Hội thảo “Nguồn gốc Sự sống dưới Ánh sáng của Định lý Godel” sẽ được tổ chức vào ngày 18/6 ở Hà Nội tại Viện Công nghệ sinh học, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Einstein từng nói:
“Có 2 cách để sống. Một là hãy coi như không tồn tại bất cứ điều kỳ diệu nào. Hai là hãy coi mọi thứ đều như là điều kỳ diệu của tạo hóa”.
Sự sống là gì, nếu không phải là một điều kỳ diệu. Không chỉ là cái kỳ diệu trong phút ngẫu hứng thăng hoa của các nhà thơ, hay nhạc sĩ, mà còn kỳ diệu ngay cả trong bản chất của nó, theo nghĩa đen, trên bình diện khoa học.
Godel là ai?
Năm 1933, với những khám phá khoa học vĩ đại để lại ở phía sau, Albert Einstein đặt chân đến Mỹ. Ông sống 25 năm cuối đời ở Princeton, New Jersey, nơi ông được xem như một ngôi sao của Viện nghiên cứu cao cấp (Institute for Advanced Study). Hàng ngày ông đi bộ từ ngôi nhà 115 phố Mercer đến văn phòng làm việc.
Một thập kỷ sau, người ta thấy ông đi bộ với một bạn đồng nghiệp trẻ. Sáng sáng họ cùng đi đến Viện, nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức, rồi chiều chiều lại cùng nhau đi bộ về nhà. Dân địa phương ít người biết người bạn trẻ này là ai, nhưng Einstein thì coi đó là một người ngang hàng với mình, một người giống như ông, đã tạo nên một cuộc cách mạng về nhận thức trong thế kỷ 20. Người bạn trẻ đó là Kurt Gödel. Nếu Einstein, với thuyết tương đối, làm đảo lộn những khái niệm hàng ngày của chúng ta về thế giới vật lý, thì Gödel cũng gây nên những cuộc đảo lộn tương tự trong nhận thức của chúng ta về bản chất của toán học và bản chất của chính nhận thức nói chung..
Trong khi Einstein thích giao du và tràn ngập tiếng cười thì Gödel trang nghiêm, cô độc và ít nói. Nếu Einstein là một nghệ sĩ violin nghiệp dư đam mê, yêu Beethoven và Mozart thì sở thích của Gödel rất “ngây thơ” ─ ông ưa thích cuốn phim của Walt Disney: “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Nếu Einstein có một đời tư khá phức tạp, tinh thần hướng ngoại, tích cực, vui vẻ, thì Gödel hướng nội nhiều hơn và tin vào thế giới tâm linh.
Mặc dù những thành viên khác trong viện nghiên cứu cảm thấy khó gần Gödel, nhưng Einstein nói với mọi người rằng ông đến viện “ chỉ cốt để có đặc ân được đi bộ về nhà cùng với Kurt Gödel ”. Lý do một phần có lẽ vì Gödel không những không e sợ cái uy của Einstein mà còn không ngần ngại thách thức những ý tưởng của Einstein. Một thành viên khác trong Viện nghiên cứu là nhà vật lý Freeman Dyson cho biết: “Gödel là người duy nhất trong các đồng nghiệp của chúng tôi đi bộ cùng với Einstein và nói chuyện ngang hàng với Einstein”.
Và thiên hạ băn khoăn không biết họ nói gì với nhau…
Đó là những ý kiến tóm lược phần mở đầu bài báo “TIME BANDITS, What were Einstein and Gödel talking about?” (NHỮNG NGƯỜI VƯỢT THỜI GIAN, Einstein và Gödel nói chuyện gì với nhau?) của Jim Holt trên tạp chí The New Yorker ngày 28/02/2005.
Làm thế nào mà Einstein, một trong những bộ não nhạy cảm và sâu sắc nhất mọi thời đại, lại mến chuộng người bạn trẻ kém mình tới 27 tuổi như Gödel một cách nồng nhiệt đến vậy? Câu trả lời đã quá rõ ràng. Chắc chắn Godel không phải là một nhà khoa học bình thường. Và định lý mang tên ông (Định lý Godel hay Định lý bất toàn) chắc hẳn cũng có một tầm vóc nhất định.
Thanh Bình