Không để lãng phí ruộng đất, nhiều nông dân ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đã biến những mảnh đất khô cằn thành vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về quê hương năm 1985, ông Nguyễn Quang Tý ở thôn Xuân Áng (xã Thanh Xuân) canh tác hơn một mẫu ruộng nhưng cũng chỉ đủ ăn. Sau này, nhiều người bỏ ruộng hoang, nếu chỉ có gia đình ông cấy thì chuột phá hoại nhiều nên vợ chồng ông Tý đổi ruộng cho những người có đất ngoài đê.
Năm 1998, gia đình ông đổi hết đất trong đồng lấy hơn 1 mẫu ngoài bãi soi xã Thanh Xuân và mua thêm của những hộ không có nhu cầu canh tác ngoài bãi. Lúc đầu, gia đình ông trồng chuối, sắn dây nhưng không hiệu quả.
Năm 2010, ông chuyển sang trồng ổi. Đây là cây trồng chủ lực của xã Thanh Xuân hiện nay. Gia đình ông làm không xuể gần 3 ha ổi, phải thuê 4 người trong làng làm thuê. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng từ cây ổi.
Đầu năm nay, ông Tý đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để cải tạo hơn 1 ha thành bãi khai thác rươi, cáy tự nhiên. Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông thu được tiền triệu từ con cáy. Đến tháng 9 âm lịch, ông sẽ thu hoạch nước rươi đầu tiên.
Ông Tý nói: “Càng làm thì càng say. Nếu cứ trồng ổi sẽ phí đất, trong khi làm rươi, cáy chủ yếu là cải tạo đất cho màu mỡ thêm chứ không làm đất bị mất chất dinh dưỡng”.
Nói đến những nông dân giàu lên từ ruộng đất ở Thanh Hà phải nhắc đến ông Nguyễn Kim Cương ở thôn Cổ Chẩm, xã Việt Hồng. Từ một vùng đất bãi quanh năm chiêm trũng bên bãi soi của xã, năm 2013 ông Cương đã biến 30 ha đất bỏ hoang ở đây thành vựa lúa trù phú. Gia đình ông Cương thuê đất của nhiều hộ trong 5 năm. Lúc đầu để cải tạo ruộng, ông đã vay mượn, đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để đắp bờ, mua 2 máy cày, 3 máy bơm.
Trên cánh đồng 30 ha đó có 25 ha lúa nếp cái hoa vàng và lúa chất lượng cao, 5 ha trồng mít và chuối. Các khâu sản xuất từ làm đất, bơm nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đều được thực hiện bằng máy.
Vụ mùa này, gia đình ông thuê công ty thuốc bảo vệ thực vật phun thuốc trừ sâu bệnh bằng phương tiện bay không người lái với giá 25.000 đồng/sào. Cách làm này giúp tiết kiệm khoảng 70% chi phí so với phun thuốc thủ công.
Mỗi năm, ông Cương canh tác 2 vụ lúa, thu lãi gần 800 triệu đồng. Ông Cương cho biết gia đình rất mong tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ những vùng canh tác tập trung với quy mô lớn để yên tâm sản xuất.
Không chỉ có ông Tý, ông Cương mà nhiều nông dân khác ở Thanh Hà cũng làm giàu từ tích tụ ruộng đất như ông Phạm Công Tới ở xã Hồng Lạc có 15 ha trồng rau màu, ông Nguyễn Công Huy ở xã Việt Hồng với vùng sản xuất lúa tập trung rộng 5 ha…
Thời gian qua, ở Thanh Hà đã xuất hiện nhiều mô hình tích tụ ruộng đất mang lại giá trị kinh tế cao. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, toàn huyện có trên 20 hộ tích tụ từ 1 ha/hộ trở lên, 5 hộ tích tụ từ 5 ha/hộ trở lên, 1 hộ tích tụ 30 ha.
Các hộ dân tích tụ ruộng đất từ diện tích cấy lúa không hiệu quả, vùng trũng, canh tác khó khăn, nơi bỏ hoang… thành các vùng sản xuất rau củ quả tập trung, lúa chất lượng cao… Huyện Thanh Hà khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ thủ tục cho các hộ có nhu cầu tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nông dân áp dụng vào sản xuất.
Minh Nguyệt (Báo Hải Dương)