Nếu bạn sợ vấp ngã, có lẽ bạn đã thất bại ngay tự khi chưa bắt đầu. Nếu không đổ mồ hôi khi luyện tập, sẽ chẳng có thành công nào mỉm cười với bạn.
Kobe Bryant được coi là huyền thoại bóng rổ và cũng là tuyển thủ NBA xuất sắc nhất mọi thời đại. Trong suốt 20 năm sự nghiệp sát cánh cùng đội Lakers, Kobe đã giành 5 chức vô địch NBA và 18 danh hiệu All-Star.
Kobe Bryant với thành tích khủng đã trở thành ngôi sao hạng A, huyền thoại thế giới và là thần tượng của nhiều người nổi tiếng khác. Kobe Bryant là hình mẫu cho một cầu thủ còn vượt xa cả sự vĩ đại.
Khi nhắc đến bóng rổ, thì bóng rổ chính là Kobe Bryant.
Kobe Bryant (23.08.1978 – 26.01.2020), là một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp người Mỹ chơi ở vị trí hậu vệ ghi điểm (shooting guard). Anh đã chơi cho NBA Los Angeles Lakers từ năm 1996 và anh là con trai của cựu cầu thủ bóng rổ NBA Joe Bryant.
Kobe là hậu vệ học sinh trung học đầu tiên tại NBA, anh đã giúp Los Angeles Lakers giành được 5 chức vô địch NBA, anh là cầu thủ ghi 30.000 điểm trẻ nhất trong lịch sử NBA.
Những dấu mốc quan trọng tạo nên sự nghiệp đầy vinh quang của Kobe Bryant:
2 lần trở thành Vua ghi bàn NBA.
2 lần là MVP trong trận chung kết NBA.
1 lần là MVP cả năm của NBA.
15 lần liên tiếp được chọn cho trận NBA All-star.
2 huy chương vàng Olympic.
Trở thành “Iron King” đầu tiên trong lịch sử vào ngày 12.11.2014
Ngày 15 tháng 12 năm 2014, tổng điểm trong sự nghiệp của Bryant đã vượt qua Michael Jordan và vươn lên vị trí thứ ba trong lịch sử.
Vào ngày 14 tháng 4 năm 2016, Bryant chính thức giải nghệ, chia tay sự nghiệp với NBA sau trận Jazz trên sân nhà.
Ngày 13/04/2016, Kobe Bryant chính thức nói lời chia tay khán giả sau trận đấu từ biệt ghi 60 điểm vào rổ của Utah Jazz, chính thức đặt dấu chấm hết cho một chặng đường đầy vinh quang của một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng rổ.
Bí quyết thành công của Kobe nằm ở việc anh ấy không ngừng theo đuổi mục tiêu, không ngừng đặt ra yêu cầu khắt khe cho bản thân, có thái độ chịu trách nhiệm với mỗi trận đấu. Anh ấy luôn theo đuổi sự hoàn hảo dù là với những chi tiết nhỏ nhất, chính sự tỉ mỉ đó đã mang lại vinh quang cho anh.
“Los Angeles lúc 4 giờ sáng” – anh đã tự gọi mình bằng cái tên như vậy.
Kể từ lúc gia nhập NBA, anh đã kiên trì 4 giờ sáng dậy để tập luyện trong một thời gian dài, mỗi ngày anh đều buộc mình phải ném vào rổ đủ 1000 trái bóng mới chịu kết thúc buổi tập. Do đó, khi được một phóng viên hỏi nhờ đâu mà anh có thể thành công đến vậy, anh đã hỏi ngược lại: “Cậu có biết Los Angeles trông như thế nào lúc 4 giờ sáng không?”
Phóng viên lắc đầu.
“Tôi biết mỗi ngày vào lúc 4 giờ sáng Los Angeles trông như thế nào đấy.” Kobe nói rằng, mọi thành công của anh đều đến từ sự phấn đấu, khi mọi người còn đang say giấc nồng, thì anh đã xuất hiện trên sân tập Lakers rồi.
Trên mạng cũng từng lan truyền đoạn video Kobe lái xe đến phòng tập lúc trời còn nhá nhem tối, nhưng câu chuyện 4 giờ sáng của anh vẫn khiến người ta bán tín bán nghi.
Một huấn luyện viên người Mỹ tên Robert Alert đã tiết lộ câu chuyện bên trong quá trình huấn luyện địa ngục của Kobe. “Câu chuyện luyện tập của Kobe và tôi.” Đó là những trải nghiệm trong buổi tập luyện của Kobe tại Las Vegas khi chuẩn bị thi đấu Thế vận hội London 2012 dưới màu áo đội tuyển Mỹ.
“Đêm trước buổi tập chung đầu tiên của đội tuyển Mỹ, tôi nhớ lúc đó là 3h30 sáng, tôi đang nằm trên giường xem ‘Casablanca’. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê thì điện thoại tôi đột nhiên đổ chuông, thấy là Kobe gọi, tôi liền luống cuống bắt máy,” Robert Alert nhớ lại. “Robert, mong là không làm phiền anh.” Kobe nói qua điện thoại. “Không sao Kobe, có chuyện gì vậy?” Robert trả lời. “Tôi muốn biết liệu bây giờ anh có thể đến giúp tôi tập thể lực hay không.” Kobe nói.
Robert nhìn đồng hồ, đã 4 giờ 15 sáng rồi. Mặc dù đang chuẩn bị đi ngủ, nhưng vì Kobe đã gọi, nên ông đành trả lời: “Đương nhiên là được, hẹn gặp ở phòng tập.”
Sau khi cúp máy, Robert mất khoảng 20 phút chuẩn bị, sau đó ông rời khách sạn và đến phòng tập. Thế nhưng lúc đến phòng tập, người Kobe đã toát đầy mồ hôi, lúc ấy mới 5 giờ sáng. “Mồ hôi trên người Kobe giống như anh ấy vừa bước ra khỏi bể bơi vậy.”
Dưới sự hướng dẫn của Robert, Kobe đã dành khoảng 1 giờ 15 phút để luyện tập thể chất, 45 phút để tập thể lực. “Tôi mệt lả người nên đã về khách sạn nghỉ ngơi, nhưng Kobe vẫn ở lại sân tập để tập ném bóng vào rổ.”
Theo lịch thì 11 giờ sáng Robert phải đến phòng tập hướng dẫn đội tuyển tập luyện, lúc ngủ dậy ông vẫn còn choáng váng như chưa từng được ngủ. Khi ông đến phòng tập lần 2, ông phát hiện các vận động viên của đội tuyển Mỹ đều có mặt đủ cả rồi. “LeBron đang trò chuyện với Anthony, cựu huấn luyện viên đang giải thích câu hỏi nào đó của Durant, và phía bên phải Kobe vẫn đang tập ném bóng.”
“Khi nào cậu mới chịu kết thúc vậy?”, Robert hỏi.
“Kết thúc cái gì?”, Kobe hỏi lại.
“Tập ném bóng, khi nào cậu mới chịu rời phòng tập?”
“Ôi, tôi vừa hoàn thành xong việc ném 800 trái bóng vào rổ đây này”, Kobe nói.
Sau khi nghe những lời của Kobe, Robert nhận ra: Màn thi đấu xuất thần của Kobe ở mùa giải trước không có gì đáng ngạc nhiên cả, việc anh ấy Slam Dunk một cầu thủ trẻ hơn mình 10 tuổi cũng không làm mọi người cảm thấy bất ngờ, và cả việc anh ấy dẫn đầu danh sách ghi điểm ở đầu mùa giải cũng không phải chuyện gì lạ: Vì đây chính là Kobe, Kobe lúc 4 giờ sáng.
Truyền kỳ của huyền thoại Kobe Bryant, bắt đầu lúc 4 giờ sáng, kết thúc cũng ở 4 giờ sáng…
Ngày 27/01/2020, cầu thủ vĩ đại Kobe Bryant đã vĩnh viễn nằm lại ở tuổi 41 của mình trong một vụ tai nạn trực thăng thảm khốc khiến cả thế giới tiếc thương. Đó là một thảm họa không chỉ cho cả NBA mà còn cho toàn bộ nền thể thao trên toàn thế giới.
Theo Zhihu-Lưu Ly –Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị