“Có ‘thầy mo’ còn lấy lý do sắp về hưu nên không cần gì hết, chỉ lấy việc giúp người làm vui. Thế nhưng, việc xong xuôi mà không ‘lại quả’ cho thầy là sẽ sinh chuyện đấy!…”. Thầy ở chốn thị thành còn ghê gớm hơn nhiều
Thầy mo là thầy cúng trong các bản làng ở vùng Tây Bắc. Theo tập quán nơi đây, nhà ai có việc quan trọng thì đều phải cầu thầy mo cúng Thần linh trước khi thực hiện công việc. Bởi vậy, thầy mo chiếm một vị trí khá cao trong đời sống tinh thần của người dân vùng này.
Ở miền xuôi không có thầy mo, nhưng cũng có thầy cúng, vai trò tương tự như thầy mo. Ngoài thầy cúng còn có các thầy bói, thầy địa lý, cô đồng, cậu đồng, kể cả một số thầy chùa… cũng rất được nhiều người dân tin cậy, nể sợ bởi cái quyền lực tâm linh bí ẩn mà các thầy là người đại diện có thể ban phúc hay báo họa cho người cầu nó.
Ta hãy tạm xếp chung các thầy kể trên vào một nhóm, lấy tên gọi ‘thầy mo’ làm đại diện.
Tất nhiên, có thầy thật và có thầy giả, có thầy chân chính và cũng nhiều thầy không chân chính cho lắm, nhưng điều đó nằm ngoài chủ đề của bài viết này.
Vì nắm cái quyền lực mà dường như người ta chỉ có thể cúi mình chịu phép nên các thầy được tôn sùng. Người ta gọi thầy, gọi cô, xưng con một cách kính cẩn chẳng kể thầy già hay trẻ. Dù chặt chẽ trong tiền bạc ở đâu không biết, nhưng với các thầy, con nhang đệ tử cũng sẵn lòng cởi hầu bao để cậy nhờ các thầy cầu thêm lộc, thêm phúc, thêm thọ, tiêu tai giải nạn cho mình và gia quyến. Chớ để mất lòng các thầy, ai biết được họa phúc sẽ ra sao! Đó là câu chuyện ở chốn thị thành lắm tiền nhiều của ngày hôm nay.
Chính vì thế, nhiều thầy giàu lắm. Đã giàu, lại oai phong nên có nhiều kẻ muốn bắt chước phong cách kiếm ăn của các thầy. Thế nên gọi là “hội chứng thầy mo”.
Dù làm việc ở lĩnh vực nào, muốn áp dụng “hội chứng thầy mo”, người ta sẽ làm theo ba bước.
Bước thứ nhất: Đánh bóng tối đa
Họ cố gắng tự tô vẽ để phủ lên mình một cái bóng quyền lực quá lớn.
Quyền lực này có thể đến từ những mối quan hệ thân thế, gọi là quan quyền. Những người này khoe mình quen thân những quan chức quyền lực đang nắm hộp son con dấu trong bộ máy nhà nước, các đại gia lắm tiền nhiều của, các nghệ sĩ tên tuổi, hay các nhân vật có ảnh hưởng xã hội… Họ quen thân đến mức có thể ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với những người kia, nói với họ những câu chuyện chẳng ai dám đề cập.
Quyền lực này có thể đến từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, gọi là giáo quyền.
Như một doanh nhân khoe mình gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, thân trải trăm trận trên thương trường, không ca khó nào mà chưa từng trải qua, chẳng ai có thể qua mặt cho được.
Như một bác sĩ khoe mình đã từng chữa khỏi cho bao nhiêu con bệnh nan y, trong đó có lắm kẻ quyền quý máu mặt.
Như một thầy giáo khoe mình đã từng luyện thi cho biết bao học sinh đỗ thủ khoa ở những trường danh giá nhất.
Như một quan chức khoe mình đã giúp cho bao nhiêu người vượt qua những cửa ải hành chính lôi thôi, phức tạp và tốn kém.
Như một tay bán hàng đa cấp khoe mình kiếm cả trăm triệu một tháng mà chẳng phải làm gì, chỉ nằm khểnh đợi tiền chảy vào tài khoản và hè đến thì đi du lịch bằng du thuyền năm sao khắp thế giới.
v.v…
Tất nhiên, ai đang cầu cái gì thì họ đem điều ấy ra khoe. Nhưng khoe thôi chưa đủ, họ còn tạo ra những tin đồn về khả năng của họ. Cứ nửa kín nửa hở, mờ mờ ảo ảo như vậy mới giống kiểu các thầy mo cao thâm khôn lường.
Và đó là lúc các “con nhang đệ tử” (gọi tắt là đệ tử) thiếu hiểu biết và kinh nghiệm bắt đầu coi họ như những “thầy mo” trong lĩnh vực mà mình đang “cầu khấn”.
Bước thứ hai: Người cố vấn trong sạch và đáng kính
Sau khi đã ngầm phân vai “thầy mo” và “đệ tử” thì bắt đầu đến màn nhờ vả.
Lúc này, “thầy mo” sẽ chỉ vẽ cho “đệ tử” một vài đường. Tuy vậy, có hai điều “thầy mo” không bao giờ quên. Thứ nhất, luôn khẳng định mình không cần tiền. Vì thừa tiền rồi. Cũng không cần danh tiếng, vì đã nổi tiếng quá rồi. Có “thầy mo” còn lấy lý do sắp về hưu nên không cần gì hết, chỉ lấy việc giúp người làm vui.
Thứ hai, nếu “đệ tử” nào cả gan thuê đứt thầy làm cái việc đang “cầu khấn” và có trả thù lao rõ ràng giống như là khoán trắng cho thầy, thì các thầy sẽ làm mặt giận. Đã bảo các thầy không cần tiền mà! Với lại, các thầy thầm nghĩ: “Thế thì phải phân vai lại à? Các thầy sẽ trở thành người làm thuê, sao còn có thể tiếp tục làm thầy được nữa? Sao có thể khiến “đệ tử” tiếp tục ngoan ngoãn nghe lời?”.
Bước thứ ba: Thù lao tùy tâm
Với vai “người cố vấn đáng kính”, các thầy tha hồ mà xui “đệ tử” làm việc này việc nọ. Tất nhiên, vì không phải là thuê thầy làm, nên “đệ tử” phải tự đi làm chứ các thầy chẳng chịu cất bước. Các thầy chỉ đóng vai trò rỉ tai, nhấc vài cú điện thoại, giới thiệu chỗ này chỗ nọ. “Đệ tử” lại còn phải làm theo lời các thầy sai khiến nữa chứ. “Tiện thể con làm cho thầy thứ này, làm cho thầy thứ kia”. Muốn mời thầy đi cùng cho có thanh thế là phải đài thọ các thầy dọc đường cho xứng đáng với vai vế của các thầy, cứ là phải “cơm bưng nước rót” cho đến nơi đến chốn. “Con nhang đệ tử” với “thầy mo” kia mà. Thầy chịu giúp cho là may rồi! Thành ra, công việc đệ tử vẫn phải tự làm mà tiền vẫn mất, lại vẫn phải hàm ơn các thầy.
Việc can thiệp này có thể có kết quả cũng có thể không. Nếu hỏng việc thì “đệ tử” tự chịu, tự trách mình còn thiếu thành tâm, thiếu năng lực. Tâm thái ấy cũng chẳng khác gì của một con nhang đệ tử thực thụ đối với các thầy mo thầy cúng đã nói ở đầu bài viết. Nào ai dám trách các thầy? Các thầy thần thế, quan hệ mạnh, quen biết rộng thế cơ mà! Làm các thầy giận chỉ có dại, có khi mất cửa làm ăn. Với lại, các thầy cũng chỉ “giúp” thôi mà.
Nếu may mà công việc có kết quả, thì dù có vì nguyên nhân gì, nó cũng là công lao của các thầy. Vì thế, các đệ tử có bổn phận phải báo đáp, chả lẽ để thầy giúp không?
Nếu “đệ tử” có hỏi “thầy mo” rằng: “Con phải gửi thầy bao nhiêu ạ?”. Thầy sẽ cười thật tươi mà rằng: “Thôi thì tùy tâm”. “Tùy tâm” là bao nhiêu? Không biết. Có ai muốn ‘tâm’ mình nhỏ đâu! Chẳng phải ai cũng muốn mình là người “có tâm” hay sao? Cho nên, phần “lại quả” đó không thể nhỏ được, cũng như tâm mình cũng không thể nhỏ được. Nếu nhỏ thì chẳng đẹp mặt mình, mà cũng xấu mặt thầy. Vả lại, khiến thầy giận là mệt đấy! Tình cảnh này, dân gian xưa đã có thơ rằng:
“Chập chập cheng cheng
Con gà sống thiến để riêng cho thầy
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm vơi thì Thánh nhà thầy mất thiêng”.
(Ca dao)
Giải pháp đối với “hội chứng thầy mo”
Những “đệ tử” có thể coi như kẻ chịu thiệt thòi trong mối quan hệ với các “thầy mo”. Thường là những người trẻ, thiếu kinh nghiệm cuộc đời hay những người dân quê chất phác, cả tin và thiếu thông tin có thể vô tình bị đẩy vào vai “đệ tử”. Tuy nhiên, chẳng loại trừ cả những người có tuổi và có kinh nghiệm cũng vào vai đệ tử vì có khi “khôn ba năm dại một giờ”.
Để tránh việc đó, ta luôn cần kiểm chứng thông tin về nhân thân của các thầy và những điều các thầy nói. Hãy tham khảo xem ở trong giới của các thầy, người ta đánh giá về các thầy như thế nào. Đồng thời, trong khi hợp tác làm việc với các thầy cần phải phân vai cho rõ ràng. Khi hợp tác, chỉ có đối tác, không có “thầy” và “con”. Chỉ có thù lao cho phần việc các bên đã hoàn thành, không phải là “tiền cúng” hay “tiền công đức” để mà “tùy tâm”. Hãy đặt lại các khái niệm và vai trò của các bên cho đúng.
Lời nhắn gửi tới các “thầy mo”
Uy tín của một con người dựa trên điều người ta cam kết và thực sự cống hiến, chứ không phải dựa trên những lời đầu môi chót lưỡi. Lợi dụng lòng tin, nói hay làm dở chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ có thể xây dựng được uy tín và mối quan hệ lâu dài. Đó là điều mà bất kỳ ai cũng nên tránh.
Đánh bóng bản thân quá mức nhưng làm được chẳng bao nhiêu – ấy là tư cách của những kẻ trộm danh dối đời. Thấy lỗi lầm thì chối bỏ, thấy công trạng thì vơ vào mình, lại cũng là một cách sống chẳng hề đẹp đẽ chút nào. Các “thầy mo” có biết hay chăng?
Vừa muốn được thiên hạ gọi là “thầy” một cách kính cẩn, vừa muốn được món lại quả hậu hĩnh, có lẽ đó là lý do mà các “thầy mo” luôn luôn muốn nhập nhằng về danh phận. Tuy nhiên, cách làm ấy chiếm hết tiện nghi của thiên hạ, chắc hẳn sẽ khó được lòng người một cách lâu dài, lại cũng thiếu chuyên nghiệp và không hề sòng phẳng.
Nếu là đối tác, hãy làm cho trọn vẹn những gì mình đã hứa rồi mới an tâm mà nhận thù lao. Còn nếu muốn giữ mình trong sạch, thì các “thầy mo” chỉ nên giúp không công như những người chẳng cầu danh lợi – như các thầy vốn đang tự nói về mình, đừng nên nhập nhèm chuyện tiền bạc kẻo mang tai mang tiếng. Có vậy mới xứng đáng được gọi là “thầy”. Ấy là:
“Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”
(Ca dao)
Phúc đức của con người cũng từ đó mà ra cả.
Nếu không tin thì xin hãy nhớ: “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”. Nếu các thầy đem áp dụng bài vở đó với những kẻ thạo đời, những tay cứng cựa thì “cao nhân ắt có cao nhân trị”, có lẽ các thầy sẽ khó tránh khỏi rắc rối.
Chi bằng: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà” có phải không các thầy?
Bình Nguyên