Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, hầm trú ẩn hạt nhân mà quân đội Mỹ xây dựng không đủ an toàn để bảo vệ con người nếu ngày tận thế xảy ra.
Theo giới khoa học Trung Quốc, phương tình tính toán sức công phá từ một vụ nổ hạt nhân để thiết kế hầm trú ẩn mà quân đội Mỹ sử dụng “không phải lúc nào cũng chính xác”.
“Phương trình mà quân đội Mỹ đang áp dụng có lỗ hổng nghiêm trọng. Mô phỏng máy tính cho thấy, cấu trúc hầm tận thế ở Mỹ không đáng tin cậy nếu xảy ra tấn công hạt nhân. Chúng rất dễ bị tổn thương. Nếu vụ nổ xảy ra càng lớn hoặc ở càng gần thì sai số an toàn càng cao”, Rong Jili – giáo sư của Viện Công nghệ Bắc Kinh – nhận xét.
Nghiên cứu trên cũng có sự tham gia của Học viện Công nghệ Trung Quốc.
Theo ông Rong, vụ nổ của một quả bom hạt nhân có sức công phá 500 tấn TNT đã có thể làm biến dạng và hư hỏng cấu trúc một hầm trú ẩn mà quân đội Mỹ xây dựng. Tuy nhiên, đây chỉ là những tính toán mô phỏng trên hệ thống máy tính.
“Với sự phát triển của công nghệ vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, các công trình hầm tận thế do quân đội Mỹ xây dựng ngày càng bị đe dọa nhiều hơn về mặt an toàn”, ông Rong nói.
Theo ông Rong, các phương trình tính toán sức công phá hạt nhân của Mỹ không hoàn hảo vì chúng có từ năm 1960. Đặc biệt, phương trình của Mỹ đã “bỏ qua sự biến dạng thực sự xảy ra trong lòng đất” do sức công phá từ một vụ nổ hạt nhân.
“Mặt đất sẽ hấp thụ một lượng đáng kể sức công phá của vụ nổ hạt nhân. Năng lượng này được truyền xuống lòng đất, lan tỏa như một trận động đất. Vụ nổ cũng sẽ tạo ra sóng xung kích trong không khí. Sóng xung kích lan ra có thể phá hủy hầm trú ẩn của quân đội Mỹ”, ông Rong nói.
Ông Rong cho rằng nghiên cứu của mình đã nêu bật được vai trò ít được biết đến trước đây do sóng xung kích gây ra với một hầm trú ẩn hạt nhân.
Theo ông Rong, năm 1960, vụ thử nghiệm hạt nhân ở sa mạc Nevada của Mỹ đã gây ra vết nứt rộng hơn 1 mét ở một hầm trú ẩn cách tâm nổ hơn 6 km.
Bắc Kinh đã cam kết sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân từ năm 1996.
Theo Dân Việt