Bỏ dở ước mơ năm 10 tuổi do sự ngăn cản của gia đình, Thuỳ Linh từng trốn học để đi đánh cầu. Ông ngoại là người duy nhất trong gia đình ủng hộ cô theo đuổi sự nghiệp thể thao. Nhưng ”người bạn lớn” nhất trên hành trình chông gai ra đi khi cô mới có được những thành công bước đầu. Song chính sự mất mát đó chính là động lực để Thuỳ Linh trở nên mạnh mẽ.
Là một trong số những tay vợt nữ hiếm hoi của Việt Nam nằm trong danh sách 100 tay vợt cầu lông có thứ hạng cao nhất thế giới, Nguyễn Thùy Linh gây ấn tượng ở hàng loạt các giải đấu trong và ngoài nước. Trang chủ Olympic Tokyo 2020 còn nhận định Nguyễn Thùy Linh là một trong những tay vợt tạo nên bất ngờ ở môn cầu lông khi có thể làm khó được tay vợt số một thế giới Tai Tzu-ying ở thời điểm đó.
Mới đây cô còn gây bất ngờ tại giải cầu lông vô địch thế giới 2022 khi ngược dòng thắng tay vợt 27 thế giới Aya Ohori để giành quyền vào vòng 2.
Để đạt được những thành tích ấn tượng trên, Thùy Linh đã trải qua một hành trình gian nan để chinh phục giấc mơ tưởng rằng đã bị dở dang.
Gian nan đường tới cầu lông
Sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, ngay từ nhỏ, Thùy Linh đã sớm bộc lộ tình yêu với bộ môn cầu lông. Do quê nhà không có phòng trào cầu lông mạnh, từ khi lên 10 tuổi Linh đã xa gia đình và xuống Hà Nội tập luyện.
Ngay lập tức, cô gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn sau hàng loạt chiến thắng. Khi đó Thùy Linh được gắn mác ”thần đồng” cầu lồng khi có những thành tích tốt ở các giải trẻ. Tưởng rằng những thành công bước đầu sẽ giúp gia đình an tâm về Linh nhưng mẹ cô lại không nghĩ vậy.
Năm 12 tuổi, Thùy Linh ngất ngờ ”biến mất”. Bố mẹ Linh sợ con đường thể thao vất vả nên kiên quyết đưa cô về Phú Thọ. Nhưng với niềm say về với cầu lông quá lớn, không ít lần Linh đã làm trái lời mẹ để thỏa mãn ước mơ của mình.
Chia sẻ trên truyền thông, Linh cho biết trong suốt 2 năm nghỉ tập về Phú Thọ, mẹ đã giấu hết vợt để cô không có cơ hội tơ tưởng đến cầu lông. Tuy nhiên tình yêu quá lớn nên nhiều lần Thùy Linh đã trốn học để đi đánh cầu. ”Tôi biết mẹ rất buồn khi biết việc đó, mẹ mắng tôi rất nhiều lần nhưng biết sao được vì tôi yêu cầu lông thực sự”, cô chia sẻ.
Quyết tâm thuyết phục gia đình để theo đuổi sự nghiệp cùng sự ủng hộ to lớn từ ông ngoại, Thùy Linh đã trở lại với cầu lông vào năm 14 tuổi khi gia nhập đội Đà Nẵng.
Ông ngoại là nhân vật ảnh hưởng lớn nhất với sự nghiệp của Linh. Nhờ có ông, Linh đã đến với những đường cầu đầu tiên và ủng hộ cô tiếp tục theo đuổi dẫu gia đình phản đối.
Từng chia sẻ, Linh cho biết những năm cuối đời dù thân mang bệnh nặng nhưng ông không bỏ lỡ bất kì một giải đấu trong nước và quốc tế có cô tham gia. Dẫu hành lý của ông là những chuyến đi đủ mọi loại thuốc song nguyện vọng của ông là nhìn thấy cô được thi đấu trên sân cầu.
Tuy nhiên đến năm Linh 15 tuổi, cô phải đối mặt với việc mất đi ”người bạn lớn” nhất trong hành trình đầy chông gai của mình. Tuy nhiên sự mất mát đó không hạ gục được cô gái trẻ mà con càng khiến Linh trở nên mạnh mẽ hơn.
Từng bước chinh phục giấc mơ
Quãng thời gian sau đó người hâm mộ đã có cơ hội chứng kiến một Thùy Linh đầy tài năng trên sân đấu. Năm 2014, cô vô địch giải trẻ trẻ toàn quốc, nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình trên bản đồ cầu lông Việt Nam. Sau đó, Thùy Linh có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 28 khi mới 18 tuổi.
Ở tuổi 20, Linh trở thành tay vợt số 2 Việt Nam và là một trong những cái tên trẻ nhất của nhóm VĐV được đầu tư trọng điểm tại thời điểm đó. Tiếp nối thành công, Thùy Linh đưa tên tuổi của mình ra khỏi biên giới Việt Nam khi tham gia giải quốc tế tại Nepal và giành luôn chức vô địch mà không để thua bất cứ một sec đấu nào.
Với những thành công bước đầu ở đấu trường quốc tế, hoa khôi của cầu lông Việt Nam tiếp tục để lại ấn tượng mạnh khi liên tiếp đăng quang tại Bangladesh International 2016, Italian International 2017, International Series 2017 ở Lào, International Series 2017 ở Mông Cổ.
Những năm tiếp theo cũng chứng kiến nhiều thành công vang dội của Linh tại quốc tế khi cô gái này vô địch 2 năm liền tại giải Bangladesh International Challenge ở 2018, 2019. Á quân tại giải International Na Uy, International Championships Hungary 2019 và Áo Mở rộng năm 2020.
Qua đó giúp hoa khôi của cầu lông Việt Nam vươn từ top 200 thế giới lên top 50 thế giới. Có thời điểm, vị trí cao nhất của Linh là xếp hạng thứ 41 thế giới. Ở thời điểm hiện tại cô cũng xuất sắc đứng ở vị trí 59 trong bảng xếp hạng 100 tay vợt nữ mạnh nhất thế giới do Liên đoàn cầu lông thế giới công bố.
Tiếp đà hưng phấn đó, năm 2021, Thùy Linh đã giành suất duy nhất dự Olympic của cầu lông nữ Việt Nam. Thùy Linh gây ấn tượng trong lần đầu tham dự Olympic. Cô có thứ hạng thấp nhất trong các tay vợt tại bảng P, nhưng giành 2 trận thắng và chỉ chịu thua tay vợt số một thế giới Tai Tzu-ying, người giành tấm HCB sau đó.
Cuối tháng 4 vừa qua, cô tham dự giải vô địch châu Á, thua tay vợt Nhật Bản Sayaka Takahashi ở vòng đầu nhưng đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc. Trong giải vô địch thế giới diễn ra ngày 22/8 vừa qua, Nguyễn Thùy Linh đã ngược dòng thắng tay vợt hạng 27 thế giới Aya Ohori 12-21, 21-19 và 21-11 để giành quyền vào vòng 2 giải cầu lông vô địch thế giới tại Nhật Bản. Khi đối đầu với tay vợt hạng 3 thế giới An Se Young, cô đành lực bất tòng tâm và phải dừng bước ở vòng 2. Dẫu vậy, tay vợt người Phú Thọ cũng đã có màn trình diễn ấn tượng. Đây cũng là bước đệm để tay vợt này có thể vươn xa hơn trong sự nghiệp.
Tổng hợp-Theo Đinh Anh–Theo Trí Thức Trẻ