Cuộc đời người anh hùng ‘một tay lấy thiên hạ cho Hán thất’ đã kết thúc như vậy đó…
Hạng Vũ tự vẫn, Hán – Sở tranh hùng kết thúc, Lưu Bang ca khúc khải hoàn. Trên đường quân Hán đến Định Đào, Lưu Bang đột nhiên tập kích doanh trại của Hàn Tín thu binh quyền của ông.
Tháng 2 năm 202 TCN, Lưu Bang xưng đế ở đất Định Đào, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Về chính trị, Hán Cao Tổ thực hiện cả chế độ ‘phân đất phong hầu’ (phân phong) và chế độ ‘quận huyện’. Khi ấy Lưu Bang phong vương cho ‘7 người khác họ Lưu’ ở ngoài kinh kỳ (ngoài kinh thành), còn ở khu vực kinh kỳ, Lưu Bang thực hiện chế độ quận huyện. ‘7 vương khác họ’ này chiếm lĩnh một khu vực rộng lớn. Diện tích lãnh thổ và thực lực quân sự của họ vượt xa chính phủ trung ương. Điều này là mầm mống của một loạt cuộc chiến tạo phản sau này.
Tháng 2 năm 202 TCN Lưu Bang xưng đế, thì đến tháng 7 Yên vương Tang Đồ tạo phản. Tháng 9, Lưu Bang đánh bại Tang Đồ khiến Yên vương chạy sang Hung Nô. Việc tạo phản của ‘vương khác họ’ khiến Lưu Bang có một ám ảnh: nếu Tang Đồ có thể tạo phản thì các vương khác cũng có thể làm vậy. Và người Lưu Bang hoài nghi nhất chính là Hàn Tín, bởi vì Tín đánh trận rất giỏi, thêm nữa Sở là nơi đất rộng dân nhiều.
Vào tháng 10 năm đó, có người vu cáo Hàn Tín mưu phản. Lưu Bang cảm thấy binh lực và tướng soái của mình không bằng Hàn Tín, thế là ông tiếp thu mưu kế của Trần Bình: giả vờ thị sát ở đầm Vân Mộng vào tháng 12 năm 202 TCN.
Theo lễ tiết chư hầu, Hàn Tín đến gặp Lưu Bang, kết quả bị bắt. Lúc này Hàn Tín thở dài: “Thỏ khôn chết, chó bị nấu; chim bay hết, cất cung đi; quân địch bại, mưu thần vong” (1).
Sau khi Lưu Bang đưa Hàn Tín về đô thành, ông giáng chức Hàn Tín xuống thành Hoài Âm Hầu, ban đầu là tước vị vương bây giờ xuống tước vị hầu. Ở đây Hàn Tín không có đất phong, cũng không có quân đội, trên thực tế là Lưu Bang đang giam lỏng Hàn Tín.
Việc Hàn Tín bị khép vào tội mưu phản là nỗi oan thiên cổ của ông. Có 3 bằng chứng nói rõ Hoài Âm Hầu không hề có ý định đó.
Thứ nhất, nếu Hàn Tín muốn mưu phản thì ông đã có cơ hội lúc ông chiếm được nước Tề, còn Lưu Bang và Hạng Vũ đang giằng co ở Huỳnh Dương.
Khi ấy thiên hạ có 3 thế lực quân sự là Hàn Tín, Lưu Bang, Hạng Vũ, thì thế lực của Hàn Tín là mạnh nhất. Hàn Tín có cơ hội thống nhất thiên hạ khi đó chứ không phải chờ đến lúc Lưu Bang xưng đế.
Thêm nữa, Hạng Vũ từng phái Vũ Thiệp đến gặp Hàn Tín. Vũ Thiệp phân tích rõ bản chất con người của Lưu Bang, chỉ ra lòng tham không đáy, hành động bội nghĩa, trở mặt vô tình và lấy oán báo ân của ông ta; loại người không giảng tín nghĩa, tráo trở lật lọng thất thường như vậy, Tín sao có thể dựa dẫm được đây?
Thiệp nói thêm rằng, Lưu Bang hiện nay sở dĩ chưa trở mặt với Tín, là vì muốn mượn Tín đối phó Hạng vương. Một khi Hạng vương bị tiêu diệt rồi, người kế tiếp sẽ đến lượt Tín. Người thông minh tài giỏi như Tín lẽ nào muốn đem sức phục vụ Hán vương để rồi rước hoạ vào thân sao? Vũ Thiệp đã dùng hết lời lẽ sắc bén, lập luận sắc sảo để phân tích cục diện.
Hàn Tín trả lời: “Hán vương đối với tôi rất tốt. Nếu tôi phản bội Hán vương thì đây là chuyện không mấy tốt đẹp. Năm xưa khi tôi ở dưới trướng Hạng Vũ giữ chức ‘chấp kích lang trung’, tôi đưa ra chủ ý nào Hạng vương cũng không nghe, đưa ra kế nào Hạng vương cũng không dùng, cho nên tôi mới đến đầu quân cho Hán vương.
Hán vương đối với tôi ‘lời nghe, kế dùng’, cấp cho tôi ấn đại tướng quân. Hán vương còn cởi áo ông cho tôi mặc, đưa cơm cho tôi ăn. Với ân lớn như thế, tôi sẽ không phản bội Hán vương. Vậy nên ông hãy chuyển lời này của tôi đến Hạng vương”. Vũ Thiệp bèn rời đi.
Bằng chứng thứ hai cũng là một đoạn đối thoại. Sau khi Vũ Thiệp rời đi, mưu sĩ của Hàn Tín là Khoái Triệt cũng khuyên ông mưu phản.
Khoái Triệt nói vơi Hàn Tín: “Tôi biết xem tướng. Tôi thấy một người nào thì sẽ biết tình huống tương lai của người đó. Tôi thấy ‘tướng mặt’ của ngài nhiều nhất chỉ được tước hầu, nhưng ‘tướng lưng’ của ngài thì phú quý không nói thành lời”. Ý Khoái Triệt nói ở đây là: nếu Hàn Tín ‘quay lưng’ tức phản bội Lưu Bang, thì ông ấy mới có được phú quý tột cùng như thế.
Hàn Tín đóng giả mơ hồ, vờ như không thấy, Khoái Triệt lại tiến một bước để phân tích cho Hàn Tín, ông nói: “Hiện tại tướng quân đang có 2 vấn đề nghiêm trọng. Một là ‘mưu lược át chủ’, hai là ‘công trùm thiên hạ’. Sự dũng cảm và mưu lược của tướng quân khiến Lưu Bang sợ hãi, công lao tướng quân quá lớn. Ngài hạ một thành, Hoàng đế phong cho ngài một thành; ngài hạ một quận, Hoàng đế phong cho ngài quận. Khi thiên hạ một tay ngài lấy, thì Hoàng đế lấy gì phong cho ngài? Người ‘công trùm thiên hạ’ không được thưởng, người ‘mưu lược át chủ’ ắt gặp nguy. Cho nên hoàn cảnh của ngài vô cùng nguy hiểm”.
Hàn Tín nói: “Hán vương đưa xe cho ta ngồi, đưa y phục cho ta mặc, đưa cơm cho ta ăn. Ta nghe nói, ngồi xe người khác phải gánh vác hoạn nạn của người, mặc y phục của người khác chính là coi vấn đề người khác như là của mình, ăn cơm người khác thì phải tận trung đến chết. Vậy nên ta không thể phản bội Hán vương”.
Khoái Triệt nói: “Tôi muốn nói 2 việc. Năm xưa Văn Chủng giúp Câu Tiễn xưng bá tiêu diệt Phù Sai, kết quả bị Câu Tiễn giết hại. Trần Dư với Trương Nhĩ năm ấy là ‘bạn bè keo sơn, không thể tách rời’ (2), sẵn sàng chết vì nhau. Kết quả sau trận chiến Cự Lộc ‘từ bạn thành thù’, hai bên chỉ muốn đối phương chết cho khuất mắt. Tướng quân thử nghĩ xem, từ góc độ bạn bè, ngài với Hán vương không bằng Trần Dư với Trương Nhĩ; từ góc độ tín nhiệm quân – thần, ngài không bằng Câu Tiễn với Văn Chủng. Thêm vào đó ngài ‘mưu lược át chủ, công trùm thiên hạ’, kết cục của ngài sẽ không tốt”.
Hàn Tín nói: “Vậy để ta nghĩ đã”. Khoái Triệt thấy gấp gáp nên nói với Hàn Tín rằng: “Công, khó thành mà dễ bại; thời, khó được mà dễ mất. Thời cơ hễ mất sẽ không có lại”. Nhưng Hàn Tín quyết không phản Hán. Khoái Triệt nghĩ mình khuyên Hàn Tín phản bội, sau này ngài lại nói mình khuyên ông làm vậy thì làm thế nào; do đó Khoái Triệt bèn giả điên rồi chạy đi mất.
Bằng chứng thứ ba là cuộc nói chuyện với Lưu Bang sau khi Hàn Tín bị giáng xuống chức Hoài Âm Hầu.
Có một lần Lưu Bang hỏi Hàn Tín: “Ngươi xem người như ta có thể lãnh được bao nhiêu binh mã?”. Hàn Tín đáp: “Bệ hạ có thể lãnh được tối đa 10 vạn”. Lưu Bang hỏi tiếp: “Thế ngươi lãnh được bao nhiêu?”. Hàn Tín nói: “Thần lãnh càng nhiều càng tốt”.
Lưu Bang cười hỏi: “Năng lực cầm binh của ngươi lớn hơn ta, tại sao ngươi lại làm thuộc hạ của ta?”. Lúc này Hàn Tín mới trả lời từ tận đáy lòng: “Tuy bệ hạ không giỏi dùng binh, nhưng bệ hạ giỏi dùng tướng, đây là lý do vì sao thần làm thuộc hạ của ngài. Hơn nữa vị trí của bệ hạ không thể dựa vào sức người mà có được, mà chính là Trời ban”.
Hàn Tín tin vào Thiên mệnh, ông cho rằng Lưu Bang là ‘chân mệnh thiên tử’, cho nên đây là một chứng cứ nói rõ rằng Hàn Tín không có ý mưu phản.
Năm 196 TCN, quốc vương nước Đại là Trần Hy tạo phản, Lưu Bang lãnh binh đánh Trần Hy. Lưu Bang đi, vợ của ông là Lã Hậu bảo Tiêu Hà tìm Hàn Tín.
Tiêu Hà nói với Hàn Tín rằng: “Hoàng thượng đánh thắng Trần Hy trở về rồi, quần thần đều đến cung Trường Lạc để chúc mừng ngài”. Hàn Tín thấy không khoẻ nhưng nể Tiêu Hà trước đây tiến cử mình nên ông đi cùng Tiêu Hà đến cung Trường Lạc. Vừa đến nơi, Hàn Tín bị võ sĩ bắt lại, Lã Hậu cho rằng ông muốn hại bà và thái tử nên khép vào tội mưu phản. Võ sĩ giải ông đến chỗ để chuông (chung thất) trong cung Trường Lạc xử tử. Sau đó ông bị tru di tam tộc.
Cuộc đời người anh hùng ‘một tay lấy thiên hạ cho Hán thất’ đã kết thúc như vậy đó…
Hàn Tín có tuổi thơ cơ cực, nghèo khó đến độ không có cơm ăn nhưng trong lòng vẫn ôm chí lớn, chịu nhục chui háng nhưng mặt vẫn không tức giận, khi bị oan phải đến đoạn đầu đài thì mặt vẫn không biến sắc, vẫn bình tĩnh hét to lên rằng: “Thượng cấp của ông (Bái công Lưu Bang) chẳng phải muốn đoạt thiên hạ ư? Tại sao lại chém đầu tráng sĩ?”. Ông có chí hướng cao xa và sự bình tĩnh hơn người. Mà sự bình tĩnh lại là một phẩm chất cần có của vị tướng giỏi.
Hàn Tín còn là người trọng ân nghĩa và có tấm lòng thoáng đãng. Sau khi được phong Sở vương ‘áo gấm về làng’, ông đem nghìn vàng trả ơn Phiếu mẫu, trả tiền cơm cho ‘hạ hương đình trưởng’. Ơn của Lưu Bang ông đã trả bằng cách lấy thiên hạ cho Hán thất. Còn kẻ vô lại năm xưa khiến ông chịu nhục chui háng, ông không những không trừng phạt mà còn phong cho kẻ ấy chức ‘trung uý’ phụ trách trị an kinh thành. Đây gọi là ‘lấy đức báo oán’.
Còn về tài dụng binh đã nói ở những phần trước, trong phần này chỉ nói thêm một điểm rất khác trong tài năng quân sự của ông. Trong những trận đánh của Hàn Tín, chúng ta rất ít thấy ông dùng gián điệp để khiến cho tướng hoặc phó tướng của đối phương chết oan, mà ông chỉ dùng trận pháp (bày trận tựa sông trận Tỉnh Hình), diệu kế hay (thùng gỗ vượt sông đánh Nguỵ, chặt cờ quân Triệu) ‘tâm lý chiến’ (trận Tỉnh Hình, hù hoạ nước Yên) để đánh bại đối thủ, tức là giành chiến thắng một cách thuyết phục. Như lời của Tiêu Hà, Hàn Tín đúng là ‘quốc sĩ vô song’.
Với ý chí, đạo đức và tài dụng binh như vậy, nên nỗi oan của ông thật khiến cho hậu thế thương tiếc khôn nguôi…
Mạn Vũ