Theo ông Chu Quang Huy – Giám đốc Nhân sự FPT, sự hỗn loạn của thị trường tuyển dụng là một trong những nguyên nhân khiến Gen Z hay nhảy việc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
FPT hiện có hơn 60.000 nhân sự hoạt động tại 63 tỉnh, thành Việt Nam và gần 30 quốc gia trên thế giới, trong đó hơn 50% nhân sự là Gen Z (thế hệ sinh từ năm 1997 trở về sau). Trong tương lai, đây chính là lực lượng nhân sự nòng cốt giúp hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu nhân viên vào năm 2035 của FPT.
Tuy nhiên, một vấn đề nổi bật trên thị trường lao động vài năm trở lại đây là tình trạng “nhảy việc” thường xuyên của Gen Z, không ngoại trừ lĩnh vực công nghệ thông tin – mảng hoạt động chính của Tập đoàn FPT.
“Cỏ bên đồi bao giờ cũng xanh hơn”
Theo Báo cáo thị trường tuyển dụng 2022 & nhu cầu tuyển dụng 2023 do TopCV Việt Nam công bố hồi tháng 4, có tới 69,3% nhân sự ngành IT phần mềm tiết lộ rằng họ đang chủ động tìm việc. Tỷ lệ đang tham khảo để chuyển việc trong 6 tháng tới cũng lên đến 24,2% – cao nhất trong số các ngành nghề mà TopCV thực hiện khảo sát.
Tại sự kiện “Ngày hội sắc cam” nhằm kết nối sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic với các cơ hội việc làm của Tập đoàn FPT, Giám đốc Nhân sự FPT Chu Quang Huy cho rằng ngoài việc ham thích trải nghiệm mới và lối sống tự do, ít ràng buộc, nguyên nhân khiến Gen Z hay nhảy việc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đến từ sự hỗn loạn của thị trường tuyển dụng.
“ Nhiều công ty dùng mức lương cao vượt trội để thu hút nhân sự, dẫn đến tư duy “cỏ bên đồi bao giờ cũng xanh hơn” cùng sự “ảo tưởng năng lực” ở nhóm này. Hệ quả là thị trường trở nên khó khăn, các nhóm nhân sự này cũng gặp nhiều thử thách hơn ”, ông Huy nêu quan điểm.
Trước những biến động của thị trường nhân sự ngành công nghệ thông tin, ông Huy cho biết việc cắt giảm nhân sự tại FPT rất ít. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cũng thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây ở tất cả các khối ngành.
Ngoài ra, FPT vẫn tiến hành kế hoạch tuyển dụng hàng chục nghìn nhân sự mới, trong đó 40% nhân sự cho khối ngành công nghệ thông tin.
Thay đổi môi trường và tư duy để thích ứng với Gen Z
Trong bối cảnh nhân sự thuộc Gen Z đã chiếm hơn 50% tại FPT, Giám đốc Nhân sự Chu Quang Huy cho rằng bài toán đặt ra không chỉ là đưa nhóm nhân sự này hoà nhập với môi trường làm việc, mà chính Tập đoàn, các công ty thành viên và đội ngũ lãnh đạo, quản lý cũng phải có sự chuyển dịch tư duy.
“ Nhiều lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn đang tham gia một số dự án làm việc trực tiếp với các bạn Gen Z. Các thế hệ nhân viên FPT cũng đang cùng nhau thực hiện dự án thử nghiệm kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch FPT từ một trong những nơi làm việc tốt nhất thành nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam ”, ông Huy phát biểu.
Giám đốc Nhân sự FPT còn đề cập đến quá trình hòa nhập thế hệ diễn ra hàng ngày tại doanh nghiệp 35 tuổi này.
“ Nếu theo dõi một số hoạt động của chúng tôi, bạn sẽ thấy lãnh đạo cao nhất Tập đoàn cũng thuộc nhiều bài hát hot trên TikTok hiện tại ”, ông lấy ví dụ.
Các hoạt động trong nội bộ FPT cũng ngày càng trẻ trung, năng động và “bắt trend” nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhân viên thậm chí có thể trao đổi trực tiếp với cấp giám đốc và chủ tịch thông qua workchat.
“ Không có khoảng cách giữa các nhân viên của FPT với lãnh đạo ”, ông Huy khẳng định.
Ngoài ra, FPT ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trẻ, trong bối cảnh độ tuổi trung bình của nhân sự FPT là 28, tính riêng khối công nghệ thông tin là 26,3. Bản thân ông Huy cũng giữ vị trí Giám đốc Nhân sự FPT khi mới 29 tuổi, thể hiện tinh thần trẻ hóa mạnh mẽ.
Ông Huy cho biết FPT từ lâu đã không quá coi trọng bằng cấp mà nhìn vào năng lực thực tế của nhân sự. Với sự thay đổi liên tục của ngành công nghệ nói riêng cũng như xã hội nói chung, điều FPT cần ở một nhân sự trẻ là kiến thức nền tốt, tinh thần máu lửa, ham học hỏi, khả năng hòa nhập nhanh và khát khao phát triển.
Theo Minh Anh–Nhịp sống thị trường