Những tưởng, ở vùng đất Di Linh người dân chỉ chuyên canh cây cà phê và các loại cây ăn trái, nhưng khi bước vào Trang trại hoa phong lan của anh Trần Vĩnh Sương tôi thực sự ngỡ ngàng trước một khu “bảo tồn thiên nhiên” với hàng trăm loài phong lan khoe sắc…
Tìm lối đi riêng
Sống giữa vùng đất đỏ bazan trù phú, gia đình anh Vĩnh Sương (thôn Đồng Lạc 3 – xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cũng như các hộ dân khác bao đời gắn bó với cây cà phê. Trước nay, cà phê là cây trồng chủ lực đã khẳng định “thương hiệu” trên vùng đất này, song cũng lắm khi được mùa thì mất giá…
Học hết lớp 11, cậu học trò Vĩnh Sương nghỉ học để ở nhà tính chuyện mưu sinh… Những năm đầu nghỉ học, Vĩnh Sương cùng gia đình chăm sóc cà phê, những cây trồng khác trong vườn. Tuy nhiên, vốn là một chàng trai có nhiều khát vọng, Vĩnh Sương không thể “bằng lòng” cứ mỗi ngày quẩn quanh với cà phê, vườn tược.
Anh đã “thử” nhiều công việc khác như: kinh doanh hàng may mặc, mở shop buôn bán quần áo… Cuối cùng, anh nhận ra, kinh doanh nhỏ hay dựa vào mấy ha cà phê của gia đình cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc, khó “bứt phá” vươn lên làm giàu; phải tìm hướng đi khác?…
Một điều rất đáng quý ở chàng trai này là thay đổi phương thức làm ăn mới nhưng phải ngay trên chính quê hương mình và không “thoát ly” nông nghiệp! -anh tâm sự vậy.
Anh Vĩnh Sương cho biết thêm, khi đó, kinh tế gia đình không khá giả để mua thêm đất, tăng diện tích sản xuất; vậy, kinh doanh gì tốn ít diện tích đất mà cho thu nhập cao? Qua tìm hiểu, tiếp xúc bạn bè và nhiều người, Vĩnh Sương nhận thấy kinh doanh hoa phong lan là phù hợp nhất. Bởi, ở Di Linh dù có một số người trồng phong lan, nhưng chủ yếu để “chơi”, quy mô nhỏ lẻ…
Để “chắc ăn”, Vĩnh Sương đã đi du lịch sang Thái Lan tìm hiểu mô hình, kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc, kinh doanh hoa phong lan. Anh nhận thấy ở Thái Lan, việc kinh doanh hoa phong lan mang lại hiệu quả kinh tế rất cao; đây là một trong những nước có nguồn hoa lan phong phú đã xuất đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam…
Về nước, từ năm 2012, Vĩnh Sương và một người cháu hợp sức xây dựng trang trại hoa phong lan ngay trên diện tích đất sản xuất của gia đình. Hiện nay, “Trang trại phong lan Vĩnh Phát” của anh đã được đăng ký thương hiệu.
Toàn bộ trang trại có diện tích 8.000 m2 được chia thành 2 khu riêng biệt: một khu chuyên trồng, lai tạo, nhân giống và sản xuất các loài phong lan; một khu để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm cho khách.
Hai khu nhà được thiết kế bằng nhà kính, lắp ráp bằng khung sắt chắc chắn; đặc biệt, chủ nhân đã tận dụng tối đa không gian; thiết kế các giàn sắt thành nhiều lớp (từ thấp đến cao) để treo các giò phong lan trồng trong chậu và trồng trên giá thể… Tường rào, lưới bảo vệ, hệ thống tưới nước, đèn chiếu sáng, giá thể, phân bón, nguồn lan giống… được đầu tư, trang bị ngăn nắp, bài bản; tổng kinh phí đầu tư trên 5 tỷ đồng…
Diện tích nhỏ, thu nhập cao
“Ít diện tích, thu nhập cao” – đó là phương châm kinh doanh của chủ nhân “Trang trại phong lan Vĩnh Phát”. Sau khi hoàn thành cơ sở, thiết bị, chủ trang trại tìm mua giống các loài hoa phong lan địa phương, các giống phong lan rừng Việt Nam và phong lan của các nước như: Thái Lan, Lào, Campuchia…
Đặc biệt, phong lan lan giả hạc Di Linh rất quý hiếm và có giá rất cao, giới “sành” chơi phong lan khắp nơi đều biết tiếng, được chủ trang trại Vĩnh Sương “ưu ái” đầu tư nhân giống.
Đến nay, trong trang trại của Vĩnh Sương có hàng trăm loài phong lan đã được anh nhân giống thành công và bán đi khắp nơi như: giả hạc (vài chục loài), hồng nhạn Tháng 8, sơn thủy tiên, thủy tiên, trầm Myanma, trầm Điện Biên, trầm rồng đỏ, đại ý thảo, lông tu…
Nói về giống phong lan giả hạc, Vĩnh Sương cho biết, người dân phía Bắc gọi là phi điệp, phía trong Nam gọi là giả hạc; riêng chủng loại này có đến 50 loài khác nhau: giả hạc lùn, trắng, tím; giả hạc Myanma; giả hạc Hawaii; giả hạc Pháp, Lào, Campuchia; giả hạc núi Chúa Ninh Thuận; giả hạc Di Linh…
Trong đó, quý hiếm nhất hiện nay là giả hạc bông trắng và giả hạc bông tím. Hai loài này, Vĩnh Sương đã nhân giống thành công và anh giữ lại để bảo tồn nguồn gen chứ nhất quyết không bán!
Với tình yêu đặc biệt dành cho loài hoa có giá trị, đẹp, quý phái và quyến rũ, hơn 6 năm qua, “nghệ nhân” Trần Vĩnh Sương đã tỉ mẩn tìm hiểu đặc điểm sinh trưởng, phát triển của từng chủng, loài và anh đã nhân giống thành công tất cả các giống lan trong trang trại mình có.
Anh Vĩnh Sương cho biết, đến nay, số lượng giống trong trang trại tăng gấp chục lần so với trước đây; giống lan bán rẻ nhất: 50 ngàn đồng/đơn vị (mầm dài khoảng 20 phân); cao giá nhất là giống phong lan giả hạc (các loài) từ 1 triệu đến vài triệu đồng/đơn vị…
Đến nay, trang trại phong lan của Vĩnh Sương đang xuất bán cây giống các loại và sản phẩm phong lan (đã thành tác phẩm). Riêng lan giống, anh bán cho các cơ sở cây giống, các đại lý cây trồng ở khắp các tỉnh, thành trong nước như: Lâm Đồng, TP HCM, Nam Định, các tỉnh miền Tây…
Đối với sản phẩm hoa phong lan, vào dịp lễ, tết người dân trong vùng tìm mua khá nhiều; đồng thời, trang trại xuất bán khắp nơi trong nước và bán cho khách du lịch…
Có ngày, trang trại thu về từ 15 – 20 triệu đồng tiền bán cây giống phong lan và hoa phong lan; trung bình mỗi tháng, Trang trại phong lan Vĩnh Phát thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, công lao động, trung bình mỗi năm chủ trang trại Trần Vĩnh Sương thu nhập trên 3 tỷ đồng – trở thành tỷ phú hoa phong lan duy nhất trên vùng đất cà phê Di Linh…
Kinh doanh phát đạt nên đòi hỏi tốn nhiều công lao động (ươm trồng, chăm sóc, kỹ thuật, phục vụ khách hàng…), chủ trang trại đã thuê 10 công lao động là người địa phương làm việc thường xuyên (trả công từ 150 – 200 ngàn đồng/người/ngày); riêng lao động kỹ thuật với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng…
Theo Thanh Dương Hồng (Báo Lâm Đồng)