Khi Hàn Tín đông tiến giành thắng lợi liên tiếp, thì Lưu Bang đang ở thế giằng co với Hạng Vũ ở Huỳnh Dương và Thành Cao. Trong khoảng thời gian đó Lưu Bang lâm vào cảnh thập tử nhất sinh. Hán vương đành phải dẫn người chạy khỏi chiến địa, nhưng ông không về Quan Trung và chạy thẳng đến… đại doanh của Hàn Tín.
Lưu Bang đến nơi Hàn Tín đóng quân là Tu Vũ. Lúc này Hàn Tín đang ngủ trong đại doanh, Lưu Bang chạy vào đại trướng rồi cướp lấy ấn đại tướng quân của Hàn Tín.
Thời Hán rất coi trọng ấn tín, binh lính nhận ấn chứ không nhận người. Sau khi Lưu Bang lấy được ấn tín, lệnh cho Tín tấn công nước Tề.
Với số quân của Hàn Tín, Lưu Bang vẫn chưa biết phải làm gì tiếp theo theo thì Lệ Thực Kỳ đã đưa ra 2 chủ ý như sau:
“Thứ nhất, ngài không được bỏ Huỳnh Dương và Thành Cao bởi vì 2 nơi đó là con đường huyết mạch để vào Quan Trung, cho nên tuyệt đối không để mất.
Thứ hai là phải thuyết phục nước Tề đầu hàng. Thần nguyện đem 3 tấc lưỡi để làm sự việc này”.
Lưu Bang nghe xong kiến nghị của Lệ Thực Kỳ bèn phái ông đến nước Tề thuyết phục Tề vương Điền Quảng đầu hàng, còn mình thì dẫn binh về Huỳnh Dương và Thành Cao.
Điền Quảng vốn dĩ chuẩn bị đầu hàng nhưng nghe tin Hàn Tín chuẩn bị tấn công đất Tề theo lệnh của Lưu Bang, thế là Tề vương chạy trốn đến Sở cầu cứu.
Tây Sở Bá Vương đang trong thế giằng co ở Huỳnh Dương và Thành Cao với Lưu Bang nên không tự thân chinh, ông đành phái đại tướng quân Long Thư đến cứu Tề.
Hàn Tín và Long Thư gặp nhau ở đất Cao Mật. Lúc này mưu sĩ dưới trướng của Long Thư phân tích rằng: “Hiện nay Hàn Tín di chuyển ngàn dặm để tấn công chúng ta nên ông ấy muốn đánh nhanh thắng nhanh. Ngài không cần phải đánh Hàn Tín mà hãy đắp luỹ ngăn ông ấy lại. Tại sao?
Tại vì nước Tề là đất không ổn định, bách tính nơi đây còn chưa quy phục nên dễ tạo phản. Ngài hãy đem thân tín của Điền Quảng trở lại nước Tề, loan báo rằng Điền Quảng sẽ mau chóng quay lại, như thế sẽ cổ vũ người dân ở các nơi trên đất Tề tạo phản. Lúc này Hàn Tín: phía trước không đánh được ngài, phía sau có phản loạn khắp nơi. Như thế Tín sẽ tự rơi vào tử địa”.
Kết quả Long Thư nói: “Không cần đâu. Ta rất hiểu con người của Hàn Tín vì trước đây hắn làm ‘chấp kích lang trung’ dưới trướng Tây Sở Bá Vương – Hạng Vũ. Tín chẳng qua chỉ là kẻ sống nhờ bố thí của bà lão giặt đồ thuê, chui qua háng người khác.
Hắn rất yếu nhược, cho nên người như hắn ta chỉ cần đánh một chập là hạ được ngay, không có gì phải sợ.
Huống chi hiện nay ta cứu viện nước Tề, nếu không đánh một trận mà chỉ chờ quân Hán chủ động đầu hàng, thì ta còn có công trạng gì nữa. Nếu đánh bại được Hàn Tín, thì một nửa nước Tề chính là thuộc về ta”.
Do đó Long Thư quyết một trận sống mái với Hàn Tín.
Khi đó ở giữa quân đội hai bên có một dòng sông gọi là Duy thuỷ. Hàn Tín thấy Long Thư đem quân tới đánh, ông nhanh chóng lệnh cho binh sĩ lên thượng nguồn dùng bao cát chặn sông lại, như thế nước sông sẽ càng ngày càng cạn và lộ ra lòng sông.
Hàn Tín lệnh cho quân đội vượt sông đánh Sở. Quân của Hàn Tín bắt đầu giao tranh với quân Sở. Giằng co một lúc, Hàn Tín ra lệnh rút quân coi như vờ thất bại. Quân nước Sở đuổi theo quân Hàn Tín.
Lúc này quân Sở xem như được chia làm 3 phần, một phần qua được sông, phần ở giữa lòng sông và phần chưa qua sông. Hàn Tín lệnh cho binh sĩ lập tức dỡ bao cát. Kết quả hồng thuỷ lập tức cuốn trôi phần quân Sở ở lòng sông. Phần quân Sở qua được sông bị quân Hàn Tín tiêu diệt, phần chưa qua sông thì bỏ chạy tán loạn. 20 vạn quân Sở bị Hàn Tín bình định trên đất Tề.
Hàn Tín dụng binh quả thực xuất quỷ nhập thần!
***
Hàn Tín đã bình định được nước Tề. Khi ấy nơi chiến địa Huỳnh Dương và Thành Cao, Hạng Vũ nhận phải thất bại đành phải cầu hoà với Lưu Bang vào tháng 10/203 TCN. Lưu Bang và Hạng Vũ lấy Hồng Câu làm giao giới, từ Hồng Câu trở về tây là thuộc Sở, từ Hồng Câu về đông là thuộc Hán.
Sau khi giao ước xong, Trương Lương nói Lưu Bang chấp nhận giảng hoà với Hạng Vũ chính là ‘nuôi hổ ắt lưu lại hậu hoạ’. Lưu Bang đem quân truy đuổi Hạng Vũ nhưng bị Hạng Vũ đánh bại. Lúc này ông lại hỏi Trương Lương phải làm sao? Trương Lương nói: lấy vùng đất từ Thư Dương đến Cốc Thành phong thưởng cho Bành Việt, từ Cổ Thành đến Đại Hải phong cho Hàn Tín. Dưới tình huống như vậy, Hạng Vũ bị bao vây ở Cai Hạ.
Hàn Tín lúc này dụng binh ở đây. Rốt cuộc Hàn Tín dụng binh như thế nào và kết cục của Hạng Vũ ra sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: Tứ diện Sở ca.
Mạn Vũ