Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin hội đàm trực tuyến vào ngày 7/12, hai bên dự kiến đề cập một loạt chủ đề nóng trong quan hệ song phương vốn đang căng thẳng.
Ukraine sẽ là trọng tâm chương trình nghị sự
Giới phân tích cho rằng, sau tất cả Nga đã có được điều mà nước này đang tìm kiếm: Một cuộc gặp giữa ông Biden và ông Putin. Ngoài ra còn những “ẩn số không xác định”. Phụ tá hàng đầu của Điện Kremlin Yuri Ushakov mô tả cuộc gặp trực tuyến này là sự tiếp nối của Hội nghị Thượng đỉnh Biden-Putin tại Geneve vào tháng 6/2021. Ông xác nhận, Ukraine sẽ đứng đầu chương trình nghị sự và bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến NATO.
Câu hỏi chính được đặt ra trong các cuộc đối thoại và chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các nhà phân tích và các nhà lãnh đạo chính trị là liệu Tổng thống Putin có khả năng phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới hay không và liệu ông có đang sử dụng quân đội để gây sức ép đối với chính quyền Biden nhằm ngăn Ukraine gia nhập NATO hay không.
Nga và Mỹ hiện có một danh sách dài những bất đồng, từ an ninh mạng, cuộc khủng hoảng Syria, khí đốt, can thiệp bầu cử, tin tặc… Nhưng việc Nga dồn quân đến biên giới gần Ukraine đã làm dấy lên những cảnh báo đỏ tại Mỹ và khắp châu Âu. Washington Post dẫn thông tin từ cộng đồng tình báo Mỹ cho biết, Điện Kremlin có thể đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công vào đầu năm 2022 với sự tham gia của 175.000 binh sỹ. Kế hoạch trên bao gồm sự di chuyển ồ ạt của 100 tiểu đoàn chiến thuật cùng xe bọc thép, pháo binh và các trang thiết bị.
Nhiều nhà phân tích nghi ngờ Nga sẽ thực hiện một cuộc tấn công Ukraine. Tatiana Stanovaya, học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận định: “Tổng thống Putin có vẻ như sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ông ấy không muốn đánh lạc hướng nữa”. Nhưng nếu điều này xảy ra, Moscow sẽ đối mặt sự phản đối của cộng đồng quốc tế và có thể là các biện pháp trừng phạt mới. Nga chắc chắn sẽ không mạo hiểm như vậy.
Ông M. K. Bhadrakumar, cựu nhà ngoại giao Ấn Độ lưu ý: “Nga dường như hiểu đầy đủ hậu quả của một cuộc tấn công vì thế, việc nước này bố trí ngày càng nhiều binh sỹ tại biên giới gần Ukraine có thể là muốn gửi thông điệp phản đối chính sách của phương tây đối với Ukraine”.
Thật vậy, Tổng thống Putin đang ở trong một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ông không muốn khơi mào một cuộc chiến tranh, nhưng cũng không thể chấp nhận sự hợp tác quân sự ngày càng gia tăng giữa Mỹ, Anh, NATO với Ukraine, cũng như việc Kiev mua vũ khí mới.
Dù NATO không có sự hiện diện quân sự thường trực tại Ukraine song nhiều quốc gia đồng minh trong khối đã xây dựng những mối liên kết chặt chẽ với các lực lượng của Kiev. Đây là điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Nếu những lo ngại của Nga về sự hiện diện quân sự của phương Tây tại Ukraine và khả năng Kiev gia nhập NATO không được giải quyết, Moscow sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài biện pháp ngoại giao cưỡng bức, chuyên gia Bhadrakumar nhấn mạnh.
Phép thử mạnh mẽ nhất đối với Tổng thống Biden
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra có thể là phép thử mạnh mẽ nhất đối với sự am hiểu về chính sách đối ngoại và tầm ảnh hưởng của nhà lãnh đạo Mỹ 78 tuổi. Ông Biden và ông Putin dự kiến sẽ hội đàm vào trưa 7/12 (theo giờ Mỹ). Trước đó, hai bên cũng đã có nhiều lần gặp gỡ.
Họ có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên tại Điện Kremlin vào năm 2011 khi ông Biden là phó tổng thống trong chính quyền Obama. Trong cuộc gặp, ông Biden nói với nhà lãnh đạo Nga rằng: “Tôi không nghĩ ông có linh hồn”, đáp lại ông Putin nói: “Chúng ta rất hiểu nhau”.
Cuộc gặp thứ hai diễn ra vào năm 2014 tại Geneva, nhằm giải quyết vấn đề tương tự như ở thời điểm hiện tại đó là việc Nga gây sức ép quân sự đối với Ukraine. Gần đây nhất, ngày 16/6/2021, hai bên đã gặp nhau tại Geneva trên cương vị các nhà lãnh đạo hai nước.
Kể từ đó Nga và Mỹ đã có nhiều cuộc tiếp xúc ở các cấp độ. Tuy nhiên, Tổng thống Putin được cho là vẫn mong muốn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ mới như một cách thức để khẳng định vai trò của Moscow trên trường quốc tế.
Ông Putin từng cảnh báo Mỹ và NATO là không vượt qua “giới hạn đỏ” của Nga, trong đó có việc mở rộng sự hiện diện quân sự về phía Đông và không triển khai vũ khí tấn công trên lãnh thổ Ukraine. Nhưng ông Biden đã cứng rắn đáp trả rằng: “Tôi sẽ không chấp nhận ranh giới đỏ của bất cứ ai”. Ông nói thêm: “Điều tôi đang làm là triển khai một bộ những sáng kiến toàn diện và có ý nghĩa nhất để gây khó khăn hết sức cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc thực hiện điều mà người ta lo ngại ông ấy có thể làm”.
Với tuyên bố này, nhà lãnh đạo Mỹ muốn thể hiện rằng ông sẽ không đồng ý đàm phán một hiệp ước an ninh với Nga về vấn đề Ukraine hoặc sự mở rộng khối NATO. Khác với cách tiếp cận thông thường của các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, Tổng thống Biden đã thực hiện cách tiếp cận tinh vi hơn, gợi ý đến một số “nhóm sáng kiến toàn diện và có ý nghĩa nhất” để thảo luận với ông Putin. Như vậy, ông không những không đổ thêm “dầu vào lửa” mà còn khẳng định được lập trường nhất quán.
Một số nhà phân tích cho rằng, hầu như không có khả năng Mỹ và NATO can thiệp quân sự vào Ukraine. Bởi điều này sẽ dẫn đến những kết quả không mong muốn tương tự những gì Mỹ từng chứng kiến sau khi rút quân khỏi Afghanistan. Bên cạnh đó, việc kết nạp Ukraine vào một khối đối đầu với Nga không phải là điều đơn giản.
Nga đang trên cơ?
Vẫn còn phải xem xét hai bên sẽ xử trí ra sao tại cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến ngày 7/12. Nhưng rõ ràng, Nga đang có cơ hội tốt nhất từ trước đến nay trong thời kỳ chiến tranh Lạnh để buộc Mỹ đàm phán về mối lo ngại cốt lõi của nước này: đó là sự mở rộng của NATO.
Về phần mình, ông Biden cũng không thể tỏ ra yếu thế khi tỷ lệ ủng hộ đối với ông đang sụt giảm. Cuộc khủng hoảng Ukraine và căng thẳng với Nga không phải là những yếu tố chính quyết định thái độ của cử tri Mỹ, nhưng trong môi trường chính trị mà ông Biden và đảng Dân chủ đang điều hướng, đã xuất hiện những chia rẽ và sự phân cực. Một cuộc đối đầu với Nga có thể khiến nền chính trị Mỹ thêm chao đảo, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng và gây cản trở nỗ lực chống dịch Covid-19. Hơn nữa, việc châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga và sự bất ổn trên thị trường dầu mỏ thế giới sẽ kế hoạch cô lập Nga “nói dễ hơn làm”.
Nhà phân tích chính trị người Nga Fyodor Lukyanov cho biết, hai nhà lãnh đạo Nga Mỹ có thể không nhất trí bất cứ vấn đề gì cụ thể vào ngày 7/12, nhưng ông cho rằng sự thù địch sẽ không xảy ra nếu cuộc đàm phán thất bại./.
Theo VOV