5 bài học quan trọng mà bất kỳ ai mới đi làm cũng nên biết, nếu không muốn mắc kẹt trong một sự nghiệp làng nhàng, thiếu đột phá.
*Dưới đây là bài chia sẻ của chuyên gia Scott Mautz trên CNBC
Mỗi mùa lễ tốt nghiệp đến, điều tôi mong chờ nhất chính là được lắng nghe những lời khuyên đầy cảm hứng từ các diễn giả gửi đến những tân cử nhân, những người trẻ đầy khát vọng bước vào đời.
Là một cựu giám đốc điều hành và cũng là người dành nhiều năm nghiên cứu về sức mạnh tinh thần cũng như phẩm chất của các nhà lãnh đạo thành công, tôi đã có dịp thu thập vô số lời khuyên quý giá dành cho người mới đi làm.
Trong quá trình viết cuốn The Mentally Strong Leader (Nhà lãnh đạo có ý chí mạnh mẽ), tôi đã khảo sát 3.000 lãnh đạo cấp cao, hỏi họ một câu đơn giản: “Nếu được quay lại thời điểm bắt đầu sự nghiệp, bạn ước gì mình biết điều gì?”. Dưới đây là 5 bài học quan trọng và lặp đi lặp lại nhiều nhất trong các câu trả lời.
1. Không ai chịu trách nhiệm cho sự nghiệp của bạn ngoài chính bạn
Đừng nghĩ rằng sẽ có ai đó âm thầm lên kế hoạch cho lộ trình nghề nghiệp của bạn. Tương lai của bạn là do bạn tự quyết định.
Hãy xác định rõ ràng và chia sẻ mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của bạn càng sớm càng tốt. Khi đã đủ năng lực và giá trị, hãy mạnh dạn đề xuất những gì bạn muốn. Nếu bạn được trân trọng ở nơi làm việc hiện tại và điều đó phù hợp với định hướng, hãy tiếp tục. Nếu không, đừng ngần ngại rời đi.
Sự nghiệp không phải lúc nào cũng là một chiếc thang với các bậc thăng tiến đều đặn. Như một nhà lãnh đạo từng chia sẻ: “Sự nghiệp cũng có thể giống như một dòng sông, có lúc uốn lượn, chuyển hướng, chứ không chỉ tiến lên”.
2. Tìm giá trị trong mọi công việc được giao
Đây là lời khuyên xuất hiện nhiều nhất trong khảo sát và cũng là điều đầu tiên tôi thường chia sẻ với các bạn trẻ.
Tôi từng làm việc trong một vị trí tồi tệ, dưới quyền một người sếp khó chịu, làm công việc mình không thích. Tôi than vãn như một nạn nhân: “Thật tội nghiệp tôi, bị kẹt trong chỗ làm kinh khủng này!”. Cho đến khi một người cố vấn kéo tôi ra và nói: “Cậu không phải lúc nào cũng sẽ thích công việc mình làm. Vấn đề là: cậu học được gì từ đó?”
Tôi bắt đầu quan sát và nhận ra những bài học lớn: cách không nên làm lãnh đạo, cách chịu đựng và vượt qua môi trường độc hại. Những bài học ấy sau này trở thành nền tảng quan trọng giúp tôi thành công ở những môi trường tốt hơn.
3. Rủi ro lớn nhất trong sự nghiệp là không dám mạo hiểm
Bạn có thể có một công việc “ổn định”, đi trên con đường an toàn. Nhưng thực tế, những bước ngoặt đáng giá nhất thường đến từ việc dám chấp nhận rủi ro có tính toán.
Nhiều nhà lãnh đạo chia sẻ rằng quyết định mạo hiểm nhất nhưng cũng thông minh nhất của họ là rời bỏ công việc không còn phù hợp, dù điều đó đồng nghĩa với sự khó khăn trước mắt (ví dụ: giảm lương, đi ngược kỳ vọng).
Một người kể rằng cô “đã thay đổi cả cuộc đời” khi từ bỏ công việc nghiên cứu khoa học để trở thành môi giới bất động sản. Còn tôi, tôi từng rời một công việc có thu nhập và triển vọng rất cao để theo đuổi nghề diễn giả, huấn luyện và viết sách. Đó là quyết định ít an toàn nhất nhưng lại đúng đắn nhất trong sự nghiệp của tôi.

4. Phẩm chất con người thể hiện rõ nhất trong nghịch cảnh
Bạn đã từng thấy một người lãnh đạo mất bình tĩnh, đổ lỗi hoặc hành xử thiếu chuyên nghiệp trong tình huống căng thẳng chưa? Nếu có, chắc bạn vẫn còn nhớ rất rõ.
Như tôi đã viết trong sách, chính những thời điểm khó khăn là lúc tính cách thật sự của bạn bộc lộ rõ nhất. Và phản ứng của bạn sẽ để lại ấn tượng lâu dài.
Một CEO nói với tôi: “Khi khủng hoảng xảy ra, bạn hãy là người bình tĩnh nhất trong phòng”. Đừng để cảm xúc chi phối hành vi. Đừng vội vàng kết luận. Hãy nói với giọng điềm tĩnh, thể hiện sự tự tin. Điều đó giúp mọi người tập trung vào giải pháp, thay vì lo lắng trước viễn cảnh chưa chắc xảy ra.
5. Hãy luôn học hỏi, không ngừng phát triển
Rất nhiều nhà lãnh đạo bày tỏ sự hối tiếc vì đã không tiếp tục học hỏi trong suốt sự nghiệp của mình.
Để khắc phục điều này, tôi đã tạo ra bài tập nên được làm định kỳ mỗi năm hoặc mỗi quý:
Sự nghiệp: Trước tiên, hãy tự hỏi: bạn có thể học thêm điều gì để phát triển sự nghiệp của mình? Ví dụ, nếu bạn thường xuyên được yêu cầu thuyết trình trong các cuộc họp, bạn có thể tham gia một lớp học về kỹ năng giao tiếp để cải thiện khả năng trình bày.
Giá trị cốt lõi: Hãy nghĩ về điều bạn có thể học để nuôi dưỡng lý tưởng hoặc sứ mệnh lớn hơn mà bạn theo đuổi. Chẳng hạn, một trong những giá trị cốt lõi của tôi là sự tử tế, nên tôi luôn cố gắng tìm hiểu thêm về đồng nghiệp để biết cách hỗ trợ và giúp đỡ họ tốt hơn.
Sự tò mò: Cuối cùng, bạn có thể học gì để thỏa mãn trí tò mò của bản thân? Ví dụ, nếu bạn bị cuốn hút bởi các hành tinh, bạn có thể đăng ký một lớp học về thiên văn học, đơn giản chỉ vì bạn cảm thấy thích thú.
Theo CNBC-Mini–Thanh niên Việt