Vị CEO này nhìn thấu mặt hạn chế của Amazon: “Đồng cảm với nhân viên là một văn hóa làm việc rất quan trọng, bởi vì đó là điều mà Google làm rất tốt, và eBay cũng vậy, trong khi Amazon thì lại không xuất sắc như vậy”.
Faisal Masud, 49 tuổi, là Giám đốc điều hành của Fabric, một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử có trụ sở tại Seattle với mức định giá 1,5 tỷ USD.
Faisal Masud biết những gì cần thiết để làm cho một công ty trị giá hàng tỷ đô la phát triển mạnh mẽ.
Người đàn ông 49 tuổi này đã dành hơn hai thập kỷ để vươn lên các cấp bậc điều hành tại Amazon, Google, eBay và Staples. Giờ đây, anh ấy đang cố gắng áp dụng những bài học mà mình học được từ những công ty thành công đó với tư cách là Giám đốc điều hành của Fabric, một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử có trụ sở tại Seattle, ra mắt vào năm 2016 và được định giá 1,5 tỷ đô la. (Công ty được đặt tên của mình là “Fabric”, để tránh nhầm lẫn với một công ty bảo hiểm trực tuyến có tên Fabric Technologies.)
Masud được người đồng sáng lập Ryan Bartley ủng hộ làm Giám đốc điều hành vào năm 2020, người đồng nghiệp mà anh rất thân thiết khi còn làm việc tại Staples. Khi bước vào vai trò này, Masud nói rằng bản thân đang cố gắng áp dụng những gì mình đã học được từ những người chủ trước đây để tạo ra một văn hóa làm việc đề cao sự đồng cảm, hiệu quả và trên hết là thành công tại Fabric.
Masud nói với CNBC Make It: “Về mặt văn hóa, chúng tôi đã xây dựng một công ty giống như một công ty kết hợp của tất cả các công ty tôi đã từng làm việc. Chúng tôi chắt lọc ra những điểm tốt nhất từ những nơi tôi đã có kinh nghiệm làm việc và áp dụng chúng vào công ty hiện tại.”
Fabric là một phần mềm thương mại điện tử được thiết kế riêng cho các doanh nghiệp vừa và lớn. Màn chào sân đó rõ ràng là một tin vui với các nhà đầu tư, những người đã đầu tư 293 triệu đô la vào công ty.
Faisal Masud, Giám đốc điều hành của Fabric, một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử có trụ sở tại Seattle với mức định giá 1,5 tỷ USD
Fabric nói rằng có một điều anh ấy học được từ Amazon, nơi anh gắn bó gần một thập kỷ, đó là cách mà văn hóa làm việc có thể tác động đến lợi nhuận của công ty ra sao.
Tại Fabric, Masud thuyết giảng về “quyền sở hữu”, một trong 14 nguyên tắc lãnh đạo chính nổi tiếng của Jeff Bezos: Có một nhóm nhân viên hoặc một trưởng nhóm duy nhất “sở hữu” một ý tưởng hoặc dự án có thể giúp quá trình ra quyết định trở nên hợp lý và hiệu quả hơn.
Masud nói rằng anh ấy đã từng làm việc trong môi trường không có quyền sở hữu và mọi thứ quả thực rất lộn xộn. “Khi điều gì đó thất bại, đó không phải là lỗi của riêng ai. Khi điều gì đó thành công, mọi người đều ăn mừng. Đó không phải là cách hoạt động của các công ty khởi nghiệp. Luôn cần phải có một ai đó đóng vai trò là người đưa ra quyết định”, anh nói.
Sau khi rời Amazon, Masud đã làm việc nhiều năm tại Google và eBay với tư cách là giám đốc cấp cao về vận chuyển của eBay cho đến năm 2012 và COO của bộ phận giao hàng bằng máy bay không người lái Project Wing của Alphabet từ năm 2018 đến năm 2020, và tại đó, anh học hỏi thêm được một kỹ năng mới tại nơi làm việc, thứ đối lập trực tiếp với văn hóa của Amazon: sự đồng cảm.
“Đồng cảm với nhân viên cũng là một văn hóa làm việc rất quan trọng, bởi vì đó là điều mà Google làm rất tốt, và eBay cũng vậy, trong khi Amazon thì lại không xuất sắc như vậy”, Masud chia sẻ.
Hiện tại, văn hóa “giá trị No.1” mà Masud đang cố gắng áp dụng tại công ty của mình được ra đời từ những bài học về sự đồng cảm mà anh học được tại Google và eBay: “Hãy cố gắng hiểu người khác trước khi được hiểu”, một công ty mà ở đó mọi cấp bậc có sự liên kết và thấu hiểu lẫn nhau sẽ lớn mạnh hơn từ bên trong, đồng thời tạo ra được lợi nhuận tối ưu nhất.
“Lắng nghe một cách chăm chú thay vì làm điều đó cho có lệ, sẽ mang đến một quá trình suy nghĩ khác so với việc cố gắng thực hiện nó một cách nhanh chóng. Văn hóa của chúng tôi thể hiện ở chỗ chúng tôi là những người biết lắng nghe. Nhưng chúng tôi cũng sử dụng dữ liệu và dữ kiện thực tế để đưa ra quyết định của mình vào cuối ngày”, anh ấy nói.
Làm việc với những nhà sáng lập khởi nghiệp nổi tiếng như Bezos và Sergey Brin của Google cũng dạy Masud giá trị của tư duy dài hạn và việc chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi mà công ty của bạn vượt trội.
Masud chia sẻ: “Những người sáng lập này luôn có một tầm nhìn dài hạn. Câu hỏi mà họ luôn đặt ra là: ‘Ok, tóm lại là mục tiêu cuối cùng của công ty là gì?’ Và sau đó họ tìm cách tránh những phiền nhiễu trong quá trình đi đến mục tiêu đó.”
Masud cũng nói rằng những bài học mà anh ấy học được ở những nơi làm việc trước đây, ở một góc độ nào đó, đã âm thầm tạo ra nền tảng vững chắc để anh ấy trở thành CEO: “Như một trong những nhà đầu tư của chúng tôi đã nói: ‘Những công việc mà anh làm trong hai thập kỷ qua là bước đệm để xây dựng Fabric, chỉ là anh không biết điều đó mà thôi.’”
Tất cả những gì bạn từng trải nghiệm, có thể tại thời điểm hiện tại, nó chưa đem tới cho bạn một kết quả rõ ràng, nhưng một ngày nào đó, nó nhất định sẽ trở thành công cụ đắc lực trên con đường hướng tới mục tiêu nào đó của bạn!
Alexx-Theo Trí Thức Trẻ