Những lời khuyên chân thành của vị nữ hiệu trưởng khiến các bậc phụ huynh phải suy ngẫm lại về cách nuôi dạy con.
Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, cách giáo dục tốt nhất là giúp trẻ phải đạt được điểm số xuất sắc, thành tích học tập cao, đỗ vào những trường top đầu và có công việc tốt trong tương lai. Tuy nhiên, liệu trẻ có phát triển và thật sự cảm thấy hạnh phúc khi phải sống trong sự ép buộc, gò bó? Trẻ không phải cỗ máy học tập, trẻ cũng cần có những giây phút cho riêng mình, được tự do làm những điều mình yêu thích.
Thay vì bắt ép con trở nên hoàn hảo, cha mẹ nên trao cho con những kỹ năng để mở ra cơ hội thành công trong tương lai. Chia sẻ về điều này, bà Drew Gilpin Foster – Hiệu trưởng thứ 28 của Đại học Harvard (Mỹ) – chỉ ra 3 kỹ năng không thể thiếu đối với một đứa trẻ mà các bậc cha mẹ cần lưu ý.
Khả năng khám phá thế giới
Bà Drew Gilpin Foster khuyên cha mẹ nên cho những đứa trẻ đi khám phá bên ngoài để hiểu hơn về thế giới. Đây là khóa học bắt buộc đối với trẻ. Vì thế giới bên ngoài có rất nhiều thứ mới lạ cần khám phá và không bị giới hạn bởi ngôn ngữ hay các quốc gia. Ngôn ngữ chỉ là một công cụ giúp chúng ta khám phá thế giới rộng lớn.
Giúp trẻ khám phá thế giới là đang tạo cơ hội để bé phát triển thể chất, trí tuệ. Bên cạnh đó còn giúp bé tăng khả năng hòa nhập và thích ứng với môi trường xung quanh một cách dễ dàng. Vì thế, bố mẹ nên tạo điều kiện để con khám phá thế giới sớm nhất có thể, bởi nó thực sự cần thiết cho tương lai sau này của bé.
Với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật hiện nay, phụ huynh dễ dàng cùng con đến nhiều vùng đất xa để khám phá thế giới hay nghiên cứu về cối nguồn dân tộc. Tuy nhiên, nhà cũng là không gian mà phụ huynh có thể thực hiện những phương pháp để giúp các bé khám phá mà không cần đi đâu xa. Cha mẹ có thể hướng dẫn con khám phá thế giới bên ngoài bằng nhiều cách như: Qua các giai điệu âm nhạc, sử dụng sách hoặc video, sử dụng địa cầu, tham gia vào những chương trình nghệ thuật,…
Khả năng tư duy phản biện
Ông Richard Levine là một nhà giáo dục nổi tiếng thế giới, được nhiều người kính nể. Ông từng là Hiệu trưởng Đại học Yale từ năm 1993 đến năm 2013. Vị hiệu trưởng này từng chia sẻ: “Nếu một sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Đại học Yale chỉ có kiến thức và kỹ năng thì đây chính là thất bại lớn của nền giáo dục Yale.
Yale cam kết đào tạo các nhà lãnh đạo. Cốt lõi của giáo dục đại học là nắm được kiến thức tổng quát nhằm trau dồi tư duy phản biện độc lập cho sinh viên. Đây là nền tảng của việc học tập suốt đời.
Tư duy phản biện dường như là một cách suy nghĩ tích cực, đặc biệt là tìm ra vấn đề mà trẻ đang phải đối mặt để tránh những sai lầm sau này hoặc giúp trẻ có thể khắc phục vấn đề của chính mình.
Hãy thử tưởng tượng, nếu trẻ không được giáo dục để suy nghĩ chín chắn ngay từ khi còn nhỏ, thói quen này có thể tiếp tục lên đến trình độ học vấn cao hơn. Chẳng hạn khi trẻ bước vào đại học và sống xa cha mẹ, không dạy trẻ cách suy nghĩ trưởng thành sẽ khiến trẻ khó tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình chỉ vì không quen với tư duy phản biện.
Là một người có tư duy phản biện có nghĩa là người đó có khả năng giải quyết vấn đề, là người nhìn thấy nhiều khía cạnh khác nhau của một vấn đề cần giải quyết. Giáo dục như thế nào để trẻ em có thể hình thành tư duy phản biện ngay từ khi còn nhỏ không hề là một điều dễ dàng, nhưng không có nghĩa là không thể làm được.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Drew Gilpin Faust khẳng định: “Để giúp trẻ hình thành tư duy phản biện, cha mẹ có thể áp dụng những cách sau: Khuyến khích trẻ đặt nhiều câu hỏi hơn, không nên đưa ra câu trả lời ngay lập tức, khuyến khích trẻ siêng năng tìm kiếm tài liệu tham khảo, tạo sự thích thú cho trẻ”.
Học cách suy nghĩ có ý thức
Bà Drew Gilpin Faust tin rằng hạnh phúc phụ thuộc vào cách suy nghĩ có ý thức của mỗi người. Dưới đây là cách suy nghĩ có ý thức mà trẻ cần được rèn luyện thường xuyên:
– Liên tục đặt câu hỏi cho bản thân: Mọi câu hỏi đều mở ra cánh cửa để khám phá bản thân. Chỉ khi hiểu rõ chính mình, trẻ mới đưa ra được mục tiêu, kế hoạch phù hợp.
– Tin tưởng vào chính mình: Chỉ khi tin vào bản thân trẻ mới dũng cảm, tự tin đưa ra cách giải quyết vấn đề hợp lý. Trẻ cũng sẽ không chùn bước, sợ hãi trước khó khăn.
– Học cách chấp nhận thất bại: Không có ai là hoàn hảo trên cuộc đời. Sau những vấp ngã, thất bại, trẻ sẽ rút ra cho mình được bài học quý giá. Thất bại không phải là điều đáng sợ, quan trọng là trẻ cần biết đứng dậy bước tiếp.
– Cho phép bản thân có những cảm xúc bình thường: Mỗi chúng ta đều có những cung bậc cảm xúc khác nhau, đó là hỉ, nộ ái, ố. Vì thế, việc bày tỏ cảm xúc là điều bình thường, dù đôi khi đó là cảm xúc tiêu cực.
– Suy nghĩ tích cực về mọi vấn đề và học cách biết ơn: Nếu trẻ hình thành được lối suy nghĩ này, cuộc sống hiện tại và tương lai sẽ ngập tràn hạnh phúc, nhiều niềm vui.
– Xây dựng mối quan hệ lành mạnh, thân mật: Đây là nhu cầu tự nhiên của mỗi người. Vì thế, cha mẹ nên dạy trẻ nỗ lực xây dựng những mối quan hệ thân thiết, hạnh phúc và lâu dài. Hãy tìm cho mình những bạn tuyệt vời để cùng chia ngọt sẻ bùi.
Mục đích cốt lõi của giáo dục không phải là tiếp thu kiến thức mà là học cách suy nghĩ. Trong cuộc sống, trẻ luôn cần học cách duy trì nhận thức rõ ràng, không sống trong mớ hỗn độn, để cuộc sống tẻ nhạt trôi đi.
Theo Ứng Hà Chi-Theo phunuvietnam