Startup của Việt Nam trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tốt về cả số lượng và chất lượng. Tuy nhiên khó khăn với khởi nghiệp vẫn còn và các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ để vượt qua.
Startup hiện nay đang được biết đến là các doanh nghiệp tư nhân với nền tảng công nghệ, mô hình kinh doanh mới cùng khả năng tăng trưởng nhanh, góp phần tạo ra động lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Thế nhưng chính những doanh nghiệp này lại là những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất. Những khó khăn này có thể đến từ mô hình kinh doanh của họ đang quá mới, cũng có thể khó khăn từ thủ tục hành chính hay đơn giản nhất là thiếu vốn.
Tại phiên thảo luận Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, trong Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan điểm của mình về khởi nghiệp cũng như các biện pháp hỗ trợ startup hiệu quả hơn.
Đối với khó khăn từ mô hình kinh doanh, hiện nay có nhiều startup với mô hình hoàn toàn mới đã ra đời. Có những mô hình chưa chứng minh được hiệu quả ngay lập tức, cần thêm thời gian để điều chỉnh đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Việc đưa các doanh nghiệp với mô hình mới vào một cơ chế thử nghiệm (sandbox) là cần thiết. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông Tin và Truyền thông cho một ví dụ là Uber. Đây là mô hình kết hợp giữa thương mại điện tử và vận chuyển và đề án thí điểm xe công nghệ của Bộ Giao thông vận tải là một trong những mô hình sandbox thành công nhất của Bộ.
Nhưng những mô hình sandbox này cũng cần có đánh giá cụ thể. Ông Jerry Lim – CEO Grab Việt Nam cho rằng nếu 2 công ty giống nhau, cùng lĩnh vực, cùng mô hình thì việc đưa cả 2 vào thí điểm là điều không cần thiết.
Ngoài ra với một mô hình kinh doanh mới, ngay cả khi có lợi ích rõ ràng vẫn cần có thời gian để chính phủ kiểm chứng, hoạch định chính sách.
Cần có “cò” cho khởi nghiệp
Bản thân các doanh nghiệp startup đôi khi mới chỉ có ý tưởng về mô hình kinh doanh hay sản phẩm dịch vụ. Họ còn chưa biết phải lập doanh nghiệp từ đâu, quản lý như thế nào, nên bán sản phẩm ra sao. Những bước này cần một hệ sinh thái hỗ trợ đầy đủ.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc, như doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa biết làm gì, mà đăng ký đòi hỏi phải cụ thể. Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, tổng giám đốc BK-Holding, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã phát triển và tiến bộ nhưng như một dàn nhạc thiếu nhạc trưởng để dẫn dắt.
“Hệ sinh thái và chính sách cần chiến lược và chiến thuật đúng đắn. Chúng ta hô hào có những doanh nghiệp tỷ USD nhưng không có chính sách, chiến lược bài bản, dài hơi mà chỉ làm ngắn hạn sẽ rất khó. Về mặt chiến thuật thì phải linh hoạt, hợp lý“, ông Dũng nói.
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, ông Phạm Anh Tuấn, quản lý một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đưa ra góp ý, nhà nước nên có khái niệm “cò khởi nghiệp” tương tự như trong lĩnh vực bất động sản. Nhiều startup có ý tưởng nhưng lại thiếu kỹ năng bán hàng. Các doanh nghiệp startup cũng có thể được nhận chính sách thuế khoán theo năm để dễ dàng hơn.
Vấn đề vốn cho các doanh nghiệp startup cũng được bàn luận tại phiên thảo luận. Hiện nay khi muốn nhận được đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn phải trả lời được các câu hỏi về lợi nhuận, khi nào cho nhà đầu tư thoái vốn được.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki gợi ý các doanh nghiệp có thể ra nước ngoài gọi vốn. Nhiều sàn chứng khoán tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp niêm yết không cần có lãi, chỉ cần có tăng trưởng.
Còn với các startup mới trong giai đoạn đầu, luôn có các tổ chức sẵn sàng giúp đỡ họ. Ví dụ như trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đại diện trường cho biết nếu startup trong giai đoạn này không kêu gọi được vốn, trường có thể kết nối họ tới mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thời gian qua, số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư như quỹ đầu tư mạo hiểm của tập đoàn, khu công nghệ cao. Chất lượng và số lượng đơn vị đầu tư các start up có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng ba lần so với năm 2017.
PV