Đó là tuyên bố mạnh miệng của một nhà khởi nghiệp 23 tuổi người Mỹ. Anh cho biết tốn 200.000 USD học đại học, bỏ phí doanh thu 4 năm thay vì đi kinh doanh để rồi ra trường thất nghiệp là một bài toán không có lời.
Vào năm 12 tuổi, cậu bé Chase Gallagher đã phải đi cắt cỏ cho nhà hàng xóm với giá 35 USD/tuần. Lúc đầu Gallagher chỉ có 2 khách hàng nhưng sau vài lần tích cực phát tờ rơi, cậu đã có 10 khách hàng.
Giờ đây ở tuổi 23, anh Gallagher cũng như nhiều bạn trẻ Gen Z khác đã lựa chọn không thi đại học để đi khởi nghiệp và kinh doanh vì cho rằng chi phí cho một tấm bằng chẳng tương xứng giá trị mà nó mang lại.
“Tôi không thấy tỷ suất hoàn vốn (ROI) trong việc học đại học”, anh Gallagher nói khi khởi nghiệp với công ty có tên CMG Landscaping, một startup chuyên cung cấp dịch vụ làm vườn ở Mỹ với doanh thu 1,8 triệu USD/năm, tương đương 46 tỷ đồng.
Tuy nhiên việc lan truyền quan điểm không học đại học này chẳng dễ dàng khi đây là con đường sự nghiệp phổ biến nhất, đồng thời cũng dễ dàng nhất hiện nay.
“Cả cuộc đời bạn đã bị bố mẹ nhắc nhở về việc nên vào đại học. Điều đó nghe có vẻ tuyệt vời cho đến khi bạn nhận ra rằng mình sẽ phải trả rất nhiều tiền cho tấm bằng đó”, anh Gallagher nhớ lại khi cho biết mình đã phải rất can đảm để đưa ra quyết định khó khăn này.
Tờ Fortune cho hay giờ đây ngày càng nhiều bạn trẻ như anh Gallagher quyết định không thi đại học hoặc chuyển sang học nghề. Việc nợ hàng chục nghìn USD học phí chỉ vì tấm bằng đại học để rồi ra trường làm bồi bàn, giao hàng khiến Gen Z Mỹ ngày nay chẳng còn mấy hứng thú.
Phép toán đơn giản
Theo Fortune, ngày càng nhiều bạn trẻ Mỹ cho rằng tấm bằng không còn là cánh cửa cho sự nghiệp ổn định nữa, thay vào đó chúng chỉ biến họ thành con nợ với khối tiền học phí chưa thanh toán lên đến hàng chục nghìn USD.
“Đây là phép toán đơn giản cho lý do giới trẻ ngày nay lựa chọn khởi nghiệp thay vì học đại học. Giả sử bạn trả 50.000 USD/năm cho học đại học thì tổng chi phí của tấm bằng sẽ là 200.000 USD cho 4 năm. Thế rồi bạn sẽ mất 4 năm doanh thu nếu thi đại học thay vì khởi nghiệp, nghĩa là bạn đang đốt tiền thay vì kiếm ra tiền”, anh Gallagher phân tích.
Với việc nhiều trường đại học nâng học phí lên 95.000 USD hiện nay, anh Gallagher cho rằng giới trẻ Gen Z nên bắt đầu học nghề và kinh doanh, mua nhà, tích trữ tài sản thay vì cắm đầu đi học lấy tấm bằng như mọi người để rồi lúc ra trường thất nghiệp.
“Gen Z là thế hệ có trình độ học vấn cao nhất trong lịch sử. Vì vậy họ có cái nhìn rất khác so với thế hệ đi trước về tấm bằng đại học khi từng phải chứng kiến cha mẹ mình khốn khổ thế nào qua các cuộc khủng hoảng tài chính dù được ăn học đầy đủ”, chuyên gia tâm lý học Tobba Vigfusdottir và là CEO của Kara Connect đánh giá.
Nhờ sự phát triển của mạng xã hội mà giới trẻ ngày nay hiểu được tình hình thị trường lao động, nơi mức lương không đủ sống trong bối cảnh lạm phát và lãi suất gia tăng.
Thậm chí nhiều người còn từ bỏ giấc mơ mua nhà cho dù có bằng cấp cao vì hiểu rằng thị trường bất động sản (BĐS) đã ngoài tầm với.
Cũng nhờ mạng xã hội mà Gen Z nhận ra tấm bằng đại học chỉ là một trong vô số những con đường xây dựng sự nghiệp khác.
Việc chứng kiến những nhà khởi nghiệp giàu có, các nhà đầu tư trẻ dư dả thời gian hay cuộc sống thoải mái của những người kinh doanh từ sớm đã tác động mạnh đến thế hệ trẻ từng lao đầu vào học để rồi thất nghiệp hoặc vật vã với đồng lương nhỏ bé.
Số liệu của NSC cho thấy tỷ lệ đăng ký vào các trường cao đẳng cộng đồng dạy nghề tại Mỹ đã tăng 16% năm 2023 lên mức cao nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được theo dõi từ năm 2018.
1% giàu nhất nước
Ngay từ năm 16 tuổi, anh Gallagher đã kiếm được hơn 50.000 USD từ công việc cắt cỏ của mình trước khi mở rộng dịch vụ dọn dẹp sân vườn. Thậm chí chàng trai này còn phải thuê những người bạn học của mình để phụ việc.
Giờ đây, công ty của Gallagher có khoảng 9 nhân viên thường trực, tham gia vào các dịch vụ từ sửa chữa hệ thống xả nước mưa, thoát nước, lát nền cho đến chiếu sáng.
“Bạn vẫn có thể lọt top 1% người thu nhập cao nhất Mỹ và là chủ doanh nghiệp ngay cả khi không học đại học”, anh Gallagher nói khi bị nhiều người thuyết phục nên có một tấm bằng cho xứng với hình ảnh “người thành công”.
Trong khi Gallagher là ví dụ điển hình của giới khởi nghiệp thì số liệu từ nhà cung cấp dịch vụ ADP cho thấy lao động lành nghề cũng có thu nhập khá cao.
Mức thu nhập trung bình cho lao động mới tuyển dụng cho mảng dịch vụ chuyên biệt vào khoảng 40.000-48.000 USD.
“Vẫn còn nhiều định kiến cho rằng học đại học sẽ có lương cao nhưng thực tế thì không chính xác như vậy”, cô Emily Shaw, một thực tập sinh 20 tuổi tại công ty xây dựng Redrow của Anh cho biết.
Tương tự, anh Luke Phillips, một sinh viên 20 tuổi đã đăng ký bảo lưu (tạm ngừng) đại học cho biết mình vào đây vì sợ thất nghiệp để rồi nhận ra tấm bằng chẳng đem lại giá trị tương xứng như kỳ vọng.
“Khi đó tôi mới 18 tuổi và thiếu kinh nghiệm thực tế, nên việc vào đại học có vẻ là con đường đúng đắn để tránh thất nghiệp”, anh Phillips nhớ lại.
Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau khi học đại học, Phillips nhận ra đây không phải con đường sự nghiệp dành cho mình và nhanh chóng quyết định chuyển sang học nghề tại cửa hàng đồ trang sức The Remarkable Goldsmiths ở Dartmouth.
“Giờ đây tôi hiểu rõ cách điều hành doanh nghiệp và hoạt động của các xưởng sản xuất đồ trang sức như thế nào. Nó khác xa so với những gì sinh viên được dạy trên nhà trường hay so với tưởng tượng cách đây 10 năm của mọi người”, anh Phillips cảnh báo các bạn trẻ đang theo đuổi tấm bằng đại học.
*Nguồn: Tổng hợp-Băng Băng-Theo Đời sống Pháp luật