp đỡ, chia sẻ và gánh vác với tôi rất nhiều. Tôi hiểu là một người phụ nữ thì đáng lẽ phải tề gia nội trợ, chăm con, nhưng tôi lại chọn con đường theo đuổi đam mê. Và để cân bằng giữa gia đình và công việc thì tôi tự nhủ phải cố gắng rất nhiều. Dù công việc có bề bộn đến mấy, cũng cố gắng đưa con đi học mỗi sáng sớm hoặc tranh thủ để có thể dành chút thời gian dành cho con. Gia đình cũng là nguồn động lực lớn nhất để tôi có thể tiếp tục cháy với đam mê mà không biết mệt mỏi.
Nhân đây, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã luôn đi bên cạnh và ủng hộ tôi. Tôi đã luôn muốn có cơ hội để nói lời cảm ơn tới họ. Cảm ơn anh Chung, người đã cho em rất nhiều cơ hội và chỉ cho cách làm kinh doanh đúng đắn. Cảm ơn một người anh đã luôn động viên em gái vào những thời khắc khó khăn. Có thể chỉ là một lời khích lệ giản đơn ngày đó nhưng rất có ý nghĩa để bản thân vượt qua khó khăn và đến được ngày hôm nay. Với hiện tại, tôi muốn cảm ơn một người bạn, một cổ đông sát sườn cũng như toàn thể nhân viên đã luôn bên cạnh và cùng tôi trải qua quãng thời điểm khó khăn vừa rồi.
Phúc Thành