Tờ The Independent của Anh vừa cho biết, chỉ trong 10 ngày đã có hơn 350.000 người ký vào bản kiến nghị trực tuyến, kêu gọi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức vì thiếu sót khi xử lý dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra.
Đơn kiến nghị này được một người dùng có tên “Osuka Yip” khởi xướng trên trang Change.org vào ngày 31/1. Người này cho rằng quyết định chậm trễ của ông Tedros đã khiến virus lây lan nhanh hơn. Bản kiến nghị ghi rõ:
“Chúng tôi tin rằng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với cương vị Tổng giám đốc WHO. Chúng tôi kêu gọi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức ngay lập tức.”
Ngày 23/1/2020, ông Tedros từ chối tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch bệnh tại Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị virus corona hiệu quả.
Số người bị lây nhiễm và số tử vong đã tăng gấp hơn 10 lần (từ 800 ca lên tới 10.000 ca nhiễm bệnh) chỉ trong vòng 5 ngày. Một phần là do ông Tedros đã đánh giá thấp virus corona.
Rất nhiều người đã thất vọng. Chúng tôi tin rằng WHO đáng lẽ phải có thái độ trung lập. Nhưng ông Tedros chỉ tin số liệu do Trung Quốc cung cấp mà không tiến hành cuộc điều tra nào.”
Sự lo ngại về việc WHO bám theo các con số và đánh giá của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, cũng như sự khen ngợi liên tục của lãnh đạo WHO đối với Bắc Kinh, đang gây hoài nghi về mức độ đáng tin của cơ quan này trên phạm vi toàn cầu trong lúc họ cần đến điều đó nhất.
“Tôi lo lắng về việc liệu họ có thực sự đảm nhận vai trò lãnh đạo một cách hiệu quả hay không nếu xét trên phương diện phản ứng quốc tế”, Yanzhong Huang, thành viên cao cấp phụ trách vấn đề y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) nói.
Trước đó, khi loại virus corona chủng mới bùng phát khắp thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019, WHO nhanh chóng gửi thông điệp: Trung Quốc đã kiểm soát được tình hình. Và khi chủng virus corona mới đã xuất hiện hầu hết khắp Trung Quốc và lan sang các quốc gia khác, ông Tedros lại hoan nghênh sự minh bạch trong phản ứng của Trung Quốc.
Thậm chí ngay cả khi có bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc đã cố ý ngăn chặn những người lên tiếng về tình hình dịch bệnh và không công bố đầy đủ các ca nhiễm, ông Tedros vẫn tán dương vai trò của Bắc Kinh.
Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh mang tính toàn cầu đã diễn ra hơn một tháng và vẫn tiếp tục leo thang thì liệu những lời ca ngợi của lãnh đạo WHO sẽ tiếp tục tạo ra cảm giác an toàn giả, hay thúc đẩy sự lây lan của virus nhanh hơn?
“Bản thân tôi và các chuyên gia y tế công cộng khác đã trấn an công chúng rằng chuyện này không nghiêm trọng, rằng chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh dựa trên những điều mà Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc nói. Chúng tôi đã mang đến cảm giác được bảo vệ giả… Tất cả chúng ta đã bị lừa dối”, Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, người hỗ trợ kỹ thuật cho WHO nói.
Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Uỷ ban Y tế Trung Quốc, tính đến ngày 11/2, bệnh viêm phổi do virus corona gây ra đã khiến ít nhất 1.018 người trên thế giới tử vong và ít nhất 42.000 người nhiễm bệnh cùng hàng chục ngàn trường hợp bị nghi nhiễm. Bệnh cũng đã nhanh chóng lan sang 29 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ sau vài tuần.
Thiện Thành (t/h)