Một người học vấn uyên bác, thông minh tài hoa nhưng lại bị giảm 30 năm tuổi thọ. Một kẻ nóng nảy tự phụ, thích làm điều ác nhưng lại được tăng 30 năm tuổi thọ. Hai cuộc đời, hai số phận trái ngược, hà cớ là vì đâu?
Khinh mạn Thần Phật, cắt giảm 30 năm tuổi thọ
Vào thời cổ đại, có một người tên là Kỳ Thiên Tông. Anh ta có một chút tài hoa nhưng lại kiêu căng ngạo mạn, hành vi không đoan chính và bất kính đối với Thần Phật.
Kỳ Thiên Tông đã từng đọc sách ở tại Phật tự. Vào một ngày nọ trời mưa nên củi trong Phật tự bị ướt, thế là anh ta ngang nhiên sai thư đồng lấy bức tượng Thần Hộ Pháp xuống để bổ lấy củi nấu ăn.
Ngay đêm hôm đó, trong giấc mơ của mình Kỳ Thiên Tông đã thấy một vị Thần râu đỏ đang cầm roi và khiển trách anh ta: “Bởi vì ngươi chăm chỉ và chịu khó đọc sách, nên mới thành người thông minh có học vấn. Nếu như ngươi đi thi thì sẽ đứng thứ nhất, được hưởng lộc hưởng thọ. Nhưng hiện tại ngươi tự cao tự đại thế này, dám vũ nhục Thần linh, quan âm ty đã ghi chép lại tội lỗi của ngươi rồi, nên những phúc báo của ngươi sẽ bị cắt giảm một nửa. Nếu sau này ngươi vẫn không hối cải thì sẽ bị trừng phạt nặng hơn, không cần phiền ta đến lấy roi đánh ngươi nữa”.
Khi Kỳ Thiên Tông tỉnh dậy, anh ta không những không ăn năn hối cải mà còn khoe khoang trước mặt mọi người: “Ngay cả quỷ Thần cũng phải sợ tôi đó!”.
Mẹ của Kỳ Thiên Tông mang một bức tượng Phật về nhà để thờ cúng. Một ngày nọ, khi bà đang ngủ thiếp đi thì Kỳ Thiên Tông đã bí mật thiêu đốt bức tượng Phật. Sau đó người mẹ đã than khóc và nói với anh ta: “Nếu tính độc ác của con không thay đổi thì ta chẳng còn hy vọng gì ở con nữa, giờ ta chỉ mong rằng con sẽ sinh được con trai để nối dõi tông đường”.
Đến khi Kỳ Thiên Tông đã 40 tuổi, anh ta vẫn cố gắng tham dự mọi kỳ thi nhưng vẫn không đỗ đạt. Nhưng anh ta không biết hối cải, mà lại còn tham luyến tửu sắc và say xỉn cả ngày.
Vào một ngày nọ trong giấc mơ, Kỳ Thiên Tông thấy mình đang bị kết tội dưới âm phủ. Ngay trên đại điện Diêm Vương đang xem xét tội trạng của anh ta: “Đáng lẽ ra vào năm 20 tuổi ngươi sẽ là cử nhân, 30 tuổi thành tiến sĩ và được làm quan nhị phẩm, thọ mệnh là 78 tuổi. Nhưng vì ngươi quá kiêu ngạo và đồi bại lúc còn niên thiếu, nên tuổi thọ bị giảm còn 54, và chỉ được làm quan ngũ phẩm. Vậy mà sau 40 tuổi, ngươi vẫn còn tiếp tục làm việc ác xấu khiến cho Thiên Đế phẫn nộ, nên toàn bộ phúc, lộc, thọ của ngươi đều bị tước giảm đến hết, đả nhập vào địa ngục, vạn kiếp không được siêu sinh”.
Khi Kỳ Thiên Tông tỉnh dậy, anh nói với người nhà những gì thấy trong mộng và tự hét lên: “Đã quá muộn để hối hận!”. Sau đó, anh ta nôn ra máu và bất đắc kỳ tử. Hai đứa con trai của Kỳ Thiên Tông đều không bình thường, một đứa miệng méo mắt lệch, một đứa khập khiễng què quặt. Chỉ không quá một năm gia tộc anh ta đã suy tàn và không còn tồn tại nữa.
Bảo vệ Phật đường tăng 30 năm tuổi thọ
Câu chuyện dưới đây được ghi chép trong “Thái Bình quảng ký”.
Vào năm Khai Nguyên thứ 15 triều Đường (năm 727), hoàng đế hạ lệnh tất cả các Phật đường trong mọi thôn phường khắp thiên hạ, rằng những Phật đường nhỏ thì đều nhất loạt tháo dỡ, Phật đường lớn thì toàn bộ phải đóng cửa. Rất nhiều người không tín Phật nghe thấy thế liền hành động, một số chùa Phật lớn và tượng Phật cũng bị hủy hoại.
Huyện lệnh huyện Tân Tức ở Dự Châu tên là Lý Hư, vốn là người cứng rắn, tự phụ, tính tình nóng nảy lại thích sát nhân, hành xử thường trái với đạo nghĩa, lại còn thích uống rượu. Hôm đó Lý Hư đang uống rượu say túy lúy thì công văn châu phủ truyền đến, yêu cầu ông ta trong vòng 3 ngày phải phá hủy toàn bộ chùa chiền trong địa hạt quản lý. Lý Hư thấy vậy liền nổi giận, hạ lệnh cho quan lại thuộc hạ rằng: “Trong địa hạt ta quản lý, nếu có người nào dám phá Phật đường thì nhất loạt đều xử tử”.
Nhờ vậy toàn bộ Phật đường ở địa hạt huyện Tân Tức đã được bảo toàn nguyên vẹn.
Thực ra không phải là do Lý Hư trân quý chùa chiền, mà bởi vì thời hạn quá gấp gáp nên ông ta cảm thấy phẫn nộ, nhất quyết bảo toàn Phật đường. Sau đó ông ta cũng không để tâm đến việc này nữa.
Một năm sau, Lý Hư mắc bệnh rồi qua đời, người nhà đưa ông vào quan tài chuẩn bị hôm sau mai táng. Đêm đó khi gia quyến đang vây quanh quan tài khóc lóc thì đến nửa đêm bỗng nghe thấy có tiếng gõ đập trong quan tài. Gia nhân mở ra xem thì phát hiện ra Lý Hư đã sống lại rồi. Sau đó Lý Hư kể lại sự tình ông đã trải qua dưới âm phủ.
Lý Hư đến điện Diêm Vương, Diêm Vương lệnh cho thư lại lấy sổ thiện ác đến. Vừa xem sổ thiện ác, Diêm Vương thấy tội lỗi chồng chất liền muốn dùng nhục hình trừng phạt nhưng Lý Hư đã vội vàng nói: “Năm ngoái hoàng đế giáng chỉ lệnh cho các địa phương phá dỡ Phật đường, phá hủy tượng Phật, chỉ có khu vực con quản lý là không phá hủy Phật đường. Không biết công đức này có thể tiêu trừ được tội nghiệp không?”.
Diêm Vương kinh ngạc lệnh cho thư lại đem số phúc đức ra tra xem.
Thư lại đem sổ phúc đức đến, trong đó có ghi chép việc thiện cực kỳ ít, chỉ có một trang giấy, bèn đọc to: “Năm ngoái có thánh chỉ hạ lệnh tháo dỡ Phật đường, duy chỉ có Phật đường ở huyện Tân Tức là được bảo toàn. Thế nên tiêu trừ được tội lỗi cả cuộc đời, đồng thời kéo dài tuổi thọ thêm 30 năm, sau đó chuyển sinh làm người”.
Thư lại vừa dứt lời thì quyển sổ tội dày cộp đó bỗng bị cháy sạch. Diêm Vương liền cho Lý Hư trở về, thế là ông ta liền sống lại.
Việc thiện bảo vệ Phật đường của Lý Hư không chỉ bù đắp được tất cả những việc xấu ông đã làm xưa nay mà còn được kéo dài tuổi thọ thêm 30 năm.
Yên Tử – Theo Nhân Dân Báo