Các nhà phân tích cho rằng có nhiều lý do khiến tàu Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở ngoài khơi Nhật Bản.
Tàu cá Trung Quốc
Theo SCMP, hàng nghìn tàu đánh cá của Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu rời khỏi các vùng đánh bắt cá lớn trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Nhật Bản. Cục Kiểm Ngư Nhật Bản ở Tokyo đã buộc phải khuyến nghị các tàu đánh cá nước này nên hoạt động ở nơi khác để tránh đụng độ.
Cụ thể, tính tới cuối tháng 9, đội tàu tuần tra Nhật Bản đã yêu cầu 2.589 tàu cá Trung Quốc rời khỏi vùng biển quanh khu vực Yamatotai của Nhật Bản. Đây là con số lớn gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đội tuần tra Nhật Bản xác nhận đã đưa ra lệnh tương tự đối với 102 tàu Trung Quốc tính tới ngày 16/10, trong khi hồi năm 2019 con số này chỉ là 12 lần.
Vùng Yamatotai – cách Vịnh Noto khoảng 350km – là nơi đánh bắt ưa thích của ngư dân Nhật Bản. Vào những tháng mùa thu, đây là nơi có sản lượng cua biển và mực bay “surumeika” lớn.
Những năm trước, chính quyền Nhật Bản cũng gặp vấn đề tương tự với tàu đánh cá Triều Tiên. Trong năm 2019, khoảng 4.000 tàu cá Triều Tiên đã được yêu cầu rời khỏi vùng biển Nhật Bản.
Đối đầu giữa hai bên đã có một số giai đoạn leo thang khi một tàu tuần duyên Nhật Bản va chạm với một tàu Triều Tiên vào tháng 10 năm ngoái. Vụ đụng độ đã khiến tàu của Triều Tiên bị chìm, 60 thuyền viên được vớt lên và đưa sang các tàu đánh cá khác.
Tuy nhiên, trong năm nay, tuần duyên Nhật Bản chỉ chạm trán tàu Triều Tiên 1 lần, trong khi có những lo ngại rằng việc yêu cầu hàng nghìn tàu cá Trung Quốc rời khu vực là điều khó khăn hơn nhiều.
Phản ứng của Nhật Bản
Akitoshi Miyashita, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Tokyo, cho biết chính phủ Nhật Bản có thể đã phạm sai lầm khi khuyến nghị ngư dân nước này rời khỏi khu vực.
Ông Miyashita nói: “Tàu cá Trung Quốc ở lại khu vực đó càng lâu thì việc buộc họ rời đi càng trở nên khó khăn hơn. Nhật Bản phải làm điều gì đó để buộc tàu cá Trung Quốc rời đi bởi nếu không vấp phải phản đối và tiếp tục được ở lại vùng biển, thì việc tàu Trung Quốc hoạt động tại đây sẽ trở thành ‘điều hiển nhiên'”.
“Hậu quả là tàu cá Trung Quốc sẽ càng ngày càng tiến vào sâu trong vùng biển Nhật Bản”.
Các nhà phân tích cho rằng có nhiều lý do khiến tàu Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở ngoài khơi Nhật Bản. Một trong các giả thuyết là vùng biển gần bờ đã bị đánh bắt quá mức, buộc ngư dân Trung Quốc phải di chuyển ra khơi xa để đánh bắt.
Một giả thuyết khác là Trung Quốc đang thách thức Nhật Bản cũng như “thử nghiệm” phản ứng của tuần duyên và thậm chí là lực lượng quân sự của Nhật Bản.
“Nếu đây chỉ là mâu thuẫn về việc tìm kiếm các vùng đánh cá mới, thì các cuộc đối thoại giữa chính phủ 2 bên sẽ giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, nếu là giả thuyết thứ 2 thì vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều” – ông Miyashita nói.
Ngư dân Nhật Bản hoạt động tại vùng biển Yamatotai cho biết rất bức xúc khi buộc phải rời đi và cho rằng chính phủ đã có phản ứng “yếu ớt” trước Trung Quốc.
Hiroshi Kishi, chủ tịch liên đoàn nghề cá quốc gia Nhật Bản, nói: “Chính phủ cần có phản ứng cứng rắn để đảm bảo tàu cá Nhật Bản có thể tiếp tục đánh bắt”. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin về việc liệu tàu tuần tra có được triển khai thêm tới vùng biển này để bảo vệ tàu cá Nhật Bản và ngăn chặn tàu nước ngoài xâm nhập hay không.
Theo Tổ Quốc