Nữ hoàng Elizabeth đã lên thăm tàu sân bay “khủng nhất” HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh trước khi con tàu lên đường tới Biển Đông.
Vào ngày 22/5, Nữ hoàng Anh Elizabeth đã có chuyến thăm lên tàu sân bay lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh là HMS Queen Elizabeth, ngay trước thời điểm con tàu dẫn đầu dàn chiến hạm của Anh, Mỹ và Hà Lan lên đường tới các vùng biển châu Á bao gồm Biển Đông.
Nữ hoàng Elizabeth (95 tuổi) được thuyền trưởng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng thủy thủ đoàn chào đón khi bà lên tàu đỗ ở thành phố Portsmouth.
Nữ hoàng Anh đã dành thời gian trên tàu “để gặp gỡ với các thành viên trong thủy thủ đoàn và gửi tới họ lời chúc may mắn khi họ có được những trải nghiệm khó quên vì trở thành một phần trong lịch sử của Hải quân Hoàng gia Anh” Bộ Quốc phòng Anh cho hay.
Trong một chia sẻ trên Twitter, Hoàng gia Anh cho biết thủy thủ đoàn trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cũng đã đồng thanh chào Nữ hoàng khi bà chuẩn bị rời khỏi con tàu và kết thúc chuyến thăm.
Theo CNN, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có lượng giãn nước toàn tải 65.000 tấn sẽ mang theo 8 chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Anh, cùng 10 máy bay F-35 của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và 250 lính thủy quân lục chiến Mỹ trong tổng số 1.700 thủy thủ có mặt trên tàu. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được đưa vào biên chế trong lực lượng hải quân Hoàng gia Anh vào năm 2017. HMS Queen Elizabeth hiện là “tàu có quy mô lớn nhất và mạnh nhất từng được trang bị cho hải quân Anh”.
Trên hành trình dài 26.000 hải lý kéo dài suốt 28 tuần, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ được hộ tống bởi 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ vệ, 1 tàu ngầm và 1 tàu cung ứng. Nhóm chiến hạm di chuyển cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth còn có 1 khu trục hạm của hải quân Mỹ và 1 tàu hộ tống của hải quân Hà Lan.
Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh, hạm đội sẽ quy tụ dàn vũ khí hải quân và không quân mạnh nhất từ trước tới nay của nước này.
Hạm đội do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu sẽ di chuyển qua Biển Đông, vùng biển chiến lược mang lại giá trị thương mại lên tới 3 ngàn tỉ USD/năm. Ngoài ra, hạm đội cũng sẽ dừng lại ở Ấn Độ và Singapore.
Trong sứ mệnh lần này, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth còn tương tác với lực lượng của hơn 40 quốc gia trong quá trình di chuyển tới châu Á sau khi đi qua Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, hoạt động triển khai của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ giúp thể hiện quyền lực mềm của Anh, niềm tin vào dân chủ và pháp quyền.
“Sứ mệnh của nhóm tác chiến tàu sân bay hải quân Anh sẽ đưa tên tuổi Anh bước sang trang lịch sử mới, một nước Anh đáng tin cậy trên toàn cầu nhằm đối phó với những thách thức trong tương lai, cùng sát cánh với các nước bạn để bảo vệ những lợi ích chung, cũng như duy trì trật tự được xây dựng trên các quy định quốc tế”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Anh, hạm đội do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu sẽ tham gia đợt tập trận với các đồng minh trong khối quân sự NATO trong những ngày tới trước khi di chuyển tới Địa Trung Hải. Ngoài ra, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cũng sẽ tập trận chung với tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp ngay trên Địa Trung Hải.
Vào năm 2019, Anh đã ra thông báo về việc sẽ cho điều động nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương. Từ đó đến nay, Anh đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận với Nhật Bản và một số quốc gia có liên quan tới kế hoạch điều động tàu HMS Queen Elizabeth.
Đây là động thái hiếm hoi từ hải quân Anh, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động trên các vùng biển trong khu vực như trên Biển Đông.
Theo Infonet