Con đường dẫn đến thành công có thể nhanh hay chậm, nhưng không có con đường nào tốt hơn hay con đường nào kém hơn.
Bài viết là lời chia sẻ của một cô gái đăng trên Toutiao (MXH Trung Quốc), nhận được sự quan tâm của mọi người.
Về quê vào dịp cuối năm, tôi tham dự buổi họp lớp kỷ niệm 20 năm tốt nghiệp cấp 3. Tôi gặp lại nhiều bạn học cũ sau bao nhiêu năm. Cuộc sống của những người ngồi cùng một lớp học hoàn toàn khác nhau.
Một giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard từng cảnh báo sinh viên của mình: “20 năm sau khi tốt nghiệp, bạn phải đến dự buổi họp lớp, bởi bạn sẽ thấy sự khác biệt về số phận giữa những người kiên trì theo đuổi ước mơ và những người chạy theo đám đông”.
Tham dự một bữa tiệc, tôi đã nhận ra 5 điều quyết định cuộc đời mỗi người.
Điều khiến một người thành công là những khả năng không có trong các bài thi
Khi còn đi học, mọi người đều cho rằng, chỉ cần đạt điểm xuất sắc có nghĩa mai sau sẽ vào được một trường đại học tốt, có công việc tốt và một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng sau khi gặp lại bạn học cũ, tôi thấy những người có điểm số chẳng cao vẫn có thể bắt kịp cuộc sống.
Chẳng hạn cậu bạn Trần Vũ có năng lực học tập kém, thi vào một trường cao đẳng khoa học công nghệ không có danh tiếng. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp, Trần Vũ nhận được lời đề nghị từ một công ty game nổi tiếng và trở thành nhà thiết kế trò chơi.
Trần Vũ rất yêu thích trò chơi từ khi còn nhỏ, sau khi vào đại học, cậu ấy chơi nhiều trò chơi di động khác nhau và tự mày mò học lập trình game. Sự kiên trì trong ước mơ đã giúp Trần Vũ kiếm được rất nhiều tiền.
Hay Hạ Ngôn sau khi trượt đại học đã xách hành lý sang một thành phố khác để tập tành kinh doanh. Nhờ đầu óc linh hoạt nên Hạ Ngôn đã bắt kịp xu hướng thương mại điện tử và có thu nhập cao.
Bạn cùng lớp Tiểu Lam làm công nhân ở quê, đồng lương ít ỏi nhưng rất ham hỏi. Trong thời gian rảnh, cô đọc nhiều loại sách và bắt đầu viết lách, gửi các tác phẩm của mình đến các toà soạn. Nhờ nỗ lực phi thường mà sau này Tiểu Lam trở thành nhà báo có tên tuổi. Còn Đình Phong trước đây khá nghịch ngợm nhưng lại sẵn sàng giúp đỡ người khác. Sau này, cậu ấy trở thành tình nguyện viên và là người sáng lập quỹ.
Lớp tôi có 45 bạn, trong đó có 30 bạn được nhận vào đại học. Trong số 30 bạn, cuộc sống của những người điểm cao không hề hào nhoáng như những gì tôi nghĩ. Để so sánh, tôi thấy kết quả học tập rất quan trọng và những sinh viên vào các trường đại học tốt có xác suất đạt thành công cao hơn.
Nhưng thời gian trôi qua, tôi phát hiện ra rằng trong nửa sau của cuộc đời, thành công được đo lường bằng những khả năng không có trong các bài thi. Nếu bạn tâm huyết với một việc gì đó và kiên trì học hỏi thì dù cuộc sống có tầm thường cũng sẽ sớm tỏa sáng.
Hai mươi năm đầu đời, chúng ta cùng đắm chìm trong một vấn đề, rượt đuổi nhau trên cùng một con đường. Về sau chúng ta dần hiểu rằng, cạnh tranh trong cuộc sống vốn dĩ là đa chiều.
Hạnh phúc không có thước đo cụ thể
Học giả nổi tiếng Xiao Gongqin (Trung Quốc) từng nói rằng nhiều người thích theo đuổi một cuộc sống “chuẩn mực”: Bỏ ra bao nhiêu tiền để mua nhà, mua ô tô ở tuổi nào và bao nhiêu tuổi thì phải đạt được vị trí nào. Chúng ta “dán nhã”n thành công mà quên rằng định nghĩa về hạnh phúc của mỗi người là khác nhau.
Trong số các bạn cùng lớp, không ai có tài năng kinh doanh siêu cấp, cũng không có ai lọt vào danh sách người giàu, nhưng họ chọn đi theo sự lựa chọn của mình và mỗi người đều có cuộc sống sung túc, hạnh phúc.
Trần Bằng là người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học khoa học của lớp chúng tôi và được nhận vào khoa Kiến trúc của Đại học Thanh Hoa.
Trong quá trình học tập, cậu ấy đạt điểm xuất sắc ở tất cả các môn và còn đạt giải thưởng về Kiến trúc. Khi mọi người nghĩ Trần Bằng sẽ trở thành một kiến trúc sư hàng đầu thì cậu lại xin nghỉ việc ở công ty và trở thành một blogger du lịch. Trần Bằng cho biết dù không thành công nhưng anh rất hài lòng và hạnh phúc.
Bạn cùng lớp Lý Linh theo nguyện vọng của cha mẹ, thi vào một trường danh tiếng và trở thành giám đốc điều hành công ty sau khi tốt nghiệp. Nhưng sau đó, Lý Linh chọn theo đuổi ước mơ thuở nhỏ là trở thành giáo viên của trường mẫu giáo.
Cô tâm sự, cô không thích môi trường công sở ngột ngạt, nhiều cạnh tranh, nhiều toan tính mà muốn ở bên những đứa trẻ hồn nhiên. Giờ cuộc sống của cô tràn đầy năng lượng mỗi ngày.
Điều này đã cho tôi một sự hiểu biết mới về cuộc sống: Những người sống cuộc sống tốt nhất không phải là được mọi người tung hô về sự thành công mà là có thể bình tĩnh chấp nhận bản thân. Dù chúng ta theo đuổi sự vĩ đại hay sẵn sàng trở nên bình thường, chỉ cần sống theo mong muốn của chính mình thì sẽ là người thành công lớn nhất.
Con đường dễ đi báo hiệu xuống dốc
Sau khi tốt nghiệp đại học, có người miệt mài chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, có người lại chạy khắp nơi tìm việc làm.
Còn Hiểu Mai khi đó chọn kết hôn với một doanh nhân thành đạt và sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Trong những năm đó, chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau và cô ấy khiến tất cả mọi người ghen tị.
Khi chúng tôi bị sếp mắng, cô ấy đang đi mua sắm thoải mái ở trung tâm thương mại. Khi chúng tôi đang vội vã đi tàu điện ngầm thì cô ấy lái một chiếc ô tô sang trọng đi du lịch khắp nơi.
Nhưng cuộc sống viên mãn không kéo dài lâu, đến năm 42 tuổi, Hiểu Mai phát hiện chồng có nhân tình. Cô rơi vào đau khổ và quyết định đệ đơn ly hôn. Chồng cô ấy mỉa mai: “Cô suy nghĩ xem sẽ sống như thế nào nếu không có tôi. Còn nếu vẫn muốn hưởng cuộc sống giàu sang thì đừng quan tâm đến chuyện riêng của tôi”.
Từ một cô gái trẻ đẹp, chẳng mấy chốc Hiểu Mai trở thành người phụ nữ rầu rĩ, tiêu cực, hoài nghi với cả thế giới. Giờ thì cô mới hiểu, cuộc sống quá tốt khi còn trẻ chưa chắc đã là điều tốt. Giờ nếu ly hôn, cô chẳng có gì trong tay: Không nhà cửa, không bằng cấp, không kỹ năng, không việc làm, thậm chí còn không dành được quyền nuôi con.
Trong khi đó, những bạn cùng lớp khác, một số đã trở thành kế toán viên cấp cao, làm việc tại tập đoàn lớn, người có công việc kinh doanh thành công, người sau khi đi du học về đã trở thành lãnh đạo lớn,…
Vậy nên bạn thấy đấy, cuộc đời dù tàn nhẫn nhưng cũng rất công bằng. Ai vươn lên nhanh chóng mà không có nền tảng vững chắc thì sẽ nhanh chóng sụp đổ. Chỉ khi dựa vào chính mình, bạn mới có đủ tự tin để tiến về phía trước.
Nửa sau của cuộc đời dành cho con cái
Khi chúng tôi ăn gần được nửa bữa, Tiểu Dao vội vàng đến. Cậu ấy cười gượng nói rằng con trai cậu đang học cấp 2, gần đây đòi nghỉ học.
Nửa đầu cuộc đời của Tiểu Dao thuận buồm xuôi gió. Cậu ấy có nhiều công việc kinh doanh khác nhau, ở tuổi hơn 40 đã tích lũy được khối tài sản kếch xù.
Nhưng vì bận rộn với công việc nên không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Vợ chồng Tiểu Dao thường xuyên lục đục, con cái cũng không thân thiết với bố. Cứ mỗi lần nói chuyện là 2 bố con lại cãi vã, không tìm được tiếng nói chung.
Nửa đầu cuộc đời, chúng ta đã vất vả chỉ để lo cho tương lai của con cái. Nhưng nếu bỏ qua sự dạy dỗ và đồng hành thì mọi nỗ lực của cha mẹ sẽ trở nên vô nghĩa.
Tờ Nhân dân Nhật báo từng nói: “Giáo dục con cái tốt là sự nghiệp vĩ đại nhất trong cuộc đời mỗi người”. Điều này quan trọng hơn việc gửi con ra nước ngoài để tiếp thu nền giáo dục tân tiến.
Cuộc sống không phải là cuộc chạy nước rút mà là một cuộc chạy marathon
Khi bữa tiệc sắp kết thúc, tôi vô cùng xúc động trước những gì bạn cùng lớp Giang Giang chia sẻ. Cậu cho biết, trước đây là người đứng cuối lớp khiến cậu rất tự ti. Vì thế, Giang Giang lao vào học tập chăm chỉ đến mức quên ăn quên ngủ. Nhưng kết quả, cậu ấy vẫn trượt đại học.
Sau khi thi trượt đại học, Giang Giang tưởng cuộc đời mình thế là kết thúc. Nhưng bằng sự thuyết phục của bố mẹ, Giang Giang đã đến làm việc ở công trường xây dựng của người anh họ.
Sau hơn 10 năm nỗ lực, Giang Giang dần dần đạt được thành tựu. Hiện cậu đã sở hữu một số công ty trang trí, xây dựng khá nổi tiếng ở địa phương.
Khi còn trẻ, chúng ta thường lo lắng, luôn cố gắng đuổi kịp người bạn cùng lớp có thành tích tốt và muốn đứng đầu trong mọi kỳ thi. Nhưng sau này tôi nhận ra, cuộc sống không phải là cuộc chạy nước rút mà là một cuộc chạy marathon.
Mọi người sống trong thế giới này theo nhịp độ riêng của họ. Con đường dẫn đến thành công có thể nhanh hay chậm, nhưng không có con đường nào tốt hơn hay con đường nào kém hơn. Chỉ cần bạn tiếp tục bước đi thì cuối cùng sẽ đến được đích.
Sau bữa tiệc, một nhóm người trung niên vẫy tay chào tạm biệt trong gió lạnh. Chúng tôi nhìn thấy sự thay đổi của thời gian ở những người đã đồng hành và giải mã được quy luật phát triển cá nhân.
Khi đến tuổi không còn bối rối, tôi dần nhận ra cuộc sống không phải là sự cạnh tranh với người khác mà là sự tu dưỡng bản thân. Điều khiến con người cảm thấy thoải mái là kỹ năng ngày càng phát triển, sự bình yên trong tim.
Ứng Hà Chi-Theo Đời sống Pháp luật