Thế giới này sẽ không vì bạn nỗ lực mà cảm động, nhưng cuộc đời của bạn nhất định sẽ hối hận khi bạn không nỗ lực. Những bậc thầy thực sự đều âm thầm nỗ lực sau khi đã xác định được mục tiêu.
Cuối tuần trước, tôi tham gia buổi họp lớp cấp 3. Trong bữa ăn, mọi người trò chuyện sôi nổi về tình hình công việc hiện tại.
Có người có công việc nhà nước ổn định, nhàn nhã đi làm, 5h tan làm.
Có người làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài, mỗi ngày choáng ngợp với đủ mọi công việc.
Có người tự mình lập công ty, tự kinh doanh riêng.
Trong tất cả bạn học, câu chuyện của Minh có lẽ là câu chuyện “huyền thoại” nhất.
Minh không thi đỗ đại học, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cậu ấy lên thành phố lập nghiệp. Từng làm đủ các nghề, từ phát tờ rơi, nhân viên bán hàng, nhân viên giao hàng, hiện tại Minh là giám đốc thiết kế ánh sáng cho một công ty nổi tiếng.
Từ những mức lương ban đầu chỉ hơn 3 triệu/tháng, tới nay, cậu ấy sở hữu mức lương tiền tỷ mỗi năm.
Câu chuyện của cậu ấy khiến tôi nhận ra một điều rằng: lý do khiến một người ưu tú, kiếm được nhiều tiền hơn người khác là vì tư duy và nhận thức của họ vốn hơn những người bình thường một bậc.
01–Xác định mục tiêu, chầm chậm nỗ lực bước từng bước
Một tác gia từng viết: hạt giống bạn gieo tháng 3, tháng 4, sẽ đơm hoa kết trái vào tháng 8, tháng 9. Vạn vật sinh trưởng đề có quy luật, quan trọng là không được vội vàng. Không ai chạy một ngày đã có thể gầy luôn, cũng không ai ăn một bữa có thể lập tức béo lên. Sau khi xác định được mục tiêu, kiên định với nó, cho bản thân thời gian, cho cho sự vật sự việc đủ không gian và thời gian để phát triển.
Khoảng thời gian phát tờ rơi, làm nhân viên bán hàng, nhân viên giao hàng, Minh nhận thức ra được tầm quan trọng của tri thức, vì vậy cậu ấy đặt ra cho bản thân mục tiêu 10 năm: lấy bằng thạc sỹ và cố gắng có một công việc với mức lương năm 1 tỷ.
Sau khi xác định được mục tiêu, Minh bắt đầu đặt ra kế hoạch nghề nghiệp, chia nhỏ 1 mục tiêu lớn ra thành 5 mục tiêu nhỏ. Kế hoạch 10 năm nghề nghiệp của câu ấy như sau:
– Năm thứ nhất, tìm công việc sale trong lĩnh vực thiết kế ánh sáng, vừa làm việc vừa tự học để đi thi. Nhờ khéo léo trong giao tiếp, cậu ấy quen được các nhà thiết kế ánh sáng, đồng thời quyết tâm trở thành một nhà thiết kế ánh sáng.
– Năm thứ hai, làm trợ lý cho nhà thiết kế, thường xuyên thức khuya tới rạng sáng.
– 3 năm tiếp theo, Minh tới một công ty lớn hơn làm công việc thiết kế. Tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi học vẽ tay, phối màu, đồng thời học tập nâng bằng cấp.
Cứ như vậy 8 năm trôi qua, từ một nhà thiết kế bình thường, cậu ấy được thăng chức thành quản lý bộ phận thiết kế.
Trong một lần tình cờ, cậu ấy phát hiện ra công ty mà mình yêu thích tuyển dụng giám đốc thiết kế, để vào được công ty đó, cậu ấy dành ra hơn 2 tháng chuẩn bị tác phẩm của mình để ứng tuyển.
Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm trong ngành và cả tác phẩm ứng tuyển xuất sắc, cậu ấy thuận lợi trúng tuyển.
Minh dùng 10 năm hoàn thành hai mục tiêu, cậu ấy không phải người thông minh, nhưng khi đã đặt ra được cho mình mục tiêu, cậu ấy xác định sẽ bước từng bước một cách thật chắc chắn.
Cao thủ thực sự đều là những người âm thầm nỗ lực sau khi đã xác định được cho mình mục tiêu.
Daniel Coyle, tác giả của cuốn “Mật mã tài năng”, đã phỏng vấn các cầu thủ bóng đá, nghệ sĩ violin, phi công chiến đấu hay các nghệ sĩ thành công nhất thế giới để tìm hiểu xem liệu có quy luật thành công chung nào đằng sau những người này hay không. Sau cùng, anh phát hiện ra rằng, muốn trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, cần phải bỏ ra ít nhất 10.000 giờ nỗ lực.
10.000 giờ có nghĩa là gì? Là nếu một tuần dành ra 5 ngày, một ngày dành ra 8 tiếng, vậy thì bạn cần khoảng 5 năm.
Mấu chốt của “quy tắc 10.000 giờ” đó là 10.000 giờ là con số tối thiểu. Không ai có thể đạt đến trình độ đẳng cấp thế giới trong một lĩnh vực chỉ trong 3.000 giờ. Đó phải là 10.000 giờ – 10 năm, 3 giờ mỗi ngày – bất kể bạn là ai.
Thành công không bao giờ có thể đạt được chỉ sau một đêm, nếu muốn nổi bật trong một lĩnh vực nào đó, bạn phải bình tĩnh và không ngừng nỗ lực.
02–Đừng sợ hãi, bình tĩnh đối mặt với nghịch cảnh
Cuộc sống vốn là tổng hòa của những thăng trầm. Thái độ đối với nghịch cảnh quyết định tầm cao của cuộc đời bạn.
Nietzsche đã nói: “Nếu một người biết mình sống vì điều gì, anh ta có thể chịu đựng mọi đau khổ mà cuộc đời ném vào mình”.
Khi mới bắt đầu làm trợ lý thiết kế ánh sáng, do chưa thành thạo các thao tác CorelDraw và PS nên nếu nhà thiết kế chỉ phải mất một giờ để vẽ một tác phẩm, thì Minh thường mất một ngày để vẽ. Và vì ban ngày cần phải đi làm nên cậu ấy thường dùng thời gian cuối tuần và buổi tối để luyện tập.
“Lúc không vẽ được hoặc vẽ dở, thật sự rất muốn bỏ cuộc!” Cậu ấy nói, “Chỉ có thể giải tỏa căng thẳng qua từng điếu thuốc.”
Mỗi một lần liên hoan, thấy người này người kia lương tháng thế này thế kia, cậu ấy lại cảm thấy lo lắng, lo lắng vì công việc của mình không có dấu hiệu tiến triển, lo lắng rằng lương của mình chỉ đủ sống qua ngày. Nhưng cũng chỉ có thể âm thầm tiếp tục làm việc và nỗ lực trong lo âu.
Cứ như vậy, Minh kiên trì học tập suốt nhiều năm. Hôm nào phải tăng ca, chỉ còn biết thức tới rạng sáng.
Minh rất cảm ơn mỗi một lần liên hoan, nó giúp cậu ấy nhìn thấy được khoảng cách giữa mình và mọi người, nó khiến Minh quyết tâm thay đổi hoàn cảnh hiện tại của mình hơn.
Tác giả Paul Stoltz viết trong một cuốn sách của mình rằng: “Khi đối mặt với nghịch cảnh, thường có ba kiểu người:
Kiểu thứ nhất là người bỏ cuộc, khi gặp khó khăn, họ có thói quen trốn tránh, bỏ cuộc, không nỗ lực.
Kiểu thứ hai là kiểu cắm trại, họ đạt tới được một độ cao nhất định thông qua những nỗ lực nhất định, và có được địa vị nhất định, họ dừng việc nỗ lực lại.
Kiểu thứ ba là người leo núi, họ không đặt ra cho cuộc đời mình một cao độ nhất định nào, càng đối mặt với nghịch cảnh, họ càng trở nên mạnh mẽ.”
Minh chính là người leo núi, cậu ấy không bao giờ dừng việc khám phá ra những khả năng mới, theo đuổi sự ưu việt.
Đối mặt với nghịch cảnh, người lạc quan luôn có thể bước ra khỏi bóng tối nhanh hơn người bi quan; người nhẫn nại biết rõ sức mạnh của tích lũy hơn những người nóng vội.
Thế giới này sẽ không vì bạn nỗ lực mà cảm động, nhưng cuộc đời của bạn nhất định sẽ hối hận khi bạn không nỗ lực.
03–Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Có người từng nói: “Sống ở đời, có người sống vì lớp nước sơn, có người sống vì lớp gỗ. Lớp gỗ có đẹp, lớp sơn mới mịn.”
Minh chính là người sống vì lớp gỗ, cậu ấy biết khi nào nên buông bỏ “sĩ diện” của mình.
Khi mới tới công ty khác làm nhà thiết kế, các sản phẩm thiết kế đều là làm theo yêu cầu của khách hàng, vì các sản phẩm của cậu ấy thường đơn giản và thiết thực nên nhận được đánh giá rất tốt.
Dần dần, thấy cậu ấy làm được việc, một vài đồng nghiệp bắt đầu nói xấu sau lưng. Nói Minh nịnh nọt khách hàng, xu nịnh cấp trên, lời khó nghe nào cũng thấy. Nhưng Minh xem như không có chuyện gì xảy ra, cậu ấy vốn không quan tâm mọi người nghĩ ra sao về mình, không cần “sĩ diện”.
Khi cấp trên được thăng chức, giám đốc đã tích cực đề cử cậu ấy thay vị trí của mình vì xem trọng sự tự tin và năng lực của cậu ấy, việc mình mình làm, không quá quan tâm tới lời nói của người khác, không “sĩ diện”, nghiêm túc với mỗi tác phẩm, lấy chất lượng ra chứng minh.
Quá quan tâm những thứ bên ngoài sẽ chỉ khiến bản thân bị kéo xuống. Chỉ khi học cách buông bỏ những hành trang vô dụng đó, chúng ta mới có thể thực sự sống.
Một tác gia từng viết: “Mọi sự tự phụ của tôi đều tới từ sự tự ti của tôi, mọi sĩ diện đều tới từ sự yếu đuối bên trong nội tâm, mọi sự khoe khoang đều tới từ sự hoài nghi bên trong. Tôi ngỡ tưởng ý nghĩa của cuộc đời là được phiêu bạt khắp nơi để rồi luôn chối bỏ một sự thật rằng mình chẳng qua cũng chỉ là vì chưa tìm được nơi muốn dừng chân.”
Đây là lời giải thích rõ ràng nhất cho cái gọi là “sĩ diện”.
Những người muốn tô điểm cho bản thân bằng sự hào nhoáng bên ngoài vừa hay sẽ chỉ cho người khác thấy được sự tự ti ở bên trong.
Một người trưởng thành thực sự tự tin và có năng lực không đánh giá giá trị của bản thân dựa trên lời nói của người ngoài, cuộc sống của mình phải do mình quyết định, giá trị của mình là do mình quyết định, tôi không cần để tâm tôi trong mắt bạn là người ra sao.
04
Từ một nhân viên bán hàng với mức lương hàng tháng chỉ 3 triệu đến giám đốc thiết kế với mức lương hàng năm hàng tỷ đồng, trải nghiệm của Minh khiến tôi nhớ đến lời một nhà đầu tư: không vội vàng, không sợ hãi, cũng không cần sĩ diện.
Không vội vàng, lặng lẽ đợi hoa nở; không sợ hãi, gặp khó khăn thì ta vượt qua; không quá để tâm tới sĩ diện, sống vì “lớp gỗ” bên trong.
Khoảng cách lớn nhất giữa người với người nằm ở cách suy nghĩ. Chính lối suy nghĩ này đã thay đổi cuộc đời của Minh, mong bạn và tôi cũng sẽ luôn không ngừng học hỏi, không ngừng cải thiện và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Như Nguyễn-Theo PNS