Thời gian vốn không đợi bất cứ ai, nó luôn lặng lẽ vụt qua trong những lúc bạn bận rộn nhất. Trong cuộc sống, chúng ta thường luôn bỏ lỡ rất nhiều thứ quan trọng. Đến khi ngộ ra thì mọi chuyện đã quá muộn.
Nếu hiện giờ bạn đang ở trong tình trạng như vậy, hãy đọc thật kỹ những gì mà tôi muốn nói dưới đây. Bởi đó là những điều hiện tại bạn đang làm và sẽ khiến bạn phải hối hận trong tương lai.
01 – Rơi vào những mối quan hệ tiêu cực
Hiện tại:
Bạn nói: muốn đi học thiết kế, nếu kiên trì tới cùng không chừng tương lai có thể trở thành nhà thiết kế.
Những người có suy nghĩ tiêu cực nói với bạn rằng: Ai nói cậu có thể làm nhà thiết kế? Làm thiết kế phải có khả năng trời phú và tư duy khác người. Cậu hiện giờ sao đủ tư cách để làm.
Tương lai (10 năm sau):
Bạn vẫn thường xuyên quan tâm tới lĩnh vực thiết kế, bạn thấy những người có cùng suy nghĩ với bạn năm đó. Sau nhiều năm học hỏi, tích lũy nay đã trở thành viên ngọc sáng trong giới thiết kế. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là, trình độ của họ khi đó còn không bằng bạn. Chỉ là họ lựa chọn việc “kiên trì theo đuổi ước mơ” của mình. Còn bạn lại hấp thụ những suy nghĩ tiêu cực, lựa chọn “từ bỏ ước mơ”. Đến giờ bạn mới ngộ ra rằng: làm thiết kế thật tốt.
Kiên trì phát triển theo một hướng nhất định, cần phải bỏ ra rất nhiều thời gian để tĩnh tâm học hỏi. Nhưng rất nhiều người vì sợ cô đơn, một khi tĩnh tâm liền cảm thấy lo lắng, khiến bản thân rơi vào những mối quan hệ tiêu cực. Nhưng nhiều năm sau, bạn mới hiểu ra rằng cô đơn một mình tốt hơn rất nhiều so với việc ở cùng với những người khiến bạn thất vọng, đau khổ và phẫn nộ.
02 – Nói “con rất bận” với người thân
Hiện tại:
Cha mẹ chuẩn bị cơm ngon canh ngọt tươm tất rồi nói với bạn rằng: “Con yêu, mẹ chuẩn bị xong bữa tối rồi, con về nhà ăn cơm chứ?” Bạn nói: “Con còn đang phải tiếp khách bên ngoài/ Con còn phải đi chơi với người yêu, bạn học…”
Bạn có rất nhiều thời gian đi chơi và ở bên cạnh người khác nhưng lại không để ý đến cha mẹ của mình. Bạn luôn có suy nghĩ rằng, cha mẹ sẽ hiểu cho bạn, cha mẹ sẽ đợi bạn nhưng bạn lại không biết được rằng thời gian sẽ không đợi bạn và bất cứ ai.
Tương lai (10 năm sau):
Khi bạn đã làm cha làm mẹ, con cái của bạn trưởng thành cũng có bạn học, người yêu. Bạn phải réo không biết bao nhiêu lần chúng mới về ăn cơm, lúc đó bạn mới ngậm ngùi hối lỗi: “Mẹ, con xin lỗi vì trước kia con ít về nhà thăm mẹ”.
Con người trong cuộc sống này phải đóng rất nhiều vai diễn khác nhau. Ở nhà là con, là vợ/chồng, là cha/mẹ. Ở công ty là nhân viên, lãnh đạo. Ở trường học, là học sinh, phụ huynh…Chúng ta luôn phải không ngừng thay đổi vai diễn của mình trong công việc, gia đình cùng với sự dịch chuyển của thời gian. Nhưng lại rất ít khi quan tâm tới người thân của mình.
Điều đáng tiếc là, khi chúng ta có thể bớt chút thời gian ở bên cạnh cha mẹ, e rằng cha mẹ đã già yếu không đủ sức để cảm nhận. Cho đến khi bi kịch giáng xuống, nhìn lại mới thấy: Con cái đã trưởng thành, có thể tự lập mưu sinh, tình cảm vợ chồng không được son sắc như xưa và cha mẹ cũng đã không còn nữa.
03 – Lãng phí thời gian
Hiện tại:
Một ngày nào đó, bạn vô cùng sung sướng vì sau gần 1 năm “cày cuốc”, cuối cùng cũng chinh phục được cấp cao nhất cái món game mà bạn thích.
Tương lai (10 năm sau):
Một ngày nào đó, bạn tình cờ hội ngộ với người bạn lâu năm không gặp. Cậu ấy nói với bạn rằng: Sau 3 năm kiên trì chạy bộ, tập thể dục buổi sáng, không những sức khỏe dồi dào, tinh thần phấn chấn mà còn giành được cơ hội tham gia cuộc thi Marathon toàn quốc. Rồi cậu ấy hỏi bạn gần đây thế nào?
Bạn kinh ngạc nhìn lại bản thân mình. Công việc vẫn vậy, cuộc sống cũng vẫn thế, không có mục tiêu, không có hướng đi mới, không có nhiệt huyết càng không có động lực. Sáng nào cũng ngủ dậy đi làm, đi làm về ăn cơm xong lại bắt đầu “nâng cấp” game mới.
Ai cũng có 24 tiếng mỗi ngày, ngoài 2/3 thời gian để đi làm và ngủ nghỉ, 1/3 thời gian còn lại (khoảng 5-8 tiếng) sẽ được sử dụng vào những công việc khác như: nấu cơm, ăn cơm, làm thêm, học tập, vận động thể thao…Hoặc cũng có thể là: xem ti vi, tán dóc, chơi game…
Mỗi người đều có cách sử dụng và tiêu pha thời gian khác nhau, vậy nên cuộc sống và công việc trong tương lai cũng hoàn toàn khác nhau. Có thể bạn cũng từng suy nghĩ tới việc thay đổi trạng thái và chất lượng cuộc sống của mình. Thế nhưng chỉ khi bỏ thời gian vào những việc có ý nghĩa hơn mới có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn một cách triệt để.
04 – Lối sống không lành mạnh
Hiện tại:
Có thể bạn mới tốt nghiệp ra trường, dáng vẻ vẫn còn khá mi nhon. Bạn không bao giờ từ chối bất cứ một buổi tụ tập ăn uống nào. Bởi bạn sợ từ chối khiến người khác nghĩ bạn không nghĩa khí. Thậm chí gặp rượu là uống, đã uống là sẽ say, rượu thuốc không phân nhà.
Nghe bạn bè nói: “Rượu là tinh hoa từ gạo, càng uống càng trẻ”. Hay “Cơm xong châm điếu thuốc lào, phê pha khói thuốc tiên nào sướng hơn”. Bạn gật gù tán đồng mà không biết rằng phóng túng bản thân bằng lối sống này chẳng mấy chốc mà “bụng tướng quân”, “răng vàng rụng”.
Tương lai (10 năm sau):
Có thể bạn đã hơn 30 hoặc 40 tuổi. Một ngày nào đó, bạn cảm thấy bụng dạ khó chịu? Cầm thẻ bảo hiểm tới bệnh viện kiểm tra. Bác sỹ hỏi “Anh khó chịu ở đâu?” Bạn mặt mày nhăn nhó, hoa mắt chóng mặt thều thào nói: “bụng và đầu”.
Những năm gần đây một loạt các loại bệnh nguy hiểm như tắc mạch máu não, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ rồi các loại bệnh về tim mạch do thói quen ăn uống vô độ, không kiểm soát và lối sống thiếu lành mạnh…không chỉ xuất hiện ở độ tuổi ngoài 60 nữa. Mà gặp nhiều ngay từ những người mới chớm 30.
Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn trẻ bạn khỏe nên chẳng sao. Đợi đến khi “có sao” rồi, dù có người chịu bỏ tiền cho bạn chữa bệnh cũng sẽ không có ai thay bạn chịu đau đớn cả.
05 – Không đi du lịch
Hiện tại:
Sau dịp nghỉ lễ, người ta hỏi bạn: “Nghỉ lễ đi chơi những đâu?” Bạn đáp: “Chỗ nào cũng đông người không thú vị, đợi lúc nào có thời gian đi sau”. Có người rủ bạn sang Pháp ngắm tháp Eiffel. Bạn nói: “Xuất ngoại tốn tiền lắm, tiết kiệm vẫn hơn”. Đồng nghiệp rủ bạn cuối tuần đưa con tới khu vui chơi Disney. Bạn nói: “cháu còn nhỏ quá, đi rồi cũng chẳng chơi được gì. Thôi đợi cháu lớn rồi đi một thể”.
Tương lai (10 năm sau):
Đợi chờ thoắt cái đã ngót chục năm, bạn cho rằng đi chơi vào những dịp khác không đồng người. Nhưng những dịp khác đó bạn lại không được nghỉ. Xin nghỉ đi chơi càng không ổn, nghĩ đi nghĩ lại thôi thì chẳng chơi bời nữa.
Bạn muốn đợi đến khi tích cóp đủ tiền mới sang Pháp ngắm Eiffel. Nhưng con cái đã lớn, bao nhiêu khoản học phí phải lo, long đong lận đận, đau đầu vì tiền.
Bạn nói đợi con cái lớn mới đưa chúng tới Disney chơi, nhưng trẻ con bây giờ, nguyên làm bài tập trên lớp còn không đủ thời gian nói gì đến đi chơi.
Có thể, bạn từng nghĩ tới một chuyến du lịch “xách ba lô lên và đi”. Nhưng bạn sợ đường đi vất vả, lo lắng bản thân không đủ sức gánh vác trọng trách công việc và gia đình trên vai. Đó là những suy nghĩ thai nghén chưa bao giờ được thành hình. Đợi mãi, đợi mãi đợi đến khi nếp nhăn xuất hiện, mái tóc điểm bạc, nhiệt huyết tiêu tan…Muốn đi cũng không đủ sức để đi nữa.
Thoải mái không phải là điều kiện duy nhất và cần thiết cho một chuyến du lịch. Hơn nữa những chuyện được gọi là quan trọng sẽ mãi không bao giờ có thể làm hết được. Bởi vậy, nhân lúc còn trẻ hãy sắp xếp hành lý và chuẩn bị xuất phát thôi!
06 – Ngừng học tập
Hiện tại:
Một ngày nào đó, bạn bè nói với bạn rằng: “Có thời gian gắng học lấy một vài ngoại ngữ, biết đâu mai này sẽ sử dụng tới”. Bạn nghĩ rằng học ngoại ngữ đối với bạn mà nói chẳng có tác dụng gì cả. Bởi ngoại ngữ chẳng có liên quan gì tới công việc hiện tại của bạn. Hơn nữa bạn cũng chẳng hứng thú gì với mấy thứ tiếng xì xà xì xồ đó.
Tương lai (10 năm sau):
Internet bùng bổ, thời đại xã hội bắt đầu kiến thiết các dự án một vành đai, một con đường. Rất nhiều công ty bắt đầu tuyển dụng nhân tài ngoại ngữ. Bạn cũng muốn nắm bắt cơ hội đó, nhưng lại không có vốn ngoại ngữ trong tay, chỉ biết đứng ngồi không yên mà chẳng có cách gì.
Rất nhiều người, kể từ sau khi tốt nghiệp ra trường liền vứt sách vở sang một bên và không bao giờ động lại. Bạn cho rằng, học như vậy là đủ, học là việc ở trường chứ không phải ở cơ quan làm việc.
Thế nhưng, cuộc đời con người giống như một chiếc điện thoại. Khi còn nhỏ học ăn, học nói, học kiến thức ngôn ngữ, học kỹ năng xã giao, học kiến thức chuyên môn…đều là để sạc pin cho chính mình. Sau 10 năm, 20 năm, khi điện thoại đã sạc đủ pin, bạn cho rằng đó “sạc như vậy là đủ dùng cả đời, sau này không cần phải sạc thêm nữa”.
Thế nhưng dù là công việc hay cuộc sống cũng đều hao tổn pin cả. Chỉ khi không ngừng học hỏi bằng nhiều hình thức khác nhau mới không khiến bạn “pin yếu” trong công việc cũng như cuộc sống.
Ai cũng chỉ sống một lần, người trẻ ơi, nhân lúc còn trẻ, còn khỏe, còn có thể đi được rất dài rất dài hãy mau tỉnh ngộ để không phải hối hận và tiếc nuối.
Theo Ngọc Thủy – Trí Thức Trẻ