Hàng năm cứ vào mùa Xuân, ngay sau Tết, người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) lại bước vào thu hoạch nhung hươu. Đây được xem là thời điểm tốt nhất đem lại cho các chủ nuôi khoảng 250 tỷ đồng mỗi năm.
Như thường lệ, trong niềm vui hân hoan ăn tết cổ truyền của dân tộc, người dân ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) còn vui mừng chuẩn bị hái lộc đầu xuân, bởi nhung hươu đã vào vụ.
Nhung hươu là “đặc sản” của xã Sơn Châu nói riêng và huyện Hương Sơn nói chung. Dường như nhà nào cũng nuôi hươu, ít thì vài con, nhiều thì chục con, thậm chí vài chục con. Đây là nguồn kinh tế chủ lực giúp người dân làm nên nhà cửa, mua sắm xe cộ, nuôi con cái ăn học.
Những ngày này, tại “thủ phủ” nhung hươu xã Sơn Châu (huyện Hương Sơn) hết sức nhộn nhịp. Người dân đi chơi tết, sau lời chúc mừng năm mới thì câu chuyện về nhung hươu là đề tài dường như không dứt. Họ hỏi thăm nhau về số lượng hươu nuôi, có mấy cặp nhung và ngày giờ cắt lộc?
Theo người dân địa phương, đây là thời điểm người dân vừa vui Xuân vừa cắt lộc, bởi từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch là chính vụ thu hoạch nhung. Thông thường hươu con sau khi sinh ra đến khi lên chóc (lứa đầu) là khoảng 8 tháng. Sau khi cắt nhung thường khoảng hơn 5 tháng sau thì có lứa nhung trái nhưng nhỏ hơn.
Bình quân mỗi năm hươu trưởng thành cho 2 lứa nhung với tổng trọng lượng trên 2kg. Tuy nhiên, có những con hươu tốt, cho đến 4kg thậm chí gần 5kg nhung/năm. Hươu cho sản lượng nhung cao nhất là vào lứa nhung thứ 8 đến lứa nhung thứ 13, sau đó thì giảm dần. Tuổi thọ một con hươu đực thông thường từ 18 đến 20 năm.
Những gia đình có chú hươu cho sản lượng nhung lớn, ngoài việc nhung to, bán được nhiều tiền thì hươu giống (hươu con được lấy giống từ hươu bố) cũng có giá cao hơn những nhà khác. Hươu cái có giá khoảng 15 triệu đồng, còn hươu đực khoảng 30 triệu đồng/con, mà phải đặt trước mới có.
Nhung hươu được giá, nghề nuôi hươu phát triển, kéo theo nghề cắt nhung hươu ra đời. Mỗi lần cắt nhung, để con hươu được an toàn cần phải có khoảng 5 người bắt giữ. Tuy nhiên, nhiều khi không nhờ được người cắt nên gia chủ phải gọi thợ, công cắt một cặp nhung có giá là 300 nghìn đồng.
Như thường lệ, sau khi cắt nhung, tùy theo trọng lượng thu được mà gia chủ làm mâm thiết đãi khách khứa. Ngoài người thân, bạn bè, bà con lối xóm cũng đến chúc mừng và thưởng thức chén rượu huyết để lấy lộc đầu năm và tăng cường sức khỏe nên lúc nào cũng vui như tết. Theo người dân địa phương, tết ở vùng nuôi hươu kéo dài theo mùa cắt nhung.
Theo kinh nghiệm của người nuôi hươu, nhung tốt và chất lượng nhất là vào khoảng 55 đến 60 ngày kể từ khi rơi đế. Nếu cắt non quá thì thiệt, mà để gác sào (trên nhánh chính lại tách thêm nhánh nữa) thì nặng hơn nhưng nhung không còn thật tốt.
Nhà ông Nguyễn Sơn (SN 1972, thôn Đông, xã Sơn Châu) hiện nuôi 10 con hươu, trong đó 3 hươu đực (2 con đã cho nhung), 5 hươu mạ và 2 hươu con. Năm 2020, tổng thu nhập từ việc bán hươu giống và nhung hươu được 157 triệu đồng.
Trao đổi với PV Infonet, ông Sơn chia sẻ, mỗi năm 2 con hươu trưởng thành của gia đình cho thu hoạch khoảng 7kg nhung, tương đương khoảng 70 triệu đồng. Hai con trai học đại học, 1 con gái học nghề cũng nhờ thu nhập từ hươu.
Cũng theo ông Sơn, ở đất này không gì bằng nuôi hươu cả. Nuôi lợn, nuôi bò thì giá cả bấp bênh lại dịch lên bệnh xuống, còn nuôi hươu thì an toàn, thức ăn không tốn kém nên lợi nhuận cao.
Ông Phan Xuân Đức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn thông tin, tổng đàn hươu hiện có trên 38.000 con, trong đó số hươu cho lộc nhung khoảng 9.500 con với trọng lượng trên 17 tấn/năm. Tổng giá trị thu nhập từ hươu khoảng 250 tỷ đồng.
Cũng theo ông Đức, hươu là sản phẩm kinh tế chủ lực của địa phương nên huyện đang xây dựng chế biến sâu các sản phẩm OCOP như rượu nhung hươu, các sản phẩm từ nhung hươu như bột nhung hươu. Đồng thời thu hút các nhà đầu tư để xây dựng cơ sở chăn nuôi quy mô khoảng 300 con trở lên và phục hồi dự án chăn nuôi hươu của khoáng sản thương mại.
Theo Infonet