Cuộc họp lớp sau 20 năm ra trường để lại trong lòng tác giả nhiều xúc cảm.
Bài viết là lời chia sẻ của một người đàn ông giấu tên được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc).
20 năm sau khi tốt nghiệp, tôi khuyên các bạn nên đi họp lớp, không phải để so sánh thành tích, cũng không phải để lợi dụng nguồn lực của các bạn cùng lớp. Thay vào đó, hãy xem điều gì tạo nên sự khác biệt sau 20 năm chạy đua với cuộc đời và điều gì khiến chúng ta thất bại.
Mới đây, tôi đã tham gia cuộc họp lớp cấp 3 và quan sát ra nhiều điều thú vị. Những người cùng xuất phát với tôi, cùng xếp thứ hạng ở 20 năm trước có người đã là chủ doanh nghiệp lớn, nhưng cũng có người vẫn vật lộn với cuộc sống mưu sinh.
Nhìn vào hoàn cảnh mỗi người, tôi rút ra được 5 quy luật cuộc sống.
Quy tắc 1: Thành tựu tạm thời không phải là yếu tố quyết định thành tích cuối cùng
Không có trường Mầm non tốt thì không có trường Tiểu học tốt. Không có trường Tiểu học tốt thì không có trường Trung học tốt. Không có trường Trung học tốt thì không có trường Đại học tốt. Không có trường Đại học tốt thì không có việc làm tốt. Không có việc làm tốt đương nhiên sẽ không có cuộc sống tốt.
Năm chúng tôi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học chưa phổ cập như hiện tại, vào được Đại học là một thắng lợi lớn. Lớp chúng tôi có hơn 40 người, chỉ 10 người đỗ đại học, trong đó có người trúng tuyển những trường top đầu, có người vào trường Đại học địa phương mới thành lập.
Họ có xuất phát điểm khác nhau khi mới tốt nghiệp và cuộc sống khác nhau. Nhưng khi bước sang tuổi trung niên, tôi nhận ra sự chênh lệch số mệnh không còn lớn nữa, ít nhất là không lớn bằng sự chênh lệch về điểm thi đại học.
Cũng giống như khi nuôi một đứa trẻ, ban đầu chúng ta sẽ nhớ chính xác chiều cao, cân nặng theo từng tháng và có sự so sánh. Nhưng khi đứa trẻ đến tuổi thiếu niên, các bậc cha mẹ không còn cảm thấy điều này quan trọng và không quan tâm nhiều.
Chung quy lại, theo thời gian, những thành tựu tạm thời không phải là yếu tố cơ bản quyết định thành tích cuối cùng của một người.
Quy tắc 2: Điều thực sự quyết định thành công là một số khả năng không có trong bài thi
Năng lực nào có thể thay thế được bằng máy móc hay trí tuệ nhân tạo đều không đáng để dành thời gian rèn luyện. Năng lực nào không thể chuyển giao sang lĩnh vực cũng không quan trọng.
Nền giáo dục hiện dành nhiều thời gian và công sức để đánh giá mức độ nắm vững kiến thức của học sinh hơn là kỹ năng hữu ích thực tế.
Đây là 3 loại khả năng mà chúng ta cần rèn luyện: Sự ham học hỏi, mối quan hệ giữa các cá nhân và khả năng giữ tinh thần lạc quan.
Quy tắc 3: Thành tựu trong cuộc sống là do mình quyết định
Nhìn những người bạn cũ sau 20 năm tốt nghiệp, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn. Bởi vì người khiến tôi ghen tị không hề ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi hiện tại. Người mà tôi từng rất ngưỡng mộ hoá ra có cuộc sống bình thường.
Mỗi người đều có con đường đời và hạnh phúc của riêng mình. Tôi nhận ra chẳng có cuộc sống nào đáng để ghen tỵ tuyệt đối, cũng không có cuộc sống nào bị coi thường. Nếu bạn tập trung sống tốt cho cuộc đời của chính mình, bạn có thể đạt đến đỉnh cao của sự sung túc.
Ở một góc độ nào đó, cuộc đời chính là con đường cô đơn và cũng là con đường tu dưỡng bản thân. Chính những suy nghĩ bên trong sẽ quyết định bạn đi được bao xa. Những người vượt qua người khác trên đường đời không phải vì họ muốn vượt qua mà vì họ quyết định đi đến nơi xa nhất.
Vì vậy, nếu bạn không nắm bắt nguồn lực giáo dục tốt nhất để thành công thì có thể bạn sẽ sống cuộc đời thất bại.
Quy tắc 4: Không khí gia đình là sự đầu tư giáo dục tốt nhất cho trẻ
Trong số các bạn cùng lớp tôi, có một nhóm bạn có cuộc sống tinh thần không tốt, thường xuyên xảy ra cãi vã. Và họ thường thiếu sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc từ cha mẹ. Hay cha mẹ của họ ly hôn dẫn đến việc tổn hại lớn về tinh thần.
Khi trưởng thành, trẻ sẽ mang kiểu quan hệ này đến với tổ ấm mới của mình. Hoặc thậm chí nhiều người lựa chọn không kết hôn. Một số bà mẹ đơn thân không tin tưởng vào đàn ông sẽ quản lý thái quá không gian sống của con và có xu hướng thử thách con rể trong tương lai. Gia đình kiểu vậy khó hạnh phúc, chứ đừng nói đến phát triển.
Mối quan hệ trong gia đình hoà thuận mới tạo nền tảng cho trẻ phát triển. Tôi nhận thấy vợ chồng đồng lòng mới giúp kinh tế gia đình khấm khá; cha mẹ tôn trọng và trao quyền mới giúp con phát triển.
Quy tắc 5: Nếu không sống theo đúng mong muốn sẽ phải trả giá đắt
Ai không lựa chọn công việc theo đúng nguyện vọng thì sau này hay phàn nàn, tiêu cực. Ai không bước vào hôn nhân theo đúng ước muốn thì rất có thể cuộc hôn nhân trở thành nấm mồ.
Chúng ta thường bỏ qua một số điều vô cùng quan trọng, đó là giá trị cuộc sống nằm ở sự lựa chọn. Ở các độ tuổi khác nhau, mỗi người đều có mong muốn riêng để lựa chọn các vấn đề, từ chuyện trang phục, ăn uống đến kết bạn, công việc, tìm kiếm bạn đời.
Tuy nhiên không ít lần, quyền lựa chọn của chúng ta đã bị cha mẹ, thầy cô, lãnh đạo, dư luận xã hội,… can thiệp. Điều đáng sợ hơn là nhiều người chưa bao giờ có ý thức tự lựa chọn, từ đó rơi vào trạng thái hoang mang, không còn tìm thấy chính mình.
Có một câu nói rất hay như sau: “Trong nửa sau của cuộc đời, kẻ thù duy nhất của bạn là chính bạn”. Nhìn lại quá trình trưởng thành trong 20 năm qua, tôi thấy rằng kẻ thù duy nhất chính là mỗi chúng ta.
Thứ có thể chinh phục vạn dặm luôn là nội lực, không liên quan gì đến thế giới tưởng chừng như khốc liệt và ồn ào bên ngoài. Hãy tưởng tượng rằng cuộc đời là những chuyến xe buýt và nỗi lo lắng là gánh nặng trên vai. Nếu bạn mang nỗi lo lắng trên vai, xe buýt cũng chẳng thể đến nhanh hơn. Nếu bạn đặt nỗi lo lắng xuống đất hoặc thậm chí vứt nó đi, xe buýt cũng chẳng đến chậm hơn chút nào.
Theo Ứng Hà Chi-Phụ nữ số