Phương Dung, Quốc Huy cùng học lớp 11đã nghiên cứu ra loại giấy có thể phát hiện hàn the, formol, urê có trong thực phẩm bẩn. Sản phẩm này đã giành giải nhì Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.
Nguyên liệu đơn giản, dễ tìm
Phương Dung từng chia sẻ ý tưởng về đề tài của mình như sau: “Mình thấy báo đài, tivi nói rất nhiều về chuyện thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường. Làm sao để mỗi người chúng ta đều có thể tự kiểm tra thực phẩm ăn hằng ngày có chất bảo quản hay không một cách đơn giản nhất? Đó là câu hỏi mà đề tài nghiên cứu của chúng mình hướng tới”
Huy và Dung phát hiện trong củ nghệ tươi có một thành phần hóa học gọi là curcumin. Chất này khi gặp hàn the sẽ chuyển từ màu vàng sang đỏ. Dựa vào nguyên lý đó, hai bạn bắt đầu chế biến giấy thử hàn the từ nghệ tươi bằng cách rất đơn giản. Ban đầu củ nghệ được gọt sạch vỏ, giã nhuyễn rồi đem pha với dung dịch cồn 96 độ. Tiếp đó dùng giấy lọc ngâm vào trong hỗn hợp trên khoảng vài phút rồi lấy giấy ra, dùng máy sấy khô.
Huy giải thích về quy trình: “Phải sử dụng giấy lọc bởi giấy thông thường đã pha chất tẩy trắng nên không thể đảm bảo độ chính xác khi đem thử. Giấy thử cũng chỉ dùng máy sấy tóc để sấy khô chứ không được phơi nắng vì như vậy bề mặt giấy sẽ bị loang lổ do độ ẩm”
Đặt lên bàn hai đĩa nem chả, Quốc Huy nói rằng những sản phẩm này là thực phẩm bẩn vì người làm đã cho chất hàn the vào bên trong. Nói rồi Huy dùng hai tấm giấy thử cho dính vào hai phần nem chả. Khoảng 30 giây sau, cả hai tờ giấy thử đều từ màu vàng của bột nghệ chuyển dần sang màu đỏ.
Trong quá trình nghiên cứu, Dung và Huy còn phát hiện ngoài hàn the, giấy thử còn có thể đổi màu với urê và formol có trong thịt, cá bẩn. Phương Dung nói rằng thịt, cá được ngâm hóa chất sẽ bảo quản được lâu, nhìn bên ngoài sẽ tươi và bắt mắt. Tuy nhiên, trên thực tế, thịt và cá để lâu ngày sẽ diễn ra quá trình phân hủy bên trong. Quá trình này sản sinh ra amoniac (NH3). Chất này khi tác dụng với curcumin cũng sẽ đổi màu.
Ai cũng có thể làm được
Dung và Huy chia sẻ: “Cá thịt được ngâm hóa chất có thể đánh lừa mắt thường chứ không đánh lừa được giấy thử của tụi mình đâu. Tuy nhiên việc thử trên thịt, cá sẽ mất thời gian hơn so với trên nem chả, khoảng vài phút”.
Với nguyên liệu và cách làm đơn giản như vậy, hai bạn kỳ vọng ai cũng có thể tự làm cho mình những mẩu giấy để thử nhanh chất bẩn có trong thực phẩm thường dùng hằng ngày ở nhà.
Tuy nhiên, không có con đường dẫn đến thành công nào cũng trải đầy hoa hồng. Quốc Huy kể rằng để hoàn thiện sản phẩm giấy thử đạt kết quả chính xác, Huy và Dung thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại như NH3, hàn the, formol trong phòng thí nghiệm.
Huy kể: “Có lần mải nghiên cứu nên ngồi hàng giờ liền trong phòng thí nghiệm để pha chế các chất thử. Vì tiếp xúc quá nhiều với NH3 mà hôm đó mình bị choáng, suýt ngất xỉu”
Giấy phát hiện chất bảo quản trong thực phẩm bẩn là sản phẩm rất thiết thực với đời sống hằng ngày của mọi người. Nếu được sử dụng rộng rãi, các bà nội trợ sẽ có một công cụ vô cùng hữu ích trong việc chọn mua thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe.
Hiện tại, dưới sự giúp đỡ của các thầy cô trong nhà trường, Quốc Huy và Phương Dung đang cố gắng hoàn thiện sản phẩm tốt hơn nữa để đưa ra thị trường.
Trần Phong (TH)