Những ngày thi nóng bỏng nhất đã dần qua, trước mắt các em bây giờ là cánh cổng trường đại học. Sức ép học hành tiếp tục được chuyển từ dạng này sang dạng khác. Chúng tôi xin được tạm gọi tên nó là hội chứng “ám ảnh kẻ dẫn đầu”.
Hiếm có bậc phụ huynh nào lại không muốn con mình sau này trở thành “kẻ dẫn đầu”, dù là trong học tập hay là trong công việc. Ở lớp con phải nằm tốp đầu, trong các kỳ thi con phải đỗ đầu, con phải vào trường đại học danh tiếng hàng đầu, ra trường con phải làm việc ở công ty tốt nhất… Nỗi ám ảnh đó có vẻ như có tính di truyền, từ đời ông cha đến đời con cháu. Người ta gần như phải thừa kế trọn vẹn bộ gen ấy dù cố tình hay vô tình. Bởi ở những nước Á Đông nói chung (mà Việt Nam chỉ là một ví dụ), một kỳ thi có thể thay đổi cả số phận con người.
Ở Trung Quốc, các kỳ thi cuối cấp còn được gọi hẳn bằng một cái tên riêng: “Cao khảo” (Gaokao). Người ta nói rằng đó là kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Trong gần 10 triệu thí sinh dự tuyển, sẽ chỉ có khoảng 2% được nhận vào các trường tốp đầu. Các bậc phụ huynh mất ăn mất ngủ, sụt cân, thậm chí ngất xỉu vì căng thẳng, còn học sinh thì thậm chí phải học 16 – 17 tiếng/ngày ròng rã suốt nhiều tháng ôn thi nước rút. Cả Trung Quốc sôi sục vì Gaokao.
Ngó sang Hàn Quốc, kỳ thi đánh giá năng lực tuyển sinh đại học hàng năm được biết đến với cái tên “Suneung”. Các công ty, văn phòng sẽ làm việc muộn hơn thường lệ để giữ giao thông khỏi ách tắc. Một số chuyến bay còn phải dời lịch trong thời gian các em làm bài thi nhằm tránh gây ảnh hưởng. Người ta phát hiện rằng nguyên nhân tử vong hàng đầu ở thanh thiếu niên Hàn Quốc là bắt nguồn từ áp lực thi cử, học tập.
Và tại Việt Nam, chẳng cần đợi đến kỳ tuyển sinh đại học, học sinh đã phải đối diện với áp lực học hành từ mẫu giáo cho đến cấp 3. Bởi đơn giản, chẳng có bậc phụ huynh nào muốn con mình “thua ngay từ vạch xuất phát”. Họ hối hả cho con đi nhà trẻ, nhà mẫu giáo thật sớm để chúng phải đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1. Họ sẵn sàng đạp đổ cổng trường để chen vào xin cho con được học trường điểm, lớp chọn. Họ gò các con vào cái lý luận: “Chỉ cần học hành cho tốt, mọi thứ bố mẹ sẽ lo cho hết!”. Nhưng cũng chính bởi sự quan tâm thái quá ấy mà biết bao đứa trẻ đã bị vò nát giấc mơ của mình để hoàn thành ước mơ của một ai đó khác. Một thống kê buồn chỉ ra rằng, có khoảng 60% bạn trẻ chọn học những ngành nghề mà cha mẹ mong muốn sau khi tốt nghiệp phổ thông. Rất nhiều sinh viên bắt đầu tỏ ra hoang mang và không chắc chắn về lựa chọn và tương lai của mình khi chỉ mới bước qua năm thứ 2 đại học.
Những năm qua, chúng ta đã nói với nhau rất nhiều rằng, tấm bằng đại học không phải là tất cả, rằng trường đại học không phải là con đường thành công duy nhất, rằng các bạn trẻ hãy buông bỏ lối nghĩ “học để lấy bằng sau này có công việc tốt”… Nhưng người lớn mà, nói thì vẫn nói, mà lo nghĩ thì vẫn lo nghĩ vô cùng. Chúng ta khuyên con em mình đừng đặt nặng chuyện bằng cấp nhưng lại quên không rũ bỏ cái ám ảnh “kẻ dẫn đầu” đã ăn vào máu thịt ta. Chúng ta gần như không thể chấp nhận việc con em mình phải học ở những trường “đẳng cấp thấp”, phải làm những việc “tay chân” kém danh vọng và phải thua kém “con người ta”.
Khi bạn đã không thể quay ngược thời gian để làm nốt những điều còn dang dở, bạn luôn muốn những đứa con phải thay mình hoàn tất nó. Đây là tâm sự của rất nhiều ông bố, bà mẹ: “Ngày xưa bố chỉ ao ước được làm bác sĩ, giờ con phải thi vào trường Y”, “Hồi đó mẹ muốn học sư phạm mà ông bà không có tiền nuôi, giờ con phải làm giáo viên”, vân vân và vân vân… Vô hình trung, rất nhiều người đang coi con cái là phương tiện để mình hoàn thành những kỳ vọng, những ước mơ dang dở, hoặc là lấp đầy một tham vọng, hoặc là xóa bỏ một mặc cảm, hoặc là xoa dịu một nỗi sợ hãi vô hình về sự kém cỏi với cách bào chữa quen thuộc là “để con đỡ khổ như bố mẹ”.
“Con cái không phải là căn nhà bên hồ hay chiếc du thuyền để chúng ta khoe khoang trong các buổi gặp mặt bạn bè. Phụ huynh quên mất một điều đó là trên tất cả những quyền lực, bằng cấp, địa vị hay tài sản, con cái của chúng ta cần sự bình an trong tâm hồn, một tinh thần sáng suốt, trầm tĩnh và trong lành” – Giảng viên Phan Thị Hồ Điệp (Khoa Giáo dục Đặc biệt, trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Và nỗi ám ảnh “kẻ dẫn đầu” ấy, như đã nói, di truyền từ bố mẹ sang con cái. Đến lượt mình, các em học sinh cũng cảm thấy tủi hổ, đôi khi là… nhục nhã khi thua bạn kém bè, khi không hoàn thành kỳ vọng của mẹ cha. Ở tuổi của mình, với các em áp lực đó là không dễ vượt qua. Và một số đã chọn cách “vượt qua” vô cùng tồi tệ. Mới vài ngày trước, báo chí đăng tin một nữ sinh ở Hà Tĩnh bỏ nhà ra đi biệt tăm suốt 3 tuần vì thi trượt lớp 10 và phải vào trường nghề học. Rồi mới tháng trước, một cậu bé lớp 4 táo bạo viết tâm thư gửi bố mẹ khi đã không thể chịu nổi áp lực học hành: “Tại sao bố mẹ lúc nào cũng bắt con được điểm 10, 9. Mà bố mẹ không hiểu con có bao nhiêu áp lực vì lúc bị điểm kém như 8, 7 trở xuống bố mẹ lại đánh con. Lúc đấy con chỉ nghĩ đến cái chết cho rồi. Con biết bố mẹ muốn con học giỏi nên người nhưng bố mẹ không hiểu về áp lực của con”. Và đau lòng hơn là có những em đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát cuối cùng…
Ở Nhật Bản, có một hội chứng gọi là “Hikikomori”, trong đó người ta thường nhốt mình trong phòng kín, không làm gì cả ngoại trừ việc lên internet vào buổi tối và ngủ suốt ngày. Họ hoàn toàn cách ly với cộng đồng, kể cả những người thân thiết nhất của mình. Người ta đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng, sức ép học tập là một trong những nguyên nhân biến giới trẻ Nhật trở thành những “Hikikomori” như vậy. Nhật Bản là một nơi có môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt, nhất là trong giáo dục. Người ta sẽ dành cả mạng sống của mình để chạy đua vào một số rất ít những trường đại học danh giá. Chỉ có khoảng 20% học sinh may mắn vào được những trường tốp đầu để hứa hẹn một cơ hội làm việc suốt đời ở các tập đoàn danh tiếng nhất. Những thanh niên bị gạt ra ngoài sẽ cảm thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa. Họ trở nên ngày càng tự ti, mặc cảm và âm thầm rút vào “vỏ ốc” của chính mình để trở thành những “Hikikomori” bất hạnh.
Gần đây, tôi có đọc được một mẩu báo kể rằng, một cụ ông 84 tuổi ở Trung Quốc vừa đăng ký dự kỳ thi đại học lần thứ tư trong suốt 7 năm qua. Mẩu báo thậm chí tả rằng ông còn phải dùng kính lúp để học bài vì mắt đã quá mờ. Dù vậy ông vẫn dành mỗi ngày khoảng 2 tiếng để “ôn luyện” với mơ ước thi đỗ vào những trường danh tiếng như: Đại học Bắc Kinh hay Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Tất nhiên nghị lực của ông thực đáng nể nhưng ngay cả một người ở tuổi “cổ lai hy” mà vẫn còn theo đuổi giấc mơ đại học quyết liệt đến vậy thì trách chi các bạn trẻ lúc nào cũng hừng hực quyết tâm và nỗi ám ảnh trở thành kẻ dẫn đầu!
Và khi đang viết vội những dòng này (cho kịp thời sự trước khi mùa tuyển sinh kết thúc), tôi lại nhớ đến cảnh hơn chục năm trước mình cũng chân ướt chân ráo lên Hà thành ứng thí. Tháng 6 nóng như đổ lửa, cả thí sinh và giám khảo nhễ nhại, nhọc nhằn bước vào phòng. Suốt 3 tiếng đó, ở ngoài cổng, những ánh mắt lo âu, những gương mặt thất thần, những giọt mồ hôi đổ ra như tắm trên khuôn mặt khắc khổ của hàng trăm phụ huynh ngóng con làm bài. Tôi không thấy mặt cha mình. Có lẽ ông không muốn tôi phải chịu áp lực nên rời đi ngay sau khi đưa tôi đến điểm dự thi và chỉ đến trước lúc hết giờ vài phút. Nhưng tôi biết, ở một góc phố, một quán nước nào đó, ông cũng đã đứng ngồi không yên, lòng như lửa đốt như hàng nghìn, hàng triệu ông bố bà mẹ khác cũng đang bị ám ảnh bởi hội chứng “kẻ dẫn đầu”…
Văn Nhược