Tờ Hoàn Cầu cho rằng có nhiều trường hợp cho thấy Washington đã quay lưng lại với các đồng minh vì lợi ích riêng của mình.
Một cuộc tập trận hải quân giữa tất cả các thành viên của Quad và Pháp kết thúc vào ngày 7/4. Times of India hôm 5/4 cho rằng cuộc diễn tập này là nhằm “để mắt đến Trung Quốc” và nhấn mạnh “sự phù hợp chiến lược ngày càng tăng trong việc đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn và ổn định trước sự hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực.”
Ngoài Pháp, một số cường quốc châu Âu khác như Đức và Anh cũng bày tỏ ý định tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhóm Quad do Mỹ dẫn đầu đang cố gắng mở rộng thành nhóm “Quad plus” và các nước châu Âu có thể là những nước mà nhóm này muốn mời gọi.
Các động thái của các quốc gia châu Âu này – chẳng hạn như tiến hành các cuộc tập trận với Quad – hoặc gửi tàu chiến đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, chủ yếu là để tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực, Sun Chenghao, một trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nói với tờ Hoàn Cầu.
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với vị thế là điểm nóng về địa chính trị trên thế giới, đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các quốc gia tự coi là nước có vai trò toàn cầu sẽ không bỏ lỡ cơ hội khẳng định sự hiện diện của mình.
Collin Koh Swee Lean, Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (RSIS) của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam có trụ sở tại Singapore, cho biết các cuộc tập trận giữa các thành viên Nhóm Quad và Pháp có thể được “tạo ra để thuyết phục các quốc gia không thuộc Nhóm Quad khác tham gia các thỏa thuận tương tự”. Ông cho rằng các nước Đông Nam Á như Philippines và Malaysia có thể nằm trong danh sách các đối tác tiềm năng của “Quad plus”.
Ông Sun cho rằng Pháp thiếu sức hấp dẫn đối với các thành viên ASEAN. Hơn nữa, Paris luôn ủng hộ chính sách ngoại giao độc lập và khó có khả năng hoạt động “theo lệnh” của Mỹ hay giúp Mỹ thuyết phục các nước khác tham gia các liên minh do Mỹ đứng đầu.
Nhưng điều rõ ràng là Mỹ đang cố gắng tập hợp các nước khác tham gia vào các nhóm chống Trung Quốc. Những nỗ lực như vậy sẽ gặp nhiều khó khăn.
Các nước Đông Nam Á và Châu Âu đều có những tính toán riêng. Ưu tiên của họ là đảm bảo an ninh và đảm bảo lợi ích kinh tế của họ, thay vì tham gia bất kỳ nhóm nào chống lại bất kỳ quốc gia nào. Về kinh tế, các nước từ hai khu vực nói trên phụ thuộc ít nhiều vào Trung Quốc.
Tờ Hoàn Cầu cho rằng có nhiều trường hợp cho thấy Washington đã quay lưng lại với các đồng minh vì lợi ích riêng của mình.
Ví dụ, để kêu gọi Trung Quốc chống lại Liên Xô vào những năm 1970, Washington đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan và thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh vào năm 1979. Các nước Đông Nam Á và châu Âu rõ ràng sẽ thận trọng khi có động thái làm mất lòng Trung Quốc.
Tờ DW bản Trung Quốc cho biết Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Pháp – chưa đủ tám nước – trong báo cáo của họ về cuộc tập trận Quad-plus có sự tham gia của Pháp. Đây rõ ràng là một sự liên hệ với “Bát Quốc Liên quân” – hay “Liên minh tám nước” – đề cập đến sự kiện quân đội Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nga, Nhật Bản, Ý và Áo-Hungary đã tấn công Bắc Kinh hồi năm 1900.
Tuy nhiên, Mỹ khó có thể kêu gọi 7 quốc gia khác để cùng chống lại Trung Quốc vào thời điểm hiện tại. Tờ Hoàn Cầu viết: “Trung Quốc không còn như 120 năm trước. Dù Mỹ có củng cố hệ thống liên minh của họ đến đâu thì cũng sẽ thất bại trong việc tạo ra một ‘Liên minh tám nước’ mới.”
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị