Chính sách kinh tế luôn là chính sách được ưu tiên thực hiện hàng đầu. Vậy, Hoàng đế Khang Hy đã dùng biện pháp gì để củng cố đất nước và làm giàu cho dân? Bài viết này hy vọng có thể trả lời câu hỏi này.
Hoàng đế Khang Hy (tức là Ái Tân Giác La Huyền Diệp) là vị hoàng đế thứ 3 của nhà Thanh và cũng là một trong những bậc đế vương kiệt xuất của Trung Quốc. Ông trì vì đất nước trong 61 năm (1662 – 1722). Trong khoảng thời gian này, ông thực thi nhiều biện pháp phát triển đất nước, cuối cùng đã thành tựu được sự nghiệp to lớn giúp dân giàu nước mạnh. Những chính sách đó là:
Điều chỉnh chính sách “Quyển điền lệnh” (Khoanh vùng phân đất cho người tộc Mãn Châu)
Trước đó, thời Thuận Trị giữ ngôi vị, năm 1644 quân Thanh đã tiến vào Bắc Kinh, người tộc Mãn Châu tiến vào kinh thành. Triều đình nhà Thanh đã vì lợi ích của giai cấp quý tộc Mãn Châu mà khoanh vùng phân đất, trong 4 năm đã tiến hành 3 đợt khoanh vùng đất đai.
Lúc đó các khu vực chịu nhận chính sách khoanh vùng đất này thuộc 3 tỉnh là Trực Đãi, Sơn Đông, Sơn Tây. Trong đó nhiều nhất là các quận Bảo Định, Hà Giang, Dịch Châu, Tuân Hóa, Vĩnh Bình thuộc Trực Đãi. Kết quả của chính sách khiến dân phá sản và bỏ trốn, chết, khiến lực lượng sản xuất giảm sút, không chỉ vậy nó còn khiến mâu thuẫn dân tộc gay gắt hơn và gây xáo trộn trật tự xã hội.
Đến thời hoàng đế Khang Hy, ông nhận thấy vấn đề bất an của chính sách khoanh vùng phân đất của cha ông nên đã dễ dàng hạ lệnh hủy bỏ vào năm Khang Hy thứ 8 (1669): “Mấy năm gần đây, đất của người dân bị lấy đi và phân cho các quân sĩ dưới cờ khiến dân thất nghiệp, thiếu ăn thiếu mặc, lênh đênh khốn khổ… Từ nay về sau, chính sách “Quyển điền lệnh” đình chỉ vĩnh viễn”, trích Sử ký Thánh Tổ đời Thanh, tập 30. Từ đó, các chính sách khoanh vùng phân đất gây hại cho nhân dân và đất nước đã hoàn toàn chấm dứt.
Miễn “Thuế đinh” và thực hiện “Phân chia đất đai theo đầu người”
Trong xã hội Trung Quốc trước đây, ngoài việc nộp thuế đất, người dân còn phải nộp thuế đinh (tức thuế đầu người). Vào năm Khang Hy thứ 51 (1712), triều đình nhà Thanh tuyên bố rằng, thuế đinh của 50 năm sẽ được cố định lại, sau này các cặp vợ chồng có sinh thêm con cũng không cần phải đóng thuế bổ sung.
Vào năm Khang Hy thứ 55 (1716), Hoàng đế Khang Hy ra lệnh thực hiện thí điểm không thu thêm thuế của dân ở hai tỉnh là Tứ Xuyên và Quảng Đông, nghĩa là chỉ thu thuế dựa trên số liệu sở hữu đất mà không thu thêm khoản thuế nào khác. Phương pháp này gọi là “Đất và đinh hợp nhất” hoặc “thuế đất đinh”, cũng gọi là “Than đinh nhập mẫu”.
Than đinh nhập mẫu được mô tả như sau: Ban đầu mỗi người phải đóng thuế đất và thêm một chút thuế đinh, sau đó hai khoản thuế này được gộp lại thành một. Như vậy, người dân chỉ còn phải đóng một chút thuế đất mỗi năm mà không có thuế phát sinh thêm. Chính sách thuế khóa này không chỉ đảm bảo nguồn thu cho ngân khố mà còn giảm bớt gánh nặng cho người nghèo. Vào thời Ung Chính, chính sách thuế này đã được phổ biến rộng khắp cả nước và cũng là chế định thu thuế của Trung Quốc sau này.
Chiêu mộ dân chúng và khai khẩn đất hoang
Vì muốn người dân khai khẩn thêm đất hoang, hoàng đế Khang Hy đã nhiều lần thực hiện miễn thuế trên vùng đất khai hoang, sau đó phát triển các khu vực này thành vùng đất khai khẩn. Ông cũng cổ vũ các địa chủ tổ chức dân đi khai hoang, đồng thời còn quy định rằng ai khai hoang trên 20 ha thì được phong chức quan huyện hoặc quan phủ, còn người nào khai khẩn trên 100 ha thì được phong chức tri huyện hoặc thái thú.
Kết quả là, phương pháp này đã giúp diện tích đất trồng trọt được mở rộng. Theo thống kê, đến năm Khang Hy thứ 61 (1722), diện tích đất canh tác tăng gần 6 triệu ha so với năm Thuận Trị.
Thực hiện “Thay tên ruộng”
Trong cuộc nổi dậy của nông dân vào cuối thời nhà Minh, nhiều “Trang ấp” của địa chủ cùng hoàng thân quốc thích chuyển sang sở hữu của địa chủ nhỏ cùng nông dân. Khi vương triều nhà Thanh mới bắt đầu đã từng quy định những trang ấp này như sau, chủ đất ngoài việc đóng thuế đất còn phải đóng thêm phí chuyển đổi đất với tư cách là địa tô thì triều đình mới công nhận những thửa đất này thuộc quyền sở hữu của địa chủ. Loại phí này gọi là thuế “thay tên ruộng”.
Vào năm Khang Hy thứ 9 (1670), Hoàng đế Khang Hy đã ban hành chỉ dụ: Thừa nhận những ruộng đất này có thể “truyền đời vĩnh viễn”, giống như ruộng của tư nhân, chỉ cần hằng năm giao nộp thuế đầy đủ. Đối với người đã trả tiền thuế thay tên ruộng, họ sẽ được miễn một số thuế khác. Chính sách thuế này của Khang Hy cho thấy ông có một tầm nhìn xa nhất định, giảm bớt gánh nặng cho dân và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nông nghiệp.
Tu trì sông Hoàng Hà, sông Hoài và sông Vĩnh Định
Trong những năm đầu của triều đại nhà Thanh, sông Hoàng Hà nhiều lần bị ngập lụt, thường xuyên bị vỡ đê ở đoạn chảy qua Hà Nam và An Huy, sau đó đổi dòng và hợp lưu với sông Hoài, từ phía bắc tỉnh Giang Tô đổ ra biển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giao thông đường thủy mà còn biến nhiều cánh đồng phì nhiêu thành bãi cát, đe dọa nghiêm trọng đến quốc khố cũng như đời sống người dân trong khu vực.
Đối với vấn đề này, Hoàng đế Khang Hy tỏ ra hết sức lo lắng. Ông từng coi “Ba phiên, sông vụ, thuỷ vận” là 3 sự kiện trọng đại thời bấy giờ. Ông cũng viết chúng thành tranh chữ và treo lên các cột trụ trong cung điện. Ông phái cận thần Trần Hoàng, chuyên gia đường sông làm Tổng đốc và ủy thác trách nhiệm. Sau 10 năm (1677-1687) vất vả, cuối cùng sông Hoàng Hà và sông Hoài đã chảy xuôi dòng như cũ.
Sông Vĩnh Định trước đây gọi là sông Hồn, cũng gọi là Tiểu Hoàng Hà, đoạn chảy qua Bắc Kinh thường bị ứ tắc gây tai họa. Năm Khang Hy thứ 37 (1698), triều đình nhà Thanh đã chiêu mộ hơn 10 ngàn nông dân đào một con sông mới dài 200 dặm từ Lương Hương đến Đông An. Bằng cách này, vùng ngập mặn biến thành vùng đất màu mỡ. Khang Hy từng tự mình đi thị sát đường sông và đổi tên Hồn sông thành sông Vĩnh Định, mang ý nghĩa về sự ổn định vĩnh cửu.
“Thúc đẩy phát triển thương nghiệp” và dỡ bỏ lệnh “cấm biển”
Trong những năm đầu của triều đại nhà Thanh, phàm là thợ thủ công đều phải có khế ước, như vậy triều đình dễ bề yêu cầu họ lao động quân dich, hoặc nộp tiền thuê người đi thay. Năm Khang Hy thứ 39 (1700), ông ra lệnh quy nạp khoản tiền thuê người đi thay này vào thành thuế đất. Làm vậy thì thợ thủ công không bị tư nhân kiểm soát, có lợi cho việc phát triển thủ công nghiệp. Về thương mại, ông cũng coi trọng các nguyên tắc an ủi thương nhân, tạo điều kiện cho thương gia và nhân dân. Ông nghiêm cấm quan lại lợi dụng quyền lực mà cưỡng bức thu mua sản phẩm thương nghiệp, không được đánh thuế nặng với thương nhân.
Đặc biệt, Hoàng đế Khang Hy còn tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm biển. Vào đầu thời nhà Thanh, để ngăn cản nhóm quân của Trương Hoàng Ngôn, Trịnh Thành Công làm phản, đã ban “Thiên hải lệnh” quy định tất cả cư dân các tỉnh ven biển từ Sơn Đông đến Quảng Đông phải di chuyển vào nội địa 30 dặm, đồng thời cũng cấm thuyền bè ra khơi, nếu không sẽ bị coi là cộng tác với quân địch. Hậu quả là ngư dân không dám đi đánh bắt, người dân biển không thể làm muối, thậm chí tàu buôn nước ngoài không thể cập bến.
Vào năm Khang Hy thứ 22 (1683), ông ra lệnh bãi bỏ “lệnh cấm biển” và để những cư dân bị cưỡng ép rời đi trở về quê cũ sinh sống nối lại nghiệp xưa. Thương nhân cũng được phép ra biển buôn bán. Đối với việc buôn bán với nước ngoài, ông cho thiết lập các hội quán kinh doanh thuận tiện cho việc buôn bán trao đổi hàng hóa. Để thúc đẩy phát triển thương mại với nước ngoài, Hoàng đế Khang Hy cũng đã ra lệnh thành lập hải quan ở Quảng Châu, Chương Châu, Ninh Ba và núi Vân Đài làm hải cảng cho ngoại thương.
Nhờ thực hiện những chính sách trên mà kinh tế dưới thời Khang Hy đã phát triển vượt bậc. Bằng việc bỏ đi những chính sách không tốt đã giúp trật tự xã hội ổn định, quốc khố dồi dào, đất nước thịnh vượng.
Theo số liệu thống kê cho thấy, năm Thuận Trị thứ 8 (1651), diện tích đất canh tác cả nước là hơn 2,9 triệu ha, đến năm Càn Long thứ 26 (1761), diện tích đất canh tác là 7,4 triệu ha. Về dân số, năm Khang Hy thứ 50 (1711), dân số chỉ có 24,6 triệu (con số này rõ ràng là không đủ chính xác), do bãi bỏ thuế đinh đã áp dụng hàng ngàn năm ở Trung Quốc, dân số tăng mạnh cho đến năm Càn Long thứ 2. Trong 19 năm (1764), dân số cả nước tăng lên tới hơn 205,5 triệu người. Vào năm Gia Khánh thứ 24 (1819), con số đã tăng lên hơn 360 triệu. Trong xã hội phong kiến, sự gia tăng dân số là một dấu hiệu quan trọng của sự phát triển kinh tế xã hội.
Đúng là :
Một đời Thánh Quân
Đất nước làm dân giàu
Dốc hết tâm huyết
Quên ăn quên ngủ
Tận trí kiệt lực
Hành động công bằng
Chính sách thỏa đáng
Thuận lợi cho dân
Đất nước cũng lợi
Sử sách lưu danh.
Theo Epoch Times-San San biên dịch