GS Hà Tôn Vinh (việt kiều Mỹ) đã có rất nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục – đào tạo, truyền lửa cho nhiều thế hệ doanh nhân Việt. Ông cũng từng làm việc và tư vấn cho nhiều doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Ông được biết đến là cựu trợ lý Nhà trắng thời Tổng thống Mỹ Reagan, Phó Tổng thống Mỹ Bush.
Nhân câu chuyện đầu tư ra nước ngoài để lấy quốc tịch thu hút nhiều ý kiến và tranh luận trong thời gian vừa qua, GS Hà Tôn Vinh đã bày tỏ góc nhìn của cá nhân ông với tư cách của một người kể chuyện, về những bài học thành công, thất bại mà trong phát triển quốc gia mà ông từng có cơ hội được học hỏi và trải nghiệm.
CafeLand xin trích giới thiệu những chia sẻ tâm huyết của GS Hà Tôn Vinh, những suy tư, trăn trở hướng về tổ quốc và sự phát triển của đất nước.
Đầu tư nước ngoài rất cần thiết đối với sự phát triển quốc gia
Đầu tư nước ngoài là rất cần thiết đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Để được như vậy, Nhà nước cần phải có những chính sách thu hút, chương trình khuyến khích nước ngoài vào đầu tư. Mỹ là nước tiên phong trong phong trào đầu tư nước ngoài vào Mỹ để có cơ hội nhập quốc tịch Mỹ.
Mỹ là nước kêu gọi đầu tư nước ngoài rất lớn hàng năm. Khi đầu tư vào Mỹ, Mỹ đưa ra rất nhiều những chính sách thu hút về mặt lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu nhà đầu tư nước ngòai đầu tư vào dự án có lợi cho phát triển của khu vực, nhà đầu tư và gia đình họ có thể được cấp thẻ xanh, 5-10 năm sau có thể nhập quốc tịch Mỹ. Phong trào này thành công tại Mỹ và sau đó lan rộng ra nhiều quốc gia khác.
Đầu tư nước ngoài là cần thiết để phát triển kinh tế đất nước. Trước đây, Mỹ đầu tư vào các địa phương để cho phát triển vì nếu dân thất nghiệp sẽ đi ăn xin, đòi tiền trợ cấp… làm gánh nặng cho chính phủ. Do đó, việc kêu gọi đầu tư nước ngoài là để lấy tiền phát triển đất nước.
Quan điểm của tôi là người Việt có tiền và nếu đó là tiền mồ hôi nước mắt của người ta thì người ta có quyền sử dụng, chỉ cần không làm những việc vi phạm pháp luật, không dùng tiền bẩn hay làm những điều luật cấm.
Vua Thái Lan thậm chí còn có hai quốc tịch, ông ấy đi học ở Mỹ và được gia đình cho nhập quốc tịch Mỹ. Vậy có ai dám bảo ông vua đó là không yêu nước không?
Sau chiến tranh, Nhật Bản rơi vào tình trạng khó khăn. Thiên hoàng Minh trị cho rất nhiều người đi du học Mỹ. Khi Nhật Bản phát triển thì Việt Nam, Hàn Quốc đưa người sang Nhật Bản học hỏi rất nhiều. “Nước Nhật sẽ học phương Tây, nước Nhật sẽ bằng phương Tây, nước Nhật sẽ vượt phương Tây”, đó là khẩu hiệu của Thiên hoàng Minh trị.
Cách đây 30 năm khi đến Dubai, năm 1982, tôi chỉ thấy nơi đây là lạc đà và cát thôi, rất nóng. Khi đó, Thủ tướng của Dubai đã phát biểu rằng trên thế giới có gì hay nhất, tốt nhất ông sẽ đưa về đó. Ví dụ trên thế giới có trượt tuyết, Dubai cũng có; ở Florida (Mỹ) có thủy cung, Thủ tướng Dubai cũng mang về và cho xây thủy cung to nhất… Cả thành phố Dubai chỉ có 13% là người dân địa phương, 87% là người nước ngoài. Dubai học theo bài học của Nhật Bản, là học theo Phương Tây, đặt mục tiêu phát triển tiến bộ là phải học.
Sau đó, Thiên hoàng Minh trị lại ra một khẩu hiệu ngắn hơn: “Văn minh phương Tây, văn hóa Nhật Bản”. Tinh thần Nhật Bản gói gọn trong hai hình ảnh: sakura và samurai. Một bên là sakura – hoa anh đào trong sáng, mong manh tượng trưng tinh thần Nhật Bản, còn một bên là samurai – tinh thần võ sĩ.
Trở lại câu chuyện của Việt Nam, chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao hãng công nghệ hàng đầu thế giới Apple lại chọn Ấn Độ chứ không phải Việt Nam?
Tiền – công nghệ – người tài
Không có nền kinh tế nào đứng đây chờ mình để mình bắt kịp, mà cũng chẳng có nền kinh tế nào muốn đi chậm hay đi lùi để cho mình tiến tới. Chúng ta muốn “đi tắt đón đầu”, nhưng mà tiền không có thì đi tắt đón đầu ra sao? Như Dubai, họ có tiền nên thích cái gì là làm được. Thứ hai là phải có nhân sự và công nghệ. Công nghệ thì thay đổi thường xuyên, mình mới có 3G thì nước khác đã có 4G, mình chưa nói chuyện 4G thì nước kia đã có 5G rồi. Chúng ta nói chuyện 5G thì người ta có vệ tinh và internet toàn cầu rồi.
Chúng ta không có nhiều tiền và công nghệ thì phải cần có người tài và phải đầu tư lâu dài. Là quốc sách thì phải lâu dài. Vì thế nói “đi tắt đón đầu” thì phải có tiền, có công nghệ, có người giỏi.
Tổng thống Mỹ Clinton cũng từng mời những người có tiền và giỏi nhất về xây dựng đất nước. Muốn phát triển mình phải có cái đầu lớn.
Singapore là một nước bé, trước đây là một cảng của Malaysia và là thuộc địa của Anh. Khi quân Anh quyết định rút quân khỏi Singapore, viễn tưởng là Singapore sẽ trở thành nơi nghèo đói, nhưng Thủ tướng Lý Quang Diệu khi ấy đã quyết đưa đất nước trở thành trung tâm tài chính của Châu Á – một quốc gia độc lập. Khi quân Anh rút về, Lý Quang Diệu đã đưa Singapore thực sự trở thành trung tâm tài chính Châu Á. Lấy ví dụ để thấy rằng điều quan trọng là cần có người dám nghĩ lớn.
Trong phần đầu cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” có nói “tốt là kẻ thù của vĩ đại” vì làm tốt rồi thì thôi không bao giờ muốn làm hơn. Xây dựng để trường tồn tức là phải có tầm nhìn, phải chơi xa. Tư duy lãnh đạo là tư duy vượt thời gian.
Tôi rất tâm đắc một câu nói cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill: Một quyết định mà có 95% ủng hộ là quyết định tồi, bởi mình làm quyết định đó để theo ý của mọi người thôi chứ không phải quyết định chiến lược. Người lãnh đạo là người cô đơn trên đỉnh núi, càng lên cao càng ít người hiểu. Nếu như không có Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có suy nghĩ khác với mọi người thì làm sao có đất nước bây giờ.
Tổng thống Mỹ Clinton từng sống trong một bang nghèo của nước Mỹ. Khi ra ứng cử tổng thống, Clinton đã đi tìm người làm cố vấn cho mình. Một hôm, ông đọc một bài báo hay và đã tìm gặp tác giả của bài báo này. Tác giả bài báo lúc ấy mới chỉ 30 tuổi nhưng với tài năng và tư duy chiến lược, tác giả đã được Clinton mời vào ban vận động tranh cử thổng thống. Khi Clinton trở thành tổng thống, ông đã mời người này vào ban cố vấn tổng thống làm cùng ông. Làm một hai năm, ông đã phong cho người đó làm Chủ tịch hội đồng cố vấn. Người ta có câu: “tài không đợi tuổi”.
Tổng thống John F. Kennedy khi làm Thượng nghị sỹ đã nói, làm lãnh đạo không cần giỏi nhưng cần biết dùng người giỏi. Thứ hai là phải can đảm, dám nói và nói thật, thứ ba là nói đúng. Sau này, ông có ra một cuốn sách “Gương can đảm tại nghị trường” để làm lãnh đạo phải can đảm dám nói dám nói thật, nói đúng lúc.
Làm lãnh đạo, chỉ cần một từ thôi, đó là: “Tại sao?”. Phải luôn đặt ra câu hỏi “tại sao”, tại sao nước ta lại nghèo, tại sao nước chưa giàu?
Hồ Mai