Giảm độ tuổi hưởng chế độ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và khởi nghiệp cho người cao tuổi (NCT) là những vấn đề đang được thúc đẩy hoàn thiện chính sách trong thời gian sớm nhất.
Các nội dung được nêu tại Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, Đặng Thuần Phong cho biết, quá trình giám sát và tiếp cận, cử tri có một số vấn đề cần làm rõ.
Đối với người cao tuổi hầu hết tại các địa phương đều đề nghị giảm độ tuổi hưởng chế độ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; người hưởng chế độ hưu trí hoặc hoặc chế độ tuất thì không được hưởng chế độ trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi; giảm giá vé các dịch vụ giao thông, tham quan du lịch,… gần như các địa phương không làm hoặc làm yếu, các doanh nghiệp tư nhân gần như không quan tâm đến vấn đề này.
Liên quan đến chính sách người cao tuổi, đặc biệt là chính sách khởi nghiệp cho người cao tuổi gần như chưa có chính sách nào cho vấn đề này để người cao tuổi có thể tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế,…
Thông tin giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ban ngành, địa phương tập trung thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật.
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi, NKT. Thiếu sự quan tâm chỉ đạo cụ thể, sâu sát, có nơi còn coi công tác chính sách với người cao tuổi, NKT là hoạt động có tính chất phong trào, nặng về yếu tố nhân đạo từ thiện.
Một số ngành, địa phương chưa chủ động lồng ghép với kế hoạch hoạt động của mình, sự phối hợp còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, thiếu kịp thời. Đội ngũ cán bộ làm công tác người cao tuổi, NKT còn kiêm nhiệm nhiều, nên hiệu quả chưa cao
Quy định hiện hành là người cao tuổi đủ 80 tuổi thì được hưởng trợ cấp xã hội, muốn điều chỉnh tuổi thì phải sửa Luật, theo kế hoạch thì năm 2021 mới sửa đổi. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng nên rút độ tuổi người cao tuổi xuống 75 tuổi, bởi điều kiện kinh tế xã hội cũng đã cho phép và mức chuẩn cũng phải được nâng lên.
Về trợ cấp, chủ yếu hỗ trợ những người chưa có lương hưu, người chưa được hưởng các trợ cấp và người có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng còn là chính sách động viên người cao tuổi. Vấn đề này sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ để tính toán phương án tốt nhất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, khởi nghiệp cho người cao tuổi là vấn đề đã được đặt ra, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là phải nhanh chóng nghiên cứu chính sách để hỗ trợ cho người cao tuổi và người sau nghỉ hưu. Hiện đã có một số chính sách, nhưng còn nhỏ lẻ, mới tập trung được vào một số đối tượng người cao tuổi có trình độ cao,… Nhưng về cơ bản còn đang thiếu một chính sách tổng quát. Kế hoạch công tác năm 2020 cũng đã đặt vấn đề nghiên cứu chính sách này.
Theo giaoducthoidai