Sau một thế kỷ không mấy gắn bó, Philippines và Nga đang nghiêm túc thăm dò sự hợp tác mạnh mẽ hơn về phòng thủ và năng lượng.
Philippines đang “học tập” Việt Nam?
Theo một phân tích của báo The Straits Times, chuyến thăm gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến Nga không phải là sự thể hiện mối quan hệ gần gũi giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mà là một nỗ lực của ông nhằm đa dạng hóa các đối tác chiến lược của Philippines.
Sau một thế kỷ không mấy gắn bó, Philippines và Nga đang nghiêm túc thăm dò sự hợp tác mạnh mẽ hơn về phòng thủ và năng lượng. Việc này có khả năng tác động đến những tranh chấp ở Biển Đông.
Trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày đến Nga hồi đầu tháng 10 vừa qua, ông Duterte đã gặp gỡ ông Putin và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ông cũng có bài phát biểu đáng chú ý tại Hội nghị toàn cầu tổ chức ở Sochi và đã mời các công ty của Nga đầu tư vào Philippines.
Tờ Strait Times đánh giá nhiều khả năng nhà lãnh đạo Philippines cũng đang muốn học tập theo Việt Nam là hoan nghênh Nga cả về trang thiết bị quân sự cũng như đầu tư về năng lượng, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn tới ở Biển Đông.
Từng là thuộc địa của Mỹ và sau đó là nơi Lầu Năm Góc đặt căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài, Philippines đã “xa lánh” Nga trong suốt thế kỷ 20. Ngay cả khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nhà lãnh đạo Philippines nhìn chung đều đã “phớt lờ” Moskva, một phần do nước Nga thời hậu Xô viết đã bị suy yếu rất nhiều, hầu như không đem lại lợi ích gì cho Philippines và các nước láng giềng trong khu vực.
Tuy nhiên, tình thế hiện nay dường như đã thay đổi hoàn toàn, ông Duterte có xu hướng tìm cách tiếp cận gần gũi hơn với các nhà lãnh đạo như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin. Phản ứng tức giận với sự chỉ trích của phương Tây về vấn đề nhân quyền của mình, ông Duterte chắc hẳn rất muốn quan tâm đến khái niệm về “dân chủ chủ quyền” của Nga.
“Dân chủ chủ quyền” là một hệ thống mà đời sống chính trị xã hội và việc ra quyết định là do người dân của đất nước hình thành nên, chứ không phải theo các giá trị của phương Tây. Thông qua nhiều cách thức, ông Duterte đã dần hạ thấp mối quan hệ chiến lược với các đối tác phương Tây, trong đó có việc từ chối nhận viện trợ từ các nước đã chỉ trích ông trong cuộc chiến chống ma túy.
Philippines sẽ “thật ngốc nghếch” nếu gạt Nga sang bên lề?
Như vị Tổng thống Philippines đã phát biểu tại Hội nghị hàng năm lần thứ 6 Câu lạc bộ thảo luận Valdai ở Sochi, chính sách của nước này đối với Nga đang vượt ra ngoài mối quan hệ gần gũi với ông Putin. Thay vào đó, đây là một phần của sự thay đổi của Philippines nhằm chuyển sang một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và ít phụ thuộc vào Mỹ hơn.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có ông Putin và một số nhà lãnh đạo từ Trung Đông và Trung Á, ông Duterte cho rằng người tiền nhiệm của ông thật ngốc nghếch khi gạt Nga sang bên lề trong chiến lược của Philippines.
Trong khi không từ bỏ mối quan hệ truyền thống lâu đời với Mỹ, ông Duterte cũng nhắc lại cam kết mở rộng chính sách ngoại giao của Philippines bằng việc mở rộng hợp tác sâu sắc hơn với thế giới không thuộc phương Tây.
Đây là chuyến thăm Nga thứ hai của ông Duterte chỉ trong vòng 2 năm, sau chuyến thăm của ông hồi năm 2017.
Mặc dù chuyến thăm đó bị cắt ngắn do cuộc khủng hoảng Marawi của Philippines, nhưng hai bên đã ký kết được một số hiệp định song phương, đáng chú ý là Hiệp định hợp tác Phòng thủ (ADC). ADC đã đem lại một khuôn khổ pháp lý then chốt và chưa từng có tiền lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạnh mẽ quan hệ phòng thủ giữa những lo ngại của hai bên về chống khủng bố.
Trong cuộc khủng hoảng Marawi kéo dài nhiều tháng ở Philippines, Moskva đã chia sẻ những tin tức tình báo, kể cả những tin tức về khả năng những kẻ khủng bố Chechnya xâm nhập vào Đông Nam Á.
Moskva đã khéo léo sử dụng việc hợp tác chống khủng bố như một nền tảng cho sự hợp tác phòng thủ rộng rãi hơn khi hai bên bắt đầu thảo luận về việc tiến hành tập trận hải quân chung, đặc biệt là các cuộc tập trận chống cướp biển và chống khủng bố trên biển Sulu.
Theo ADC, Philippines cũng có thể mua các vũ khí tiên tiến của Nga, trong đó có máy bay phản lực đa năng, tàu chiến, xe tăng và máy bay trực thăng. Những trang thiết bị này là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân đội trị giá nhiều tỷ USD của Philippines.
Ngoài việc mua 16 máy bay trực thăng Mi-17 trị giá 14,7 triệu USD, Manila cũng đang xem xét mua tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất. Thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD này có thể tăng cường năng lực của Philippines trong việc ngăn chặn Trung Quốc xâm nhập vùng biển Philippines.
Trong bối cảnh quan hệ phòng thủ phát triển mạnh mẽ giữa hai nước, Nga đã bổ nhiệm tùy viên quân sự đầu tiên tại Philippines. Philippines đang tìm đến Nga như một nhà cung cấp vũ khí thay thế, đặc biệt khi Mỹ ngày càng tăng cường chỉ trích và đe dọa rút viện trợ an ninh do những lo ngại về nhân quyền ở Philippines.
Trên lĩnh vực thương mại, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn gấp đôi dưới thời ông Duterte cho dù từ điểm xuất phát thấp. Tại Diễn đàn thương mại Philippines – Nga, ông Duterte đã kêu gọi các công ty hàng đầu của Nga đầu tư vào sáng kiến lớn của ông về cơ sở hạ tầng.
Quan trọng nhất là ông đã mời tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft của Nga đầu tư vào Philippines, đáng chú ý là ở các dự án ngoài khơi ở Biển Đông.
Trong khi những cuộc thảo luận chi tiết về các dự án hợp tác giữa Philippines và Nga chưa được đưa ra, Tập đoàn Rosneft cùng với các công ty lớn khác của Nga như Gazprom và Zarubezhneft đang hoạt động tích cực trong các dự án dầu khí ngoài khơi vùng biển Việt Nam. Mặc dù Nga tỏ thái độ trung lập trong các tranh chấp ở Biển Đông nhưng nước này cũng đã tích cực ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường năng lực phòng thủ.
Bằng việc nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của “chú gấu” Nga, ông Duterte dường dư đã phát đi tín hiệu rõ ràng với Mỹ rằng Manila không chỉ có những lựa chọn khác về an ninh mà còn có thể tìm được đối tác tiềm năng nhất để khiến Trung Quốc tránh xa các lợi ích trên biển của Philippines./.
theo Trí Thức Trẻ