Hàn Tín (năm 230 TCN – 196 TCN), là một danh tướng khai quốc thời Tây Hán, cùng với Tiêu Hà, Trương Lương ông vừa là một trong Hán sơ Tam Kiệt, lại cùng với Bành Việt, Anh Bố trở thành 3 danh tướng lừng lẫy một thời. Ông cũng là một tướng quân tài năng, được người dân thời Hán Sở đánh giá là “quốc sĩ vô song”, “công lao cao cả, mưu lược tài ba”. Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín được biết đến tài năng quân sự tuyệt vời, hậu thế đánh giá ông là “bàn về binh pháp thì Tôn Vũ là số một, nói về dùng binh thì không ai qua được Hàn Tín”. Ông cũng được gọi là “binh tiên, chiến thần”.
Đất nước Trung Hoa có một nền lịch sử rộng lớn lâu dài, và có vô số nhân vật phong lưu cũng như nhiều câu chuyện đặc sắc. Các thành ngữ là bức chân dung cô đọng nhất về những nhân vật và câu chuyện đó. Trong số nhiều nhân vật lịch sử, những thành ngữ điển cố về danh tướng khai quốc nhà Hán, Hàn Tín, có lẽ là nhiều nhất. Hàng tá những điển cố như “chịu nhục chui háng”, “độc lập một phương”, “càng nhiều càng tốt”… đều xuất phát từ những câu chuyện về ông.
Chịu nhục chui háng
Liên quan đến câu chuyện “Chịu nhục chui háng”, Tư Mã Thiên có ghi chép lại một cách tỉ mỉ trong “Sử ký – Hoài Âm hầu liệt truyện”: Trong số những người hàng thịt ở Hoài Âm, có một người trẻ tuổi trêu Tín nói: “Mày tuy cao lớn lại thích mang đao kiếm, nhưng trong lòng thì nhát thôi”. Y làm nhục Tín trước mặt mọi người: “Tín! Mày dám chết thì hãy đâm tao, nếu không dám chết thì luồn dưới háng tao đây. Thế là Tín nhìn người kia đăm đăm, cúi xuống bò qua háng. Cả chợ đều cười Tín là nhát gan”. Trong lịch sử gọi là tích “chịu nhục chui háng”.
Hàn Tín từ chỗ chịu nỗi nhục chui háng đến được tôn vinh thành đại tướng quân, soái lĩnh quân đội ám độ Trần Thương, thu phục Quan Trung, đánh bại nước Ngụy, Đại, Triệu, Yên, Tề, cuối cùng là phò Hán diệt Sở. Nếu nói ông hèn nhát khiếp sợ thì thật không hợp lý.
Tô Đông Pha từng viết trong “Lưu Hầu luận”: “Từ xưa tới nay phàm là các anh hùng hào kiệt đều phải trải qua những sự việc khác thường mà người bình thường không thể nhẫn nhịn. Kẻ thất phu bị sỉ nhục sẽ rút kiếm ra đấu, như vậy không phải là dũng cảm. Mà người dũng cảm thực sự sẽ gặp chuyện không hoảng, không tức giận vô cớ, người như vậy có niềm tin càng lớn và hoài bão càng xa.
Người có mục tiêu và hoài bão lớn như Hàn Tín sẽ không vì chuyện nhỏ trước mắt mà hành sự lỗ mãng, đó gọi là “việc nhỏ không nhẫn sẽ làm hỏng chuyện lớn”. Có thể thấy Hàn Tín là một người có sức nhẫn nhịn tuyệt vời, một người có thể kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân một cách xuất sắc.
Cậu đồ tể được phong trung quan
Sau khi nhà Tây Hán thành lập, Hàn Tín được phong làm “Sở Vương”, đóng đô ở Hạ Bi, quê hương Hoài Âm cũng thuộc quyền cai quản của ông. Chàng trai nghèo từng lang thang trên đường phố ngày nào, giờ đã trở thành đại vương hầu cai quản một phương. Hàn Tín vinh quy trở về, tất nhiên là muốn cảm tạ người có ơn với mình. Sau khi đến đất phong, Hàn Tín trực tiếp tặng nghìn lượng vàng cho bà lão thường xuyên giúp đỡ ông ngày trước.
Còn con trai người đồ tể đã sỉ nhục Hàn Tín trước đây, trong “Tư trị thông giám” ghi chép lại thế này: Thay vì trách tội tên đồ tể, Hàn Tín đã triệu hắn vào hoàng cung, cho làm hộ vệ. Hàn Tín nói về lý do quyết định: “Đây là một tráng sĩ. Khi hắn sỉ nhục ta, lẽ nào ta không thể giết hắn? Nhưng giết rồi cũng chẳng có ý nghĩa gì, cho nên ta đã nhẫn nhịn nỗi nhục trong chốc lát đó để đạt được thành công như ngày hôm nay”.
Người đời đều hết lời ca tụng cách làm này của ông.
Công cao lấn chủ, chim hết cất cung
Hàn Tín có tài học thần thông, lại có sức mạnh cũng như uy danh khắp thiên hạ, nhưng tuyệt nhiên không chút dã tâm mưu cầu danh lợi. Khi cục diện Sở Hán tranh hùng rơi vào bế tắc, có người khuyên Hàn Tín: “Công lao của ông quá nhiều, sau này hoàng đế khó tránh khỏi sẽ nghi ngờ đố kỵ, chi bằng tự mình xưng vương, cùng chia thiên hạ”. Nhưng Hàn Tín lại vì ơn tri ngộ của Lưu Bang mà quyết không phản bội Hán.
Lưu Bang đăng cơ, sau đó để làm suy yếu thế lực của Hàn Tín đã phong cho Hàn Tín bấy giờ đang là “Tề Vương” thành “Sở Vương”. Sau đó lại nhân cơ hội có kẻ vu cáo “Hàn Tín” mưu phản, giáng ông làm “Hoài Âm Hầu”. Không đầy mấy tháng sau, Lã hậu lại mượn cớ “mưu phản” dụ Hàn Tín vào cung Trường Lạc và giết chết ông. Lưu Bang có được thiên hạ năm 202 TCN, Hàn Tín bỏ mạng năm 196 TCN. Trước khi chết ông tự bi ai cảm thán: “Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vứt bỏ; nước địch phá xong, mưu thần bị giết”. Khi đó, Hàn Tín mới 33 tuổi.
Hoài bão của Hàn Tín là bình định thiên hạ, chiến đấu vì hạnh phúc ấm no của người dân trên thế giới mà không cần biết ai sẽ làm chủ đất trời. Lựa chọn của ông đã khiến cho chữ “Tín” trong tên của ông vượt xa khỏi cảnh giới của sự được mất cá nhân, sống hay chết đều nhẹ tựa lông hồng, chỉ có tín nghĩa mới thật quan trọng.
Theo Sound Of Hope – Quỳnh Chi biên dịch