Vòng gọi vốn lần này bao gồm vốn cổ phần và vốn vay được hoàn thành chỉ sau 5 tháng kể từ khi GIMO công bố nhận 5,1 triệu USD vào tháng Hai vừa qua.
GIMO – startup cung cấp giải pháp nhận lương linh hoạt cho người lao động có thu nhập vừa và thấp tại Việt Nam, vừa thông báo chính thức hoàn tất Vòng gọi vốn Series A, với tổng số vốn huy động lên tới 17,1 triệu USD (khoảng 401 tỷ đồng).
Theo đó, vòng gọi vốn lần này bao gồm vốn cổ phần và vốn vay được hoàn thành chỉ sau 5 tháng kể từ khi GIMO công bố nhận 5,1 triệu USD vào tháng Hai vừa qua. Thương vụ được dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura với sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại của GIMO như Integra Partners, Resolution Ventures, Blauwpark Partners, ThinkZone Ventures và Y Combinator. Bên cạnh đó, vòng gọi vốn còn có sự tham gia của các nhà đầu tư mới gồm Genting Ventures, TKG Taekwang, George Kent và AlteriQ Global.
Startup này tuyên bố hiện đang cung cấp giải pháp nhận lương linh hoạt cho gần nửa triệu người lao động từ gần 100 doanh nghiệp, trong đó có các công ty đa quốc gia có quy mô trung bình lớn tại Việt Nam. Bất chấp các khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023, GIMO vẫn ghi nhận mức tăng trưởng đạt 15% và hướng tới mục tiêu phục vụ 2,5 triệu người lao động vào năm 2025.
Mô hình trả lương linh hoạt không mới ở Mỹ, Anh nhưng còn là một khái niệm chưa phổ biến tại nước ta. GIMO cũng không “đơn thương độc mã” khai phá thị trường này tại Việt Nam.
Tháng 8/2022, Nano Technologies – công ty đứng sau nền tảng trả lương linh hoạt Vui App thông báo gọi vốn thành công 6,4 triệu USD trong vòng tiền series A. Nhà đồng sáng lập Nano Technologies là Đặng Việt Dũng – gương mặt được nhớ đến nhiều nhất với chức danh cựu CEO Uber Việt Nam. Khi sử dụng Vui App, chỉ trong 30-60 giây cùng vài thao tác đơn giản, người lao động có thể rút tiền lương từ chính những ngày đã đi làm của mình, từ 100.000 đồng đến 70% lương, vào ngày bất kỳ trong tháng.
GIMO hay Vui App là đơn vị trung gian, cung cấp giải pháp, công nghệ giúp doanh nghiệp có thể trả lương linh hoạt cho người lao động vào bất kỳ ngày trong tháng thay vì phải đợi đến kỳ trả lương cuối tháng như thông thường. Đây cũng là khoản lương đến từ chính ngày công của người lao động, không phải khoản nợ, giúp những lao động có thu nhập thấp hoặc trung bình tránh xa các hình thức tín dụng đen.
Hoàng Thùy–Theo Nhịp sống thị trường