Từng thất bại khi nuôi lợn, rồi “đánh liều” chuyển sang làm bể trên cạn nuôi ếch Thái Lan, bà Phạm Thị Hợp, thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã trúng lớn. Hiện nay, trang trại nuôi ếch Thái Lan của bà Hợp rộng 3ha, với 30 bể nuôi, 1 năm xuất bán 10 tấn ếch thương phẩm, “bỏ túi” 400 triệu đồng.
Mất trắng đàn lợn, chuyển sang nuôi ếch Thái Lan mà trúng lớn
Năm 2004, gia đình bà Hợp chăn nuôi lợn nhưng vận đen đến bất ngờ không kịp trở tay, dịch bệnh tai xanh ập đến “cướp trắng” đàn lợn nái 150 con. Toàn bộ số lợn mắc bệnh bị tiêu hủy.
“Nghĩ lại mà vẫn thấy tiếc hùi hụi. Lúc đó, đàn lợn là động lực lớn nhất để gia đình tôi phát triển kinh tế” – bà Hợp nhớ lại.
Bà Hợp bảo: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông, gia đình khó khăn nên ít được học hành. Ở nông thôn thì chỉ biết chăn nuôi, cấy lúa, trồng hoa màu lấy kế sinh nhai. Dãi nắng, dầm sương, tất tả ngược xuôi là thế, ấy vậy mà cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng mãi”.
Dịch bệnh “cướp” đi cả cơ nghiệp, hai vợ chồng bà Hợp chỉ còn biết động viên nhau vực dậy “làm lại những gì đã mất”. Luôn tìm tòi xem trồng cây gì? nuôi con gì? phù hợp với khả năng của gia đình mà nhu cầu của thị trường cũng đang cần.
Đến năm 2006, qua Internet bà Hợp nhận thấy nuôi giống ếch Thái Lan vừa lạ, mà mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời, xoay vòng vốn nhanh, nhiều hộ gia đình đã thành công với mô hình này.
Để tìm hiểu cách nuôi giống ếch Thái Lan, bà Hợp đã tìm đến các mô hình trong huyện, cũng như các tỉnh lân cận học hỏi kinh nghiệm.
Sau một thời gian học hỏi, “dắt lưng” được ít “vốn” kinh nghiệm, bà Hợp cùng chồng quyết định dành toàn bộ diện tích 3ha đất dồn điền đổi thửa của gia đình để nuôi ếch Thái Lan.
Để có vốn đầu tư bể ương, mua con giống bà Hợp đã vay vốn ngân hàng 300 triệu đồng.
Theo bà Hợp, ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm 50 cặp ếch bố mẹ, sau 4 tháng đã sinh sản được 20.000 con ếch giống, liền thu về hơn 20 triệu đồng.
“Lợi nhuận từ nuôi lứa ếch Thái Lan đầu tiên như đã tiếp thêm động lực để tôi cố gắng, tiếp tục mở rộng quy mô đồng thời nâng cao chất lượng ếch thịt và ếch giống” – bà Hợp chia sẻ.
Bà Hợp cho biết, để hiểu về đặc tính sinh trưởng cũng như khắc phục dịch bệnh của ếch, vừa nuôi bà vừa nghiên cứu, đầu tư thêm sách, báo, tài liệu tích lũy kiến thức.
Qua nhiều năm nuôi giống ếch Thái Lan, bà Hợp đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như có cho mình phương pháp nuôi bài bản, khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chi phí bỏ ra lại ở mức tối thiểu.
Hiện nay, trang trại nuôi ếch Thái Lan của gia đình bà Hợp có 30 bể nuôi, trong đó, hơn 1.000 cặp ếch bố mẹ và 3.000 ếch thương phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm về nuôi ếch Thái Lan, bà Hợp cho biết, để ếch luôn đạt trọng lượng mỗi khi xuất bán, bà đã áp dụng phương pháp nuôi ếch quy trình khép kín theo hướng an toàn sinh học.
Theo đó, trọng lượng của ếch luôn tăng trưởng tốt, mỗi con ếch thương phẩm trước khi xuất bán đạt 0,2 – 0,3kg/con, đối với ếch bố mẹ đạt 0,5 – 0,8kg/con.
Cũng theo bà Hợp, trong quá trình nuôi cần lưu ý đến khâu chọn con giống, phải chọn những cá thể ếch bố, mẹ khỏe mạnh, được nuôi từ 1 năm trở lên, đặc biệt là không cùng huyết thống để tránh giao phối cận huyết.
Sử dụng “tuyệt chiêu” – cho ếch ăn tỏi
Về thức ăn cho ếch, bà Hợp duy trì đều đặn 2 lần mỗi ngày bằng các loại ốc nghiền nhỏ trộn với cám gạo và cám công nghiệp.
Ngoài ra, bà Hợp cũng thường xuyên sử dụng chế phẩm khử trùng nước, bể nuôi nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế ếch bị mắc bệnh, lớn nhanh và thu lợi nhuận cao.
Theo bà Hợp, với kinh nghiệm hơn 15 năm nuôi ếch Thái Lan của mình, một số bệnh thường sảy ra với con ếch như: bệnh đỏ đùi, mù mắt, vẹo cổ, sình bụng…
Để phòng chống bệnh, tăng sức đề khánh cho ếch, bà Hợp luôn sử dụng “tuyệt chiêu”, đó là, cho cho ếch ăn tỏi.
Bà Hợp tiết lộ, tỏi có nhiều công dụng, trong đó trị bệnh về đường tiêu hóa rất tốt. Nếu sử dụng thuốc kháng sinh nhiều, ếch dễ bị lờn thuốc, sức đề kháng cũng kém đi. Ngược lại tỏi có chứa nhiều kháng sinh lại an toàn, giá thành rẻ.
Việc sử dụng tỏi kết hợp với thức ăn ngoài phòng và điều trị bệnh còn có thể tăng sức đề kháng giúp ếch khỏe mạnh, tiêu hóa tốt do đó nhanh lớn hơn.
Để nuôi ếch hiệu quả, năng suất cao bà Hợp đã ứng dụng phương pháp sinh sản nhân tạo cho ếch.
Qua kết quả thực tế cho thấy, bình quân cứ 1 con ếch mẹ có thể sinh sản khoảng 5.000 trứng (25 ngày/lứa). Ếch con sau khi sinh ra được nuôi trong bể khoảng 28 ngày là có thể chuyển sang các hồ chứa khác để nuôi. Sau 40 ngày xuất chuồng, trọng lượng ếch con đạt 0,3kg/con.
Theo tính toán của bà Hợp, 1 năm trang trại của gia đình bà xuất bán ra thị trường từ 3 – 4 lứa ếch thương phẩm, khoảng 10 tấn và 60.000 – 70.000 ếch giống.
Cũng theo bà Hợp, với giá ếch thương phẩm dao động hiện nay từ 45.000 – 50.000 đồng/kg và 1.000 – 1.500 đồng/con giống, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình bà thu lãi 400 triệu đồng.
Theo Dân Việt