“Bạn nào làm ngành này 10 năm mà không ngon anh bỏ nghề”, Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam tuyên bố. Ông Yên thừa nhận nhiều năm trước, ông bén duyên với mảng thiết kế chip bởi “mờ mắt vì tiền”…
Thừa nhận “mờ mắt vì tiền” nên mới theo ngành thiết kế chip, nhưng sau khi theo nghiệp này, ông Nguyễn Thanh Yên – Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam – nhìn nhận chip là một thành tố “nuôi sống” cả ngành số, cũng như gạo là thành tố quan trọng nuôi sống con người.
“Đố các bạn tìm một chục thiết bị điện không có chip ở trong? Hơi khó! Kể cả ổ cắm giờ cũng có chip…“, ông Yên chia sẻ tại tọa đàm “Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai mới” do Hệ thống đào tạo FPT Jetking phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – tổ chức.
Bố ông Yên vốn là một trong những nhân viên của nhà máy sản xuất chip đầu tiên của Việt Nam – Z181, thành lập năm 1979, nay đổi tên thành Công ty TNHH MTV điện tử Sao Mai. Từ thuở thiếu thời, người luôn tự nhận mình là “trai quê” ấy đã mê mẩn “những thứ hiện đại” khi đến nhà máy của bố.
Từ năm 2005, khi được sang Thượng Hải phồn hoa, uống rượu tây, ông cùng 3 người bạn đã quyết tâm mang bằng được ngành thiết kế chip về Việt Nam, bởi “làm ngành này chắc chắn giàu hơn làm nông nghiệp“.
“Tôi luôn nói với các bạn: Bạn nào làm 10 năm trong ngành này mà không ngon lành thì anh bỏ nghề“, Tổng Giám đốc CoAsia Semi Việt Nam chia sẻ.
Ngành thiết kế chip ở Việt Nam, theo ông Yên, có chừng hơn 40 công ty tập trung chủ yếu ở TPHCM, một phần ở Hà Nội và Đà Nẵng. Dù người Việt vẫn đang mang mác làm thuê, nhưng số công ty thuần người Việt, tức từ Tổng Giám đốc tới nhân viên đều là người Việt, đang chiếm khá đông.
Tại sao nên học thiết kế vi mạch?
Nói về lý do nên học thiết kế vi mạch, ông Yên dẫn lại một khảo sát của sáng lập viên TreSemi – một tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ – nói về thu nhập của ngành này.
Theo đó, lương của người làm thiết kế vi mạch ở Việt Nam khoảng từ 10.000 – 100.000 USD/năm. Mức lương này vẫn còn tiềm năng tăng thêm, khi mức lương ở Mỹ hiện đang gấp 3 lần với cùng vị trí.
Cụ thể, một người kinh nghiệm 1 – 3 năm ở Việt Nam, lương vào khoảng 10.000 – 15.000 USD/năm.
Từ 4 – 6 năm kinh nghiệm, mức lương khoảng 16.000 – 25.000 USD/năm, và thu nhập chừng 85.000 – 105.000 USD/năm với kinh nghiệm trên 16 năm.
Trên đây chỉ là mức lương cơ bản, chưa bao gồm thưởng và các khoản khác.
Góp mặt tại tọa đàm, ông Lê Thành Nam – Giám đốc Công ty VIETA Solutions Việt Nam (ETA Semiconductor) – cho biết tại công ty ông, nhân viên thiết kế chip 1 năm kinh nghiệm lương vào khoảng 10.000 USD/năm, chưa bao gồm thưởng.
“Dải lương ở Việt Nam còn rất thấp. Thấp nhưng vẫn cao so với mặt bằng chung. Các bạn mới ra trường 10.000 USD/năm là rất OK! Hiện các bạn đã có những người như chúng tôi làm bệ đỡ, đã có cộng đồng vi mạch 5.000 người, có những người tham gia lĩnh vực này 20 năm. Các bạn đã có đội ngũ, có nền tảng rồi, chỉ cần phi lên trời thôi”.
“Tôi không nói vào lĩnh vực vi mạch là ngon, mà sau 10 năm. Cần các bạn kiên trì và ‘máu’, trải qua gian khó 10 năm sẽ thành công“, ông Yên nói.
Bảo Bảo–Theo An ninh Tiền tệ