Trong sử sách, có rất ít tư liệu về những năm đầu của thần y Hoa Đà. Các sử gia sau một vài từ giới thiệu sơ lược về thân thế, liền tập trung vào mô tả y thuật thần y tuyệt kỹ của ông. Do đó, trên vũ đài lịch sử, y thuật của Hoa Đà trở nên đầy sắc thái huyền bí, phát hào quang vạn trượng, trở thành một thần tượng không thể bắt kịp. Khi ông ly thế, vô số người, vì thất lạc một thần y tuyệt kỹ mà buồn bã khôn nguôi.
Tuy nhiên, mọi người sở dĩ cảm thấy buồn là vì Hoa Đà được định vị là một thần y, vì sự thất truyền y kỹ của ông mà thấy nuối tiếc. Nhưng nếu có thể thay đổi quan niệm đó, từ một góc độ khác mà nhìn nhận Hoa Đà, quý vị có thể mở lòng và cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Hoa Đà thích tầm Tiên phỏng Đạo hơn đạt được danh vị thế gian
Hoa Đà và Tào Tháo là đồng hương, người huyện Tiếu, nước Phái. Ông tính tình điềm đạm, thông mẫn hiếu học, tuy thông thuộc kinh điển, nhưng lại thích học phương thuật trị bệnh và tu luyện.
Có một câu chuyện thú vị được ghi lại trong “Trung Tàng Kinh”, miêu tả sự tích Hoa Đà đắc sách tiên trong sơn động.
Một ngày nọ, sau khi uống rượu, Hoa Đà đi dạo trên núi như thường lệ, ông hơi say, bèn ngồi nghỉ trước động cổ tại núi Công Nghi. Lúc này, ông đột nhiên nghe thấy có người đang đàm luận về phương pháp trị bệnh. Hoa Đà cảm thấy rất kỳ quái, khe khẽ tiến lại gần cửa động để nghe trộm.
Một lúc sau, ông nghe thấy một người đàn ông nói: “Hoa Đà ở gần đây, chúng ta có thể phó thác phương thuật trị bệnh này cho anh ta.” Nhưng một người khác cố ý nói: “Hoa Đà, người này tính tình tham lam, không thương xót sinh linh, làm sao có thể giao cấp cho anh ta?”
Hoa Đà nghe vậy thì giật mình, toát mồ hôi lạnh, lập tức nhảy xuống động để biện giải cho mình, chỉ thấy hai lão nhân đang ngồi ngay ngắn trong đó. Họ mặc y phục làm từ vỏ cây, đầu đội mũ rơm, đang mỉm cười nhìn mình.
Hoa Đà vội vàng tiến lên, cung kính cúi đầu bái chào và nói: “Vừa rồi ta nghe hai vị hiền giả đàm luận về phương thuật liệu bệnh, ta thâm cảm hứng thú, nghe đi nghe lại quên cả về nhà. Hơn nữa, ta luôn thích học tập đạo pháp có thể tế trợ bách tính, nhưng mãi không tìm ra con đường hiệu quả, tâm lý luôn cảm thấy đáng tiếc. Hy vọng hai quý tiên sinh có thể minh sát thành ý trong nội tâm ta, thỉnh vì ta mà khai mở trí huệ, ta nhất định chung thân không cô phụ ân tình của hai quý tiên sinh.”
Lúc này, lão nhân ngồi ở phía trên mới khai khẩu, nói: “Chúng ta sẽ không hối tiếc truyền thụ cho ngươi đạo thuật, nhưng e rằng sau này lại lụy đến ngươi! Nếu khi ngươi cứu người, có thể không phân biệt người giàu nghèo sang hèn, không thu kim tiền hối dụ, không sợ lao khổ, có thể thương xót kẻ già yếu, tương lai mới có thể miễn trừ họa sự.”
Hoa Đà vội vàng bái tạ, nói: “Ta nhất định ghi nhớ lời huấn thị của hai quý tiên sinh, một câu cũng không dám quên, mãi tuân theo chỉ thị mà hành.”
Hai vị lão nhân sau đó mỉm cười chỉ vào phía đông của động, “Trên giường đá có một hộp sách, ngươi tự mình nhặt lấy, mau rời khỏi nơi đây, nhất quyết không thể cho người thường xem, cần bảo trì thủ giữ bí mật.”
Hoa Đà tiến nhanh tới cầm quyển sách, vừa quay đầu lại, thì hai lão nhân đã biến mất tung ảnh. Hoa Đà vội vàng rời khỏi sơn động, vừa bước khỏi cửa động, đột nhiên một đám mây đen ập đến, gió mưa dữ dội nổi lên, thạch động bị tiêu hủy, sụp đổ trong phút chốc.
Nguyên lai, Hoa Đà tìm đến thâm động là vì cầu Đạo. Trong sơn động, ông vừa khớp gặp được Tiên nhân tặng sách, sau đó, ngay cả phái tướng Trần Khuê và thái ý Hoàng Uyển tiến cử ông ra làm quan, ông đều khước từ không muốn nhận.
Kỳ duyên trong núi
Kỳ duyên trong núi của Hoa Đà có thể không chỉ một lần. Từ một số sử liệu rời rạc, ngoài việc Hoa Đà được truyền thừa y thuật của Tiên gia từ trong núi, còn có một bộ khí công chỉ dẫn con đường tu mệnh dưỡng sinh và thảo dược phục thực dưỡng sinh diên thọ (kéo dài thọ mệnh).
Đồ dưỡng sinh Hoa Đà dùng là một loại thực vật được gọi là thanh niêm (hiện tại gọi là hoàng chi). Một nhóm bạn của ông trên núi đã từng nhìn thấy các Tiên nhân trong núi dùng, và kể chuyện này với Hoa Đà. Sau khi Hoa Đà dùng thử, cảm thấy hiệu quả rất tốt, liền biến nó thành bí pháp dưỡng sinh của ông.
Hoa Đà có hai vị đệ tử: Ngô Phổ và Phàn A. Hoa Đà đã truyền lại phương pháp dưỡng sinh bằng thanh niêm cho Phàn A. Phàn A sống đến trăm tuổi, râu tóc vẫn đen mượt. Mọi người cảm thấy rất kỳ quái, nhiều lần gặng hỏi Phàn A về công thức bí mật. Có lần Phàn A say rượu, trong lúc say đã nói ra công thức bí mật này, sau khi mọi người dùng theo, quả nhiên hiệu quả rất tốt.
Hoa Đà đã dạy cho một đệ tử khác là Ngô Phổ một bộ “Ngũ cầm hí” để dưỡng sinh. Ngũ cầm hí là một bộ thủ pháp được đạo dẫn bởi các vị tiên thời cổ, chủ yếu mô phỏng tư thái của năm loài động vật, chẳng hạn như hổ, hươu, nai, gấu, vượn và chim, có thể trừ bệnh tật, tăng cường lực của chân, đạo dẫn khí mạch thông suốt. Ngô Phổ đã làm theo, và ở tuổi 90, ông vẫn còn mắt tinh tai thính, hàm răng nguyên vẹn.
Tu luyện có thành tựu
Tóm lại, Hoa Đà vốn là một người tu luyện có chí hướng cầu Đạo, nhân duyên vừa khớp lại nhận được sách tiên dạy y đạo, từ đó ông dốc sức nghiên cứu, nội dung trong sách tiên vừa đặc biệt cổ quái, lại vừa thâm sâu thần hiệu, vì vậy Hoa Đà dốc toàn tâm nghiên cứu không trễ nải. Ngoài đó ra, Hoa Đà ngẫu nhiên biết được nấm linh chi, dùng nó trong nhiều năm, cũng học được một bộ thuật đạo dẫn dưỡng sinh diên mệnh (kéo dài thọ), nên từ đó ông đã tự dấn thân vào con đường tu Đạo và hành nghề y.
Việc tu luyện của Hoa Đà xác thực đã có thành quả, trong sử truyền nói ông “Hiểu dưỡng tính chi thuật, niên thả bách tuế nhi do hữu tráng dung, thì nhân dĩ vi tiên”, ý tứ là, Hoa Đà thông hiểu pháp tu đạo dưỡng sinh, do đó năm ông gần trăm tuổi, trông vẫn rất tráng niên, người đương thời đều nhìn nhận ông là thần tiên.
Hoa Đà giỏi phương dược, châm cứu, bậc thầy về phẫu thuật
Tiểu thuyết “Tam quốc chí” đặc biệt ái mộ y thuật cao diệu của Hoa Đà, ở đầu chương có miêu tả Hoa Đà “giỏi kê đơn thuốc”, nhưng bất quá chỉ kê một số đơn thuốc, khi phối dược chỉ cần nghĩ trong tâm, không dùng cân. Khi châm cứu cho người, châm kim vào huyệt vị cũng bất quá một vài chỗ, tức khắc có hiệu quả.
Kỹ thuật châm cứu của Hoa Đà cao siêu thần diệu. Có một người sau khi sinh bệnh, tàn phế cả hai chân, không đi lại được, ngồi trên kiệu tìm đến Hoa Đà để chữa bệnh. Hoa Đà sau khi chẩn thị, yêu cầu ông ta cởi y phục của mình, sau đó đánh dấu hơn chục ký hiệu phía lưng bệnh nhân, mỗi cái, theo hướng dọc và ngang, cách nhau một hoặc năm thốn không bằng nhau.
Hoa Đà nói với bệnh nhân: “Tôi sẽ đốt mười thanh ngải cứu lên từng chỗ đã đánh dấu, đợi đến khi vết sẹo lành, ông có thể đi lại được”. Sau này mọi người tra khán lưng của bệnh nhân kia, phát hiện các vị trí trị ngải phân bố đều hai bên cột sống, đối xứng cách nhau 1 thốn, trên dưới thẳng đều nhau, tinh chuẩn như kéo một sợi dây.
Hoa Đà cũng là một bậc thầy về phẫu thuật, cách đây khoảng 1.000 đến 700 năm, ông đã biết vận dụng thuốc gây mê “Ma phí tán”, thành công thi hành thủ thuật phẫu thuật.
Thủ thuật phẫu thuật chủ yếu nhằm vào các bệnh uất kết trong cơ thể mà không thể chữa khỏi bằng châm cứu và dược liệu. Đầu tiên Hoa Đà cho uống bột “Ma phí tán” với rượu, sau khi bệnh nhân bất tỉnh và được gây mê hoàn toàn, ông mới mổ bụng hoặc mổ lưng bệnh nhân để hút hoặc cắt bỏ uế vật tích tụ trong cơ thể. Nếu là bệnh đường tiêu hóa, cần mổ ruột, loại bỏ ác uế, rửa sạch sát trùng rồi khâu lại, rồi mới bôi thần cao, chỉ cần 4, 5 ngày là miệng vết thương liền lại, nội trong một tháng có thể hoàn toàn bình phục.
Sát sắc chẩn mạch, minh đoán hư thực
Có rất nhiều y án được ghi lại trong sử truyền, mô tả y thuật kỳ tài của Hoa Đà.
Trước hết, Hoa Đà tự nhiên thập phần thành thạo các phương pháp “nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch” trong Trung y cổ truyền.
Lúc đó Nghiêm Hân và một số người khác từ huyện Diêm Độc đang đợi Hoa Đà đến, ngay khi Hoa Đà đến, ông ngẩng đầu nhìn Nghiêm Hân và hỏi: “Thân thể của bác có khỏe không?” Nghiêm Hân nói, “Như thường lệ, không có gì khó chịu.” Hoa Đà nói, “Sắc mặt của bác trông có vẻ sắp có bệnh cấp tính, không nên uống rượu.” Nghiêm Hân ngồi một chút liền rời đi, mới đi được vài dặm, Nghiêm Hân choáng váng ngã xe, mọi người đỡ ông dậy, khiêng ông về nhà, không quá nửa đêm thì ông mất.
Đối với những bệnh có triệu chứng giống nhau, Hoa Đà có thể minh xác phân biệt được nguyên nhân hư thực, và kê đơn riêng.
Hai quan phủ Nghê Tầm và Lý Diên sống cùng một nơi, cả hai đều bị triệu chứng đau đầu và sốt. Hoa Đà giải thích: “Nghê Tầm cần uống thuốc tháo dạ, còn Lý Diên thì cần một đơn thuốc để khiến ông ấy đổ mồ hôi.” Mọi người thắc mắc tại sao cùng một triệu chứng lại có thể kê những đơn thuốc khác nhau. Hoa Đà nói, “Bệnh của Nghê Tầm là do tà khí ngoại xâm gây ra, còn triệu chứng bệnh của Lý Diên là do thể nội mà sinh, do đó phương pháp trị liệu đối ứng cũng bất đồng.” Hai người uống thuốc theo đơn của Hoa Đà xong, quả nhiên sáng hôm sau đã có thể đứng dậy khỏi giường.
Một lần, Hoa Đà chẩn thị mạch cho phu nhân Cam Lăng Tương. Phu nhân đã mang thai được sáu tháng nhưng vẫn đau bụng bất an, Hoa Đà khám cho bà và nói: “Thai nhi đã chết rồi.” Rồi cho người dùng tay ấn vào tử cung, thực sự có thể sờ thấy thân thể của đứa trẻ. Sau đó Hoa Đà dùng thang dược bài xuất thai đã chết lưu, bệnh của phu nhân liền khỏi.
Đốc bưu Từ Nghị đổ bệnh, Hoa Đà đến chẩn trị. Từ Nghị nói với Hoa Đà: “Hôm qua, sau khi quan ngự y Lưu Tô giúp tôi châm cứu vào bộ vị, tôi liên tục ho và cảm thấy rất khó chịu ngay cả khi nằm xuống.” Hoa Đà nói, “Kim của ông ấy không châm được đến dạ dày, mà là vô tình châm sai vào gan, cảm giác muốn ăn của ngài sẽ càng ngày càng kém, sau năm ngày sẽ không cách nào cứu.” Sự tình phát sinh sau đó quả nhiên như những gì Hoa Đà nói.
(còn tiếp) Tác giả: Lý Dực Vân, Epoch Times–Hương Thảo biên dịch
Hương Thảo | DKN