Khi một loạt các doanh nghiệp tên tuổi, đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” hay “Thương hiệu quốc gia” lại có tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, dù có giải thích theo cách nào, thì người ta vẫn thấy…chán
Bởi chỉ một chiêu quảng cáo theo kiểu “đánh lận con đen” sẽ dẫn tới việc mất niềm tin, và hình thành một thứ văn hóa nguy hiểm trong xã hội.
Lấp liếm, thổi phồng cũng là giả, nào cứ phải là lấy của người làm của mình
Gần đây, vụ việc một doanh nghiệp điện tử gia dụng bị cáo buộc nhập hàng từ Trung Quốc về dán nhãn “xuất xứ Việt Nam” đang thu hút sự chú ý của cộng đồng. Doanh nghiệp đã giải thích: đa số phần cứng của thiết bị là nhập từ Trung Quốc; sản phẩm được lắp ráp bằng dây chuyền có công nghệ Nhật; phần mềm được viết tại Việt Nam.
Những vấn đề pháp lý liên quan chưa được làm rõ, và cũng chưa có tiền lệ trong xử phạt doanh nghiệp lắp ráp các mặt hàng OEM (Original Equipment Manufacturer – có thể hiểu là sản phẩm được lắp ráp từ các bộ phận, thiết bị nhập khẩu từ nhà sản xuất chính hãng khác). Vậy nên hiện tại có khá nhiều doanh nghiệp tên tuổi ở Việt Nam đang không thật sự kinh doanh hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam mà vẫn sử dụng danh hiệu hay cách thức quảng cáo khiến người tiêu dùng bị nhẫm lẫn.
Trước vụ ồn ào của doanh nghiệp điện tử này, người ta đã từng hoài nghi một “tập đoàn gia dụng hàng đầu Việt Nam” vì phần lớn hàng hóa của doanh nghiệp lại có xuất xứ từ Trung Quốc hay Đài Loan. Nhiều người tiêu dùng cho rằng, việc doanh nghiệp cố tình làm nổi bật thông tin về công ty thiết kế, giám sát chất lượng cho sản phẩm của họ có yếu tố tới từ Úc và họ là đơn vị nhập khẩu, đã khiến nhiều người hiểu nhầm về nguồn gốc sản phẩm.
Một doanh nghiệp đồ gia dụng khác tự nhận là “Cánh chim đầu đàn Việt Nam” cũng đã đạt các danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Thương hiệu quốc gia”, nhưng có rất nhiều sản phẩm mà 100% thành phần tới từ Trung Quốc. Doanh nghiệp khẳng định tất cả các bộ sản phẩm của mình đều được chuẩn hóa quy trình sản xuất, ứng dụng dây chuyền công nghệ hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia… và họ nhấn mạnh vào điểm này thay vì xuất xứ hàng từ Trung Quốc.
Trung Quốc hiện nay được coi là xưởng gia công giá rẻ của toàn thế giới. Nơi đây cũng là cái nôi của rất nhiều thiết bị, linh kiện, sản phẩm OEM cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trên toàn cầu. Hình thức thuê sản xuất linh kiện ở Trung Quốc, về Việt Nam lắp ráp gia công, rồi quảng cáo là thương hiệu Việt vì thế cũng đã phát triển mạnh.
Có người nói hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt cũng không phải là nói quá. Chỉ thêm một vài giá trị không đáng kể lên sản phẩm nhập khẩu là trở thành hàng Việt Nam, lợi dụng tâm lý “Người Việt dùng hàng Việt” để phát triển thương hiệu và kiếm lời.
Các doanh nghiệp này khi được đặt câu hỏi về xuất xứ hay tỷ lệ các chi tiết có nguồn gốc Trung Quốc đều khẳng định rằng họ đã tuân theo đúng quy định hiện hành khi ghi thông tin lên nhãn mác.
Vấn đề pháp lý liên quan có lẽ lại là một câu chuyện dài khác, nhưng cách thức quảng bá nhấn mạnh vào các yếu tố công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, hay sử dụng danh hiệu “hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Thương hiệu quốc gia”… đã như một chiêu bài đánh lạc hướng người tiêu dùng.
Nguy hiểm hơn, nó đang hình thành một sự hoài nghi trong xã hội, đó là điều dễ dàng nhận thấy.
Xu hướng giả dối trở thành tư duy, văn hóa nghi kỵ nguy hiểm
Khi người tiêu dùng hoài nghi với sản phẩm thương hiệu Việt, đó sẽ là một hàng rào ngăn cách đối với những sản phẩm Việt thực thụ, những nhà kinh doanh chân chính đang dốc toàn bộ tâm huyết và tận dụng nguồn lực quốc gia để phục vụ người Việt được tốt hơn.
Và đối với xã hội, nó hình thành thứ văn hóa nghi ngờ, vốn là nguồn gốc của sự bất ổn. Khi người ta không còn tin vào lời nói của người khác, không còn tin vào sự trung thực của người khác (từ quảng cáo, người bán hàng, doanh nghiệp cho tới các tổ chức có thẩm quyền trao tặng danh hiệu…), họ sẽ hình thành tâm lý bảo vệ bản thân, xây dựng tường rào quanh mình, nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm, dối trá.
Dần dà, tâm lý cảnh giác lẫn nhau sẽ trở thành thói quen tư duy trong cuộc sống. Trong xã hội bình thường, khi thấy có kẻ lén lút, làm điều ngược đạo lý thì mang tâm lý cảnh giác cũng không có gì quá đáng. Nhưng khi tâm lý cảnh giác không đến từ những tín hiệu của đối phương, khi ta cảnh giác không phải vì đối phương có biểu hiện khuất tất, mà là nhìn đâu cũng dấy lên tâm lý cảnh giác, tự cho rằng người khác có ý đồ không tốt, thì đây không phải là trạng thái bình thường của một xã hội lành mạnh nữa.
Sống như vậy vừa mệt mỏi, lại vừa thiếu sự thông cảm. Mà trong một xã hội thiếu sự cảm thông và rộng lượng, sự tử tế sẽ dần biến mất. Người ta hằm hè nhau, sẵn sàng chửi bởi, thóa mạ người khác. Sẵn sàng động chân động tay, ưa thích bạo lực vì tự thấy bất công, muốn đứng lên trên người khác vì tâm lý bảo hộ bản thân.
Cái giả và nghi kỵ khiến con người ta thiếu đi sự thân thiện, nhã nhặn khi cư xử với nhau. Ngày nay nhìn người Việt Nam đi ngoài đường hay ẩn danh trên mạng xã hội, không khó mà thấy cách hành xử thiếu lý trí, hùng hổ bất chấp lý lẽ. Đó là vì họ chẳng để cho lý trí suy xét xem hoàn cảnh của người khác thế nào, chỉ cần thấy trái ngược với cảm quan của họ là tấn công. Vừa là thể hiện sự hơn người, nhưng cũng chính là sự bảo vệ bản thân bởi không tin tưởng vào sự tử tế.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến có nói rằng:
Xã hội không quan tâm đến ‘sự tử tế’, ‘sự hẳn hoi’ thì dần dà những người tử tế, hẳn hoi sẽ biến mất; ngược lại, xã hội còn nhớ đến những phẩm hạnh này, thì những người hẳn hoi, tử tế mới xuất hiện được.
Những giá trị giả cũng sẽ làm nản lòng sự trung thực và nỗ lực chân chính. Những nhà sản xuất sẽ bị cuốn theo trào lưu quảng bá dựa trên sự phóng đại, “lộng giả thành chân”, mà không dựa trên thực lực và giá trị cốt lõi của sản phẩm, không dựa trên việc phục vụ tốt nhất mà là kiếm được nhiều lợi nhất. Khi nghi kỵ trở thành một thứ văn hóa, nó tác động ngược lại và cái giả sẽ lan truyền rất mạnh, bởi ai cũng không cần trung thực nữa. “Đằng nào cũng có ai tin mình đâu, nếu cứ chân chất mà đi sẽ rất lâu mới đuổi kịp người khác”.
Người kinh doanh sẽ không muốn đi con đường chân chính vì quá dài và gian khó lại ít lời. Người đi học cũng chẳng muốn học hành chăm chỉ mà tìm cách mua bằng, mua điểm. Người đi làm cũng muốn “đi tắt đón đầu” nương theo ý sếp, nịnh nọt, mua chức, chạy quyền.
Một xã hội đầy nghi kỵ sẽ gấp gáp mà lại mục ruỗng, bởi các giá trị chân chính như chân thực, nhẫn nại, thiện lương đã không còn nữa rồi.
Thuần Dương