Lời giải thích của ông cho quyết định này thể hiện cho mối lo ngại tồn tại trong Nhà Trắng về nguy cơ rủi ro trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, nếu nền kinh tế chịu tổn thất nhiều vì thương chiến
Mới đây, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ rút lại động thái quyết liệt của mình trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ hoãn áp thuế bổ sung với một số mặt hàng tiêu dùng trong hơn 2 tháng, từ tháng 9 cho đến giữa tháng 12. Tuy nhiên, động thái này vẫn không cho thấy dấu hiệu quá tích cực về việc “mở đường” cho những vòng tái đàm phán để đi đến một thoả thuận đình chiến lâu dài giữa Washington và Bắc Kinh.
Elena Duggar, phó giám đốc điều hành tại Moody’s, nhận định: “Dường như sự leo thang của căng thẳng thương mại chỉ được tạm thời hoãn lại. Mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn gây ra nhiều tranh cãi, đôi lúc có một số bước tiến triển để đi tới sự thoả hiệp.”
Động thái này cho thấy một nhận thức bất thường từ phía ông Trump rằng xung đột kinh tế ngày càng sâu sắc với Bắc Kinh có thể gây ra hậu quả đối với các hộ gia đình Mỹ – điều mà cho đến nay vẫn một mực phủ nhận. Ông nói về lý do hoãn thuế khi chuẩn bị di chuyển từ New Jersey tới Pennsylvania: “Chúng tôi làm điều này vì mùa Giáng Sinh, chỉ phòng trường hợp một số mức thuế quan sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ. Cho đến nay, hầu như vẫn chưa có ai bị tác động.”
Lời giải thích của ông thể hiện cho mối lo ngại tồn tại trong Nhà Trắng về nguy cơ rủi ro trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, nếu nền kinh tế chịu tổn thất vì sự bế tắc kéo dài với Bắc Kinh. Tuy nhiên, việc hoãn thuế cũng phù hợp với mô hình áp dụng từ lâu của ông Trump – đó là chuyển sang lập trường ít thù địch hơn sau khi đẩy nhiều mâu thuẫn lên cao và “thử thách” sức chịu đựng của thị trường đối với chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của chính quyền. Điều này cho thấy việc hoãn thuế đưa ra hôm thứ Ba là động thái tạm thời rút lui một cách chiến lược và hạn chế hơn.
Việc ông Trump thay đổi quyết định như vậy cũng khiến các nhà đầu tư chứng khoán ở Mỹ trở nên hứng khởi hơn. Theo đó, chỉ số S&P 500 tăng 1,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Ngoài ra, thị trường cũng được khích lệ nhờ thông tin rằng các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã có một cuộc nói chuyện điện thoại hôm 13/8, được ông Trump miêu tả là “rất có tiến triển”. Hai nước sẽ thực hiện một cuộc gọi khác trong 2 tuần tới.
Tuy nhiên, chính quyền 2 nước vẫn phải đối mặt với những trở ngại không hề nhỏ để đạt được một thoả thuận đúng hướng, khi đã mất niềm tin ở nhau trong những vấn đề cơ bản, như việc Trung Quốc tiếp tục mua nông sản của Mỹ. Đây chính là điều mà ông Trump nhiều lần nhắc đến mà phía Trung Quốc không phản hồi.
Thực ra, động thái của ông Trump đối với Trung Quốc vẫn nghiêng về phía sẽ đẩy tình hình leo thang hơn là thoả hiệp. Ông vẫn tiếp tục “đả kích” Bắc Kinh trên Twitter hôm thứ Ba về việc “phá giá tiền tệ cực kỳ kinh khủng”. Hơn nữa, dù hơn một nửa hàng hoá bị áp thuế ngày 1/9 được tạm thời dỡ bỏ, thì số còn lại vẫn phải chịu thuế vào tháng tới. Trên Đồi Capital, các thành viên đảng Dân chủ chế giễu việc ông Trump thay đổi quyết định là sự thất thường.
Ron Wyden, thượng nghị sĩ bang Oregon và thành viên đứng đầu đảng Dân chủ về uỷ ban tài chính, cho biết: “Việc hoãn thuế với máy chơi video game và đồ chơi cho thú cưng đang giúp thị trường tăng điểm như những gì ông Trump muốn. Nhưng ông vẫn tiếp tục áp thuế với sách, đồ dùng học tập và quần áo – đây là những sản phẩm sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đến người dân Mỹ.”
Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng không được khích lệ nhờ vào quyết định của Tổng thống. Peter Robinson, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Quốc tế Mỹ (CIB), cho hay: “Chỉ đơn giản là hoãn thuế đối với một số mặt hàng cũng không phải là một giải pháp. Một điều rất quan trọng Mỹ và Trung Quốc là thường xuyên thảo luận để đạt được kết quả đàm phán, với mục tiêu loại bỏ thuế quan, các rào cản đối với thị trường và sự phân biệt đối xử.”
Quyết định hoãn áp thuế của ông Trump có thể là đủ để đảm bảo rằng những quan chức hàng đầu Trung vẫn tiến hành kế hoạch tới Washington thực hiện một vòng đàm phán trực tiếp khác vào đầu tháng tới. Tuy nhiên, điều này cũng không có khả năng mang đến sự chắc chắn mà nhiều doanh nghiệp đang mong đợi để tái khởi động những khoản đầu tư đang sụt giảm – một trong những “đám mây đen” lớn nhất của nền kinh tế Mỹ.
Gary Shapiro, chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng, một nhóm vận động hành lang cho các công ty điện tử tiêu dùng, chia sẻ: “Đây là sai lầm về kinh tế lớn nhất kể từ khi Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley được thông qua vào năm 1930. Tiếp tục đi theo hướng này sẽ khiến các start-up và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ bị tàn phá – rất nhiều trong số đó sẽ phải đối mặt với những quyết định không có lợi về việc giảm quy mô hoạt động và cắt giảm nhân sự.”
Hương Giang – Theo Trí thức trẻ/FT