Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, ông Đoàn Văn Hà (sinh năm 1967, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã biến 2ha đồi núi hoang vu trở thành mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn rừng, nuôi bò, trồng cam đặc sản thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Ai lên thăm trang trại của ông cũng bất ngờ…
Nhận thấy khu vực đồi núi tại thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) quanh năm có dòng nước chảy qua, đất đai phù hợp cho việc trồng cây ăn quả. Ông Đoàn Văn Hà đã mạnh dạn vay 1 tỷ đồng đầu tư chuồng trại, cải tạo mặt bằng để nuôi trồng, trước con mắt ngạc nhiên của nhiều người trong thôn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, ông Hà chia sẻ: “Năm 2014, tôi bàn với vợ vay 1 tỷ đồng để bắt đầu xây dựng trang trại này. Lúc đầu chủ yếu nuôi heo liên kết với các doanh nghiệp, trồng một số loại cây ăn quả, khi đó chắc ai cũng nghĩ tôi bị khùng”.
Clip: Trang trại của lão nông Đoàn Văn Hà, (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trên núi đá.
Những ngày đầu bắt tay vào nuôi trồng, khó khăn ập đến khi ông chưa có nhiều kinh nghiệm, có khi đàn heo cả chục con lăn đùng ra chết nhưng xác định “phóng lao thì phải theo lao”. Không chấp nhận dừng bước trước khó khăn, ông Hà quyết định lặn lội khắp mọi miền đất nước để học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế đã thành công.
Năm 2016, ông Hà quyết định mở rộng quy mô trang trại, trồng thêm 400 gốc cam, 100 gốc bưởi, 150 gốc chanh và 100 gốc chanh đào đến nay đã bắt đầu cho quả đem lại nguồn thu không hề nhỏ cho gia đình ông.
“Lợi thế có nguồn nước tự nhiên, tôi đã đào thêm 2.500m² ao hồ vừa nuôi cá vừa để tích nước tưới cây vào mùa khô. Bởi thế, những gốc cam, bưởi luôn xanh tốt, cho quả chất lượng, thương lái thường đến tận vườn để mua”- ông Hà chia sẻ.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Hà có trên 350 con lợn, hơn 1ha đất trồng cây ăn quả (chủ yếu là cam, bưởi, chanh) và nhiều vật nuôi có giá trị kinh tế cao như bò, lợn rừng, gà sao…. Trư chi phí mỗi năm lãi trên 350 triệu đồng.
“Áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn cam đặc sản hơn 400 gốc của tôi không phun thuốc bảo vệ thực vật từ khi cam bắt đầu cho quả. Gần đến mùa thu hoạch tôi sẽ thuê từ 6-7 người chăm sóc cam, chủ yếu là bắt những loài côn trùng chích vào quả. Cam đặc sản của gia đình tôi thương không bán lẻ mà được các thương lái đặt cọc, thu mua tại vườn” – ông Hà bật mí.
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, bà Nguyễn Thị Hoa – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Đây là mô hình nổi bật của xã trong nhiều năm qua. Từ năm 2016, bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hội nông dân của các xã, thị trấn lân cận đã lên đây để học hỏi kinh nghiệm từ mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Hà. Ngoài ra mô hình của ông Hà cũng tạo nhiều công ăn việc làm tại địa có thu nhập ổn định”.
Thanh Tùng