Cậu bé Hạng Thác, 7 tuổi, thông minh cỡ nào mà khiến Khổng Tử cũng phải bái thành sư phụ.
Trong “Sách thời Chiến Quốc” của nhà Tần có ghi chép câu chuyện về cậu bé 7 tuổi đã khiến Khổng Tử phải bái làm sư phụ. Vậy đứa bé ấy là ai? Tại sao một Đại thánh hào như Khổng Tử lại phải bái sư với một đứa trẻ 7 tuổi?
Câu chuyện bắt nguồn từ một cuộc cá cược giữa Khổng Tử và cậu bé 7 tuổi tên Hạng Thác.
Xưa kia, Khổng Tử mở lớp dạy học ở nước Lỗ, dưới trướng ông có 3 nghìn đệ tử và 72 hiền nhân. Địa vị của Khổng Tử lúc ấy thật không hề tầm thường.
Có một lần, Khổng Tử nghe nói có một thành trì ở phía đông nước Sở, bách tính ở đây vô cùng cần cù hiếu học, uyên bác thông thái, nên ông đã bàn bạc với các đệ tử cùng tới đó xem thực hư thế nào.
Trên đường đi, cảnh vật tuyệt đẹp khiến Khổng Tử rất thích thú hưởng thụ, vui vẻ nói chuyện cùng các đệ tử. Đang đi thì ông gặp một đám trẻ vui chơi bên đường. Lũ trẻ thấy xe ngựa đến thì tránh rạt ra hai bên, duy chỉ có một cậu bé vẫn đứng đó. Thấy vậy, Khổng Tử bèn ló đầu khỏi xe hỏi: “Đứa bé kia, còn không mau tránh đường cho xe đi, lại đứng giữa chắn đường như vậy là cớ làm sao?”
Cậu bé đó chính là Hạng Thác. Hạng Thác thấy người lớn trên xe ăn nói thô lỗ thì không vừa lòng, liền nghĩ trò trêu chọc. Cậu trả lời: “Thành trì ở đây, xe ngựa làm sau đi qua được?”
Khổng Tử hỏi: “Thành ở đâu?”
Hạng Thác trả lời: “Ở ngay dưới chân ngài.”
Câu trả lời của cậu bé lập tức khiến Khổng Tử sinh lòng hiếu kỳ, liền xuống xe xem xét.
Sau khi xuống xe, ông mới biết hóa ra lũ trẻ dùng bùn đất và đá xây vài tòa thành ở giữa đường. Khổng Tử bèn hỏi: “Thành này dùng để làm gì?”
Hạng Thác đáp: “Để ngăn xe ngựa và quân binh.”
Nghe câu trả lời của Hạng Thác, Khổng Tử liền nghĩ đứa trẻ này khẩu khí thật không tầm thường, nhưng lại có phần tự kiêu, liền nói: “Nếu ta cứ muốn đi thì sao?”
Ai ngờ đứa bé đáp: “Từ xưa tới nay đều là xe ngựa gặp thành thì tránh, chứ tôi chưa nghe ai nói thành phải dịch chuyển để tránh xe cả.”
Khổng Tử nghe xong không biết nói gì, bực tức đi lại vài vòng. Bỗng thấy người nông dân đang cuốc đất bên đường, một đệ tử của Khổng Tử tên Tử Lộ hỏi: “Xin hỏi nông gia đang làm gì thế?”
“Ta đang cuốc đất.” – người nông dân trả lời.
Khổng Tử: “Nông gia ngày ngày làm việc này, chắc biết mỗi ngày mình cuốc đất bao nhiêu cái chứ?”
Người nông dân nghe câu hỏi thì không biết trả lời thế nào. Trong lúc Tử Lộ đang đắc ý, Hạng Thác bỗng lên tiếng: “Cha tôi ngày nào cũng cuốc đất ở đây, đương nhiên là biết mình cuốc bao nhiêu cái rồi. Phu tử mỗi ngày đều ngồi trên xe ngựa, hẳn là biết mỗi ngày ngựa đi bao nhiêu bước đúng không?”
Câu nói này khiến thầy trò Khổng Tử không nói nên lời. Khổng Tử thấy đứa bé này tuy mới 7 tuổi nhưng đã rất thông minh lanh lợi, quả là thần đồng hiếm có, nên đã xuống xe và tiến đến nhìn Hạng Thác.
Khổng Tử nói với Hạng Thác: “Ta thấy ngươi rất thông minh. Giờ ta và ngươi mỗi người đặt một câu hỏi cho đối phương, ai không trả lời được thì phải bái người kia làm sư phụ, ngươi thấy sao?”
Hạng Thác nghe vậy liền nói: “Ngài đừng đùa.”
Khổng Tử đáp: “Ta không dối trẻ gạt già.”
Nghe lời đảm bảo của Khổng Tử, Hạng Thác đồng ý. Khổng Tử hỏi trước: “Con người có thể tồn tại trên đời này đều nhờ trên trời có nhật nguyệt và các vì tinh tú, dưới đất có các loại ngũ cốc nuôi dưỡng muôn loài. Vậy ta hỏi ngươi, trên trời có bao nhiêu ngôi sao, dưới đất có bao nhiêu hạt lúa?”
Hạng Thác điềm tĩnh trả lời: “Trời cao không thể đo, đất rộng không thể đếm. Sao mỗi ngày một đêm. Lúa mỗi năm một vụ.”
Hạng Thác lại hỏi Khổng Tử: “Tại sao ngỗng và vịt có thể nổi trên mặt nước, thiên nga có thể kêu, cây thông có thể xanh quanh năm?”
Khổng Tử trả lời: “Ngỗng và vịt có thể nổi trên mặt nước là do chân hình vuông. Thiên nga kêu được do có cổ dài. Thông có lõi thân rắn chắc, kiên cố nên đông hay hè đều xanh tươi.”
Sau khi nghĩ một hồi, Hạng Thác nói: “Không đúng! Chân ba ba có hình vuông đâu mà vẫn nổi được đấy thôi. Cóc cũng kêu được nhưng cổ đâu có dài. Cây tre cũng xanh quanh năm, lẽ nào cũng là do lõi thân cây rắn chắc?”
Nghe Hạng Thác nói, Khổng Tử sửng sốt, chỉ biết thở dài. Lời đồn quả không sai, người nước Sở quả nhiên vô cùng thông minh, ngày cả một đứa bé 7 tuổi cũng giỏi đến thế. Khổng Tử chịu thua và cúi đầu bái sư với cậu bé.
Sau đó, Hạng Thác bỗng nhún người nhảy xuống ao bên cạnh. Khổng Tử nhìn cậu bé làm vậy thì ngơ ngác không hiểu. Lúc này Hạng Thác mới trồi lên và nói: “Tắm xong có thể hành lễ bái sư, ngài cũng qua đây tắm đi.”
Khổng Tử ngập ngừng: “Nhưng ta không biết bơi, xuống nước sợ sẽ bị chìm mất.”
“Vịt cũng chưa từng học bơi, nhưng chúng vẫn nổi được trên mặt nước đấy thôi.” – Hạng Thác nói.
Khổng Tử phản bác: “Vịt nổi được là vì chúng có lông tơ.”
Hạng Thác nói: “Hồ lô không có lông tơ nhưng vẫn nổi được.”
Khổng Tử đáp: “Hồ lô tuy không có lông tơ, nhưng bên trong rỗng nên có thể nổi trên mặt nước”.
Hạng Thác đáp: “Đồng hồ hình tròn, bên trong cũng rỗng, vậy tại sao thả xuống nước lại chìm?”
Khổng Tử đuối lý, đành phải xuống tắm cùng Hạng Thác, sau đó hành lễ, khấu đầu bái sư.
Điển tích này có tên “Hạng Thác ba lần làm khó Khổng Tử”, được lưu truyền rất rộng rãi. Sau khi được Khổng Tử bái làm thầy, Hạng Thác cũng được hậu thế tôn là Thánh công.
Là một thần đồng được ghi danh trong sử sách nhưng cuộc đời của Hạng Thác lại vô cùng thảm. Từ nhỏ đã thông minh nổi tiếng khắp vùng, lại được Khổng Tử bái làm sư phụ, cậu càng được nhiều người chú ý hơn.
Thế nhưng, đáng tiếc Hạng Thác đã qua đời khi mới 13 tuổi. Sự ra đi của cậu đã khiến nhiều người đau lòng tiếc thương cho cậu bé thần đồng yểu mệnh. Đến ngày nay, những câu chuyện về sự thông minh, tài trí của Hạng Thác vẫn được lưu truyền rộng rãi.
Theo Toutiao-Hoàng Lan-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị