Từ Bỉnh Nam ở thành Tô Châu và Hà Thư Điền ở Thanh Phổ đều tinh thông y thuật, hai người nổi tiếng một thời. Đương thời, ở Tô Châu có một thương gia họ Lưu, gia đình rất giàu có nhưng lại chỉ có một cậu con trai, thường mắc bệnh thương hàn vào mùa xuân, bệnh tình rất nguy kịch, các bác sĩ bó tay vô sách, nên họ Lưu đã dùng rất nhiều tiền để mời hai vị y sư này khám bệnh cho con trai mình.
Tiên sinh Từ đến trước, khám bệnh rất lâu, cho rằng đó là lưỡng cảm thương hàn, trong công ngoài kích, phát tác cùng lúc, bệnh này vô dược khả cứu. Đúng lúc này, khi ông còn chưa kịp dứt lời, người gác cửa thông báo tiên sinh Hà đã đến, Từ liền lui vào phòng trong.
Sau khi tiên sinh Hà tiến vào, ông khám cho bệnh nhân xong liền nói: “Mặc dù bệnh tình rất nặng, dù làm bác sĩ tôi cũng tuyệt lộ cứu sinh, mạch của hai tay đều ngưng trệ như đã ngừng đập, nhưng dương minh vị mạch vẫn còn, có một tuyến mạch, thì vẫn có một tia hy vọng…”
Ông nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ rằng cách duy nhất có thể làm là dùng thuốc làm ấm người, có lẽ có thể gia tăng khí phổi, hy vọng bệnh nhân có thể đổ mồ hôi một chút, thần trí dần dần thanh tỉnh để thử một kế sách khác. Ông miễn cưỡng kê một đơn thuốc, nói với chủ nhân nhà họ Lưu: “Sau khi uống thuốc, nếu đến giao thời Dần Mão mà ra chút mồ hôi, thì hy vọng có sinh cơ, nếu không thì không thể làm gì được nữa.”
Lúc này tiên sinh Từ đang ngồi một mình trên gác lửng, sai người hầu hỏi thăm đơn thuốc, xem xong thì cười nói: “Đơn thuốc này có thể chữa khỏi bệnh được ư? Nếu thật vậy thì hãy dỡ biển hiệu của tôi đi, tôi cả đời sẽ không đàm luận y đạo nữa.”
Lời này của ông bị bộc nhân lén nghe được, nói với tiên sinh Hà. Hà lại nói với chủ nhân nhà họ Lưu: “Nghe nói Từ tiên sinh cũng ở đây, rất tốt. Dù đêm nay không thể gặp nhau, ngày mai mở đơn thuốc nhất định cần mở cùng nhau, xin hãy giúp tôi giữ ông ấy ở lại.” Thuyền của tiên sinh Hà đậu ở ven sông, nên ông xuống ở dưới thuyền. Từ tiên sinh từ biệt chủ nhân toan về nhà, nhưng Lưu gia cứ nhất định nài ông ở lại bằng được.
Con trai của Lưu gia sau khi uống thuốc, đến canh thứ tư, đã thật sự đổ mồ hôi, thân thể và sắc mặt trở nên an định hơn. Trước bình minh, Hà lại đến tái khám, vui mừng khôn xiết nói: “Mạch chân đã đập rồi, có thể chữa khỏi. Nhưng nhất định phải giữ Từ tiên sinh ở lại thì tôi mới có thể trị bệnh cho công tử, nếu Từ bỏ đi, tôi cũng bỏ đi.” Lưu gật đầu lia lịa.
Khi Từ tiên sinh nghe tin bệnh nhân đã chuyển biến khá hơn, ông cảm thấy xấu hổ, vội vã nói lời tạm biệt. Chủ nhân họ Lưu nói: “Hà tiên sinh từng có lời, nói rằng nếu tiên sinh bỏ về, ông ấy cũng nhất định sẽ bỏ về. Mạng của con trai tôi nằm trong tay tiên sinh, hy vọng tiên sinh thương xót thương xót tôi, dù tôi có tốn hai ngàn lượng bạc mỗi ngày, tôi cũng không keo kiệt.” Từ nghe nói vậy, lặng lẽ gật đầu.
Hà tiên sinh lên bờ nhiều lần trong ngày, chỉ trong vài ngày, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy húp cháo. Vì vậy ông nói với chủ nhà họ Lưu: “Bây giờ công tử đã khỏi bệnh, tôi muốn về. Từ tiên sinh cũng đã ở đây nhiều ngày, chắc chắn ông ấy cũng muốn về, nhưng mà Từ tiên sinh trước đó có nói cho dỡ bảng hiệu, hoặc là tôi tiện đường ghé qua lấy, hoặc là ông ấy tự mình giao qua đây, hy vọng bác sẽ hỏi ông ấy thay tôi.”
Tiên sinh Từ cầu xin chủ nhà họ Lưu làm trung gian hòa giải. Nhà họ Lưu tổ chức tiệc để thuyết phục, thậm chí còn quỳ xuống xin lỗi, sự việc mới được hòa giải.
Tiên sinh Hà sau khi trở về nhà, thì gặp một đứa cháu trai cũng đang mắc bệnh thương hàn, bệnh tình ngày càng trầm trọng khiến cả gia đình hoang mang. Sau khi khám, ông phát hiện bệnh tình của đứa cháu tương tự với công tử Lưu gia nên nói: “Dễ thôi!” Thế là ông cho cháu uống một liều thuốc theo đơn tương tự, nhưng không có tác dụng; đến liều thứ hai, cháu trai đã tắt thở.
Tiên sinh Hà lúc này mới bàng hoàng nói: “Hôm nay tôi mới nhận ra, nguyên lai sinh tử tại mệnh, không phải tại vì công hiệu của thuốc, cũng không phải tại vì kỹ thuật của bác sĩ.”
Sau đó ông viết thư cho Từ tiên sinh, trần thuật lại sự việc, tạ tội với ông ấy. Từ đó ông đóng cửa từ chối khách, nhiều năm sau không nói chuyện y thuật nữa.
Danh y chữa bệnh cho quan cao
Trong thế giới đầy màu sắc, có trăm kỳ ngàn quái các loại bệnh. Bác sĩ Diêu Mông tính tình đặc biệt cổ quái. (Liêu Úy Doãn/The Epoch Times)
Vào thời nhà Minh, có một người tên là Diêu Mông, nổi danh xuất chúng về y thuật, ông sống ở huyện thành Bách Khúc Cảng, ông đặc biệt giỏi về Thái Tố mạch, ông dùng bắt mạch để chẩn đoán sinh tử họa phúc của mọi người, kết quả thần kỳ. Hơn nữa ông tính tình cũng đặc biệt cổ quái, đàm đạo với người mà ông thích thì quên ăn quên ngủ, hoặc nếu không, ông sẽ chỉ trợn mắt nhìn, gọi ông ông cũng không trả lời, có thể không nói một lời suốt cả ngày.
Đương thời ông nổi danh toàn quốc, trong triều chật kín khách đến cầu trị bệnh. Đối với người nghèo, ông kê đơn miễn phí, không cần hồi báo, còn những người có triệu chứng nguy hiểm thì ngày khám hai ba lần, một xu cũng không lấy. Đối với những người nhà giàu đến khám bệnh, nếu lễ mạo của họ trái với tâm ý của ông, ông sẽ phớt lờ họ. Có người hỏi ông tại sao lại như vậy, ông nói: “Người giàu trong túi có tiền, trong kho có thóc, chết cũng không can hệ gì. Nhưng nếu người nghèo tự kiếm sống, vợ con anh ta đều dựa vào anh ta để sinh tồn, làm sao có thể để anh ta chết?”
Đương thời, đô ngự sử Trâu Lái Học đi tuần phủ Giang Nam, triệu Diêu Mông đến khám bệnh. Diêu Mông muốn từ chối nhưng huyện lệnh cưỡng bức ông đi. Khi tiến vào phủ nha, nhìn thấy Trâu Lái Học ngồi trên cao cao, không thèm đáp lễ, Diêu Mông nhìn thẳng vào ông ta, không nói một lời. Trâu hỏi: “Ông cũng có bệnh à?” Diêu Mông nói: “Tôi có bệnh điên.” Trâu lại hỏi: “Sao ông không tự chữa?” Diêu đáp: “Đây là bệnh điên bẩm sinh, không thể chữa khỏi.”
Trâu đưa tay ra yêu cầu ông chẩn mạch, nhưng Diêu Mông không bước tới. Trâu đột nhiên ngộ ra, mời ông ngồi xuống. Sau khi chẩn mạch xong, Diêu Mông nói: “Bộ phận sinh dục của đại nhân có một cái lỗ, thường chảy ra nước bẩn, phải không?” Trâu Lái Học kinh ngạc, nói: “Đây là căn bệnh ẩn của tôi. Chuyện này rất bí mật, làm sao ông biết được?” Diêu Mông đáp: “Theo chẩn mạch, mạch tay trái trượt và chậm, chắc chắn có rò rỉ ở thùy gan thứ tư. Chất rò rỉ tất phải được bài xuất xuống dưới, vì vậy tôi biết.”
Trâu Lái Học biết ông y thuật cao minh, lập tức thay đổi nét mặt, tạ ơn và nhờ ông kê đơn thuốc. Diêu Mông nói: “Không cần uống thuốc, đến Nam Kinh là được.” Ông bấm ngón tay tính tính rồi nói: “Hôm nay là ngày mồng bảy, đến ngày 12 sẽ đến.” Trâu Lái Học rời đi, đợi đến sáng sớm ngày 12 tại Nam Kinh, ông ta đột ngột qua đời.
Nguồn: “Mặc Dư Lục”, “Đối Sơn Y Thoại”
Theo Epoch Times,-Hương Thảo biên dịch