Một câu chuyện giản đơn cũng đủ giúp con người có được bài học sâu xa về cuộc sống. Muôn vàn cuộc đời có muôn vàn câu chuyện, mỗi kinh nghiệm khác nhau sẽ có những trải nghiệm khác nhau. Đọc những câu chuyện ngắn này đôi khi lại khiến người ta hiểu được cuộc sống từ những khía cạnh khác.
Câu chuyện thứ nhất: Tiến sỹ
Có một vị tiến sỹ được phân vào một viện nghiên cứu, anh là người có học vị cao nhất ở đây.
Một ngày nọ, anh ra ao nhỏ đằng sau viện để câu cá, ông giám đốc và phó giám đốc người bên phải bên trái, cũng đang câu cá. Anh chỉ gật đầu mỉm cười, cả hai đều chưa tốt nghiệp đại học, có gì hay để mà nói chuyện cùng? Một lúc sau, vị giám đốc bỏ cần câu xuống, giãn gân cốt một chút, từ từ đi trên mặt nước như bay đến nhà vệ sinh đối diện. Tiến sĩ mắt mở kinh ngạc: Bay trên nước ư? Không thể nào? Nhưng đây là cái ao mà? Lúc đó vị giám đốc cũng từ nhà vệ sinh quay trở lại, cũng y như lúc trước từ từ đi trên mặt trước trở về. Chuyện này là thế nào? Vị tiến sỹ rất ngại đi hỏi, bản thân dù sao cũng là tiến sỹ cơ mà!
Sau một lúc, người phó giám đốc đứng dậy, bước vài bước, từ từ bay qua mặt nước đi đến nhà vệ sinh. Lần này thì vị tiến sỹ thiếu chút nữa là té xỉu: Không thể nào, mình đã tới nơi hội tụ các cao thủ giang hồ sao?
Vị tiến sỹ lúc này rất cần đi vệ sinh. Hai mặt quanh hồ đều tường bao quanh, muốn đến nhà vệ sinh đối diện chẳng phải đi vòng qua đường khoảng mười phút, mà đi về đơn vị lại quá xa, làm thế nào bây giờ? Vị tiến sỹ cũng không muốn hỏi hai giám đốc, nhịn tới cả nửa ngày, cuối cùng anh cũng nhấc người lên bước qua chỗ nước: tôi không tin rằng người chưa tốt nghiệp đại học có thể đi trên nước , mà tiến sĩ như tôi không qua được. Chỉ nghe thấy một tiếng ầm vang lên, vị tiến sỹ bị rơi xuống nước.
Hai giám đốc kéo anh lên và hỏi anh ta tại sao muốn xuống nước, anh hỏi: “Tại sao các anh có thể đi qua?” Hai giám đốc nhìn nhau cười: “Trong ao này có xếp hai hàng cọc gỗ nhỏ, do hai ngày mưa nước ngập che đi. Chúng tôi đều biết chỗ của cọc gỗ nên có thể bước lên cọc mà đi. Tại sao cậu không hỏi chúng tôi một tiếng?”
Bằng cấp học vị thể hiện quá khứ, chỉ có năng lực học hỏi mới thể hiện tương lai. Tôn trọng người có kinh nghiệm mới có thể tránh đi đường vòng. Một nhóm tốt cũng cần phải là một nhóm biết học hỏi.
Câu chuyện thứ hai: Tấm lòng nhân ái
Có một ông già cô đơn, không có con, và ốm yếu, ông quyết định chuyển đến bệnh viễn dưỡng lão. Ông lão rao bán ngôi nhà đẹp của mình. Người mua đổ xô tới hỏi tin. Giá khởi điểm cho ngôi nhà £80.000, nhưng mọi người nhanh chóng tranh nhau hỏi với mức £100.000. Giá ngôi nhà vẫn tiếp tục tăng lên. Ông già vô cùng buồn bã khi sắp mất ngôi nhà, ông luôn u sầu. Nếu không phải do tình hình sức khỏe yếu, ông sẽ không bán đi ngôi nhà đã cùng ông đi qua nửa đời người.
Một chàng thanh niên ăn vận đơn giản tới trước mặt ông lão, cúi xuống và thì thầm: “Thưa ông, tôi cũng muốn mua ngôi nhà này, nhưng tôi chỉ có £10.000. Nhưng, nếu ông bán cho tôi ngôi nhà, tôi hứa sẽ vẫn để ông sống trong ngôi nhà như trước, và tôi sẽ cùng ông uống trà, đọc báo, đi bộ mỗi ngày, ngày ngày đều vui vẻ hạnh phúc – Hãy tin tôi, tôi sẽ chăm sóc ông với tất cả tấm lòng!” Ông già gật đầu và mỉm cười, và bán ngôi nhà với giá £10.000 cho anh.
Để biến ước mơ thành sự thật bạn không nhất thiết phải lạnh lùng, tranh đoạt, trí trá, đôi khi chỉ cần bạn có một trái tim biết yêu thương là đủ.
Câu chuyện thứ ba: Sự lựa chọn
Một nông dân cứu vợ thoát khỏi cơn lũ, con trai ông thì bị chết đuối. Sau đó, mọi người bình luận không ngớt. Tôi nghe mọi người bàn luận, cũng bối rối khó phân định: Nếu bạn chỉ có thể cứu một người, rốt cục phải cứu vợ hay con trai?
Vì vậy, tôi đã đi đến thăm người đàn ông và hỏi ông lúc đó ông nghĩ thế nào. Ông trả lời: “Tôi không nghĩ gì cả. Cơn lũ ập tới, vợ tôi đang ở cạnh, tôi giữ cô ấy và bơi về phía ngọn núi gần đó. Con trai thì đã bị cơn lũ cuốn trôi rồi.”
Trên đường về nhà, tôi nghĩ mãi về những lời của người nông dân, và tự nói với mình: Cái gọi là sự lựa chọn của cuộc sống nhiều khi đã là định sẵn như vậy.
Câu chuyện thứ tư: Cho đi
Có một người thợ mộc già đã sẵn sàng nghỉ hưu, ông nói với sếp rằng ông muốn rời bỏ nghề, về nhà với vợ và các con hưởng niềm vui bên gia đình. Ông chủ tiếc người thợ giỏi và nhờ người thợ giúp xây dựng một ngôi nhà, người thợ mộc già đã đồng ý. Nhưng sau đó mọi người đều nhận thấy người thợ không còn đặt tâm vào công việc nữa, ông sử dụng vật liệu kém, làm cũng chỉ thô sơ. Khi ngôi nhà được xây xong, ông chủ trao cho người thợ chìa khóa nhà. “Đây là ngôi nhà của ông”, người chủ nói, “Tôi tặng ông món quà này.” Ông thợ kinh ngạc tròn mắt há mồm, xấu hổ muốn độn thổ. Nếu ông biết sớm, đây là ngôi nhà xây cho mình, làm sao ông để như thế này chứ? Bây giờ ông phải sống trong một ngôi nhà được xây cất ẩu thả!
Chúng ta có phải từng như thế không. Chúng thờ ơ ‘kiến tạo’ cuộc sống của mình, không hành động tích cực mà lại ứng phó tiêu cực, luôn không muốn làm cho tốt hơn nữa, tới thời khắc quan trọng lại không thể nỗ lực hết sức mình. Đợi tới khi chúng ta giật mình nhận ra rằng tình cảnh của mình, thì từ lâu đã bị mắc kẹt trong ‘ngôi nhà’ do chính mình xây. Ví như bạn là người thợ mộc, hãy tưởng tượng về ngôi nhà của bạn, mỗi ngày bạn đóng một cái đinh, thêm một miếng ván, hoặc dựng lên một bức tường, hãy dùng trí huệ của bạn để làm chúng cho thật tốt! Cuộc sống của bạn chỉ có thể do bạn sáng tạo nên, không thể san bằng đi xây lại, ngay cả khi chỉ có một ngày để sống, ngày hôm đó cũng cần sống sao cho đẹp, cho cao quý, hãy nhớ: “Cuộc sống do tự bạn sáng tạo.”
Câu chuyện thứ năm: Cửa sổ
Có một cụ bà luôn phàn nàn cụ bà ở đối diện rất lười biếng: “Quần áo của bà ý không bao giờ giặt sạch, nhìn xem, quần áo của bà ấy phơi trong sân, luôn có những đốm, tôi thực sự không hiểu tới cả giặt quần áo mà có thể giặt như thế. “
Cho đến một ngày, có một người bạn sáng suốt đến nhà bà, mới phát hiện ra không phải là cụ bà đối diện giặt quần áo không sạch. Người bạn cẩn thận lấy một mảnh vải, lau những vết tro bụi bẩn trên cửa sổ của cụ bà, rồi nói: “Hãy nhìn xem, không phải giờ nó sạch rồi sao”?
Hóa ra các cửa sổ nhà của bà cụ bị bẩn.
Câu chuyện thứ sáu: Tự nhắc nhở bản thân
Có một cụ bà ngồi nhìn vào bên lề đường không xa một bức tường cao, luôn luôn cảm thấy rằng nó sẽ sớm sập, thấy ai tới gần bức tường, bà đều thiện ý nhắc nhở: “Bức tường sắp sập, nhớ tránh xa một chút”. Người được nhắc nhở không hiểu bà vì không thấy có biển báo gì nên cứ thế bước qua – bức tường không sập.
Bà lão bực bội: “Sao lại không nghe lời ta?” Một số người đến, bà già lại khuyến cáo. Ba ngày sau, nhiều người đi ngang qua bức tường, và không gặp phải nguy hiểm. Ngày thứ tư, bà già cảm thấy có gì đó kỳ lạ, và có chút thất vọng, vô tình đi tới chỗ bức tường để xem xét kỹ, nhưng vào đúng lúc đó, bức tường sập xuống, bà già vùi lấp trong đống bụi đất và gạch.
Nhắc nhở người khác thường rất dễ dàng, rất tỉnh táo, nhưng có thể làm được luôn luôn thanh tỉnh nhắc nhở bản thân lại rất khó. Vì vậy mới nói, nguy hiểm nhiều khi do chính bản thân mình gây ra.
Câu chuyện thứ bảy: Quả táo bên sông
Một hôm, một vị sư già yêu cầu các môn đệ mỗi người lên núi mang một gánh củi về. Các đệ tử vội vàng làm theo, trên đường gánh củi về đến một con sông cách núi không xa, tất cả đều kinh ngạc. Chỉ thấy cơn lũ từ trên núi tràn xuống, dù thế nào cũng không thể gánh củi qua sông. Ra về tay không, các đệ tử đều có chút ủ rũ. Duy chỉ có một tiểu hòa thượng khá thản nhiên. Vị sư già hỏi tại sao, tiểu hòa thường bèn lấy ra một quả táo từ trong ngực, và đưa cho ông rồi nói, không qua được sông, không gánh được củi, thấy bên sông có cây táo, con tiện tay hái quả táo chín duy nhất trên cây. Sau đó, vị tiểu hòa thường này được vị sư già chọn để truyền đạo.
Trên đời có những con đường không đi được hết, có những con sông không sang được. Không qua được sông, có thể quay đầu trở về cũng là một loại trí tuệ. Nhưng trí huệ thật sự không phải là làm gì ở bên sông: hãy để tư tưởng bay như con diều, giống như việc hái xuống một quả táo. Từ xưa tới nay, người giữ vững niềm tin như vậy đều cuối cùng đạt được sự đột phá và siêu việt trong cuộc sống.
Câu chuyện thứ tám: Đạo lý đơn giản
Ngày xưa, có hai người sắp chết đói được một vị trưởng giả đi ngang qua ban ân, cấp cho một cần câu cá và một cái sọt to đầy cá tươi. Bọn họ một người muốn có sọt cá, người kia muốn có cần câu, vì vậy họ chia tay nhau mỗi người một ngả. Người chọn sọt cá ngay tại chỗ dùng củi khô để đốt lửa và nấu cá. Anh ta ăn hết sọt cá, rồi không biết làm gì, đến mấy ngày sau lại chịu đói chịu khổ, một thời gian sau thì qua đời. Người kia thì cầm cần câu tiếp tục chịu đói, từng bước gian nan đi về phía biển, nhưng sau nhiều ngày, khi nhìn thấy đại dương xanh cách đó không xa, chút sức lực cuối cùng của anh đã cạn, anh ta chỉ có thể nheo mắt mang theo tiếc nuối mà từ giã nhân thế.
Nếu họ không đường ai nấy đi, mà bàn bạc và cùng nhau đi tìm đại dương, thì họ đã có thể từ những điều đơn giản mà có cuộc sống tạm ổn bên bờ biển.
Một người chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, cuối cùng sẽ chỉ nhận được niềm vui ngắn ngủi. Còn người có mục tiêu cao xa vẫn phải đối mặt với thực tế của cuộc sống. Chỉ có kết hợp lý tưởng với thực tế, mới có thể trở thành người thành công. Đôi khi, một đạo lý đơn giản cũng đủ tạo cảm hứng cho cuộc sống ý nghĩa.
Câu chuyện thứ chín: Tay phải nắm tay trái
Phụ nữ giống như tay trái, đàn ông giống như tay phải. Có câu: nắm tay vợ như thể tay phải nắm tay trái. Vì sao vậy? Đầu tiên, tay trái được tay phải tin cậy nhất. Thứ hai, cả tay trái và tay phải đều là của mình. Thứ ba, bỏ tay trái đi thì bạn sẽ không lành lặn, chẳng phải thế sao? Đàn ông đương nhiên phải có cách nghĩ của họ, nhưng nhất định cần phải cân nhắc tới “tay trái” của bản thân mình.
Minh Nguyệt