Nhờ y học hiện đại, các nhà khoa học đã chứng minh được mối quan hệ thật sự của Tần Thủy Hoàng và Lã Bất Vi.
Nghi vấn việc Tần Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi
Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), tên húy là Chính, tính Doanh, thị Triệu hoặc Tần, là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời là Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt sáu nước chư hầu (gồm có Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Nguỵ) chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc vào năm 221 TCN.
Tần Thủy Hoàng làm vua nước Tần khi mới 13 tuổi, trọng phụ Lã Bất Vi là người nhiếp chính. Cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên chép, mẹ của Tần Thủy Hoàng là Triệu Cơ. Triệu Cơ vốn là tiểu thiếp của Lã Bất Vi. Bà vốn có dung mạo xinh đẹp, lại có tài ca múa, đàn hát. Tần Trang Tương Vương (hay còn gọi là Tử Sở) khi đó đang làm con tin của Tần ở nước Triệu đến nhà Lã Bất Vi chơi nên đã phải lòng Triệu Cơ. Lã Bất Vi vốn có âm mưu “buôn vua bán chúa” để thành danh và đang muốn nhắm vào Tử Sở nên đã dâng Triệu Cơ cho vị công tử này. Không lâu sau, Triệu Cơ mang thai và sinh ra Doanh Chính (tức Tần Thủy Hoàng sau này).
Lã Bất Vi vốn có âm mưu “buôn vua bán chúa” để thành danh và đang muốn nhắm vào Tử Sở nên đã dâng Triệu Cơ cho vị công tử này. (Ảnh: Sohu)
Năm 257 TCN, tức 2 năm sau khi Doanh Chính ra đời, nước Triệu bị nước Tần vây đô thành Hàm Đan và trong lúc cùng quẫn, nước Triệu muốn giết Tử Sở để trút giận nhưng may mắn thay được Lã Bất Vi lập kế, chạy thoát về nước Tần. Tuy nhiên, Triệu Cơ và Doanh Chính không kịp trốn theo, phải ở lại nước Triệu. Nước Triệu muốn giết cả hai mẹ con nhưng Triệu Cơ là con nhà tai mắt ở Triệu nên hai người được tha. Họ phải lẩn trốn trong dân gian suốt 7 năm trời đằng đẵng, chịu đủ đắng cay tủi nhục và Doanh Chính liên tục bị mọi người bắt nạt.
Tuy nhiên, trong nhiều cuốn dã sử đã đưa giả thuyết về việc Tần Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi và Triệu Cơ chứ không phải của Tần Trang Tương Vương. Ngay cả sử ký Tư Mã Thiên cũng nói về giả thuyết này. Theo đó, họ cho rằng lúc Triệu Cơ được dâng cho Dị Nhân, bà đã có bầu với Lã Bất Vi.
Sau khi Doanh Chính cùng mẹ trở về nước Tần, ông đã được phong làm Thế tử. Tuy nhiên, lúc này Doanh Chính lại bị một số quan lại trong triều phản đối vì cho rằng ông không phải là máu mủ của Tần Trang Tương Vương. Tuy nhiên, một bộ phận lớn triều thần nước Tần vẫn tin vào việc Doanh Chính là con của Tần Trang Tương vương và hết lòng ủng hộ Doanh Chính trước sau như một.
Tần Trang Tương Vương lên ngôi được 3 năm thì qua đời, thế tử Doanh Chính lên ngôi Tần Vương, tức Tần Thủy Hoàng. Lã Bất Vi coi Doanh Chính là con mình, bảo Doanh Chính gọi mình là “Trọng phụ”. Vì vậy, khi Doanh Chính lên ngôi, Lã Bất Vi tự mình nắm giữ chính sự cả nước, trở thành nhân vật “dưới một người, trên vạn người”. Sự việc Lã Bất Vi nhiếp chính càng khiến nhiều người nghi ngờ việc Tần Thủy Hoàng thực chất là con ông ta. Giả thuyết này đã gây ra tranh cãi trong suốt nhiều năm, kể cả với hậu thế sau này.
Mối quan hệ thực sự của Tần Thủy Hoàng và Lã Bất Vi
Trên thực tế, dựa trên các ghi chép lịch sử và kết hợp với y học hiện đại, các nhà khoa học đã giải đáp câu hỏi này. Họ đã đưa ra 3 bằng chứng để chứng minh cho luận điểm của mình.
Thứ nhất, trong Sử ký có ghi rằng, Phàn Ô Kỳ đứng lên phát động một cuộc binh biến nhằm lật đổ chính quyền của Tần Thủy Hoàng và dựng Thành Kiệu lên ngôi. Đại tướng Vương Tiễn đi dẹp cuộc binh biến này trả lời Phàn Ô Kỳ: “Thái hậu có mang mười tháng mới sinh, vậy nay tức là con tiên vương đẻ ra…”. Từ câu nói này có thể thấy Tần Thủy Hoàng không phải là con của Lã Bất Vi.
Thứ hai, trong Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ có chép về Triệu Cơ “chí đại kì thì, sinh tử chính”, câu này có nghĩa là Triệu Cơ theo kể từ khi mất kinh sau 10 tháng sinh ra một người con trai. Theo y học hiện đại, người phụ nữ tính từ kì kinh cuối cho tới khi sinh con cũng được tính là 10 tháng. Như vậy, Triệu Cơ mang thai Doanh Chính đủ ngày đủ tháng. Như vậy những gì sử sách ghi chép khớp với cách tính thai kì ngày nay. Điều này đã loại trừ nghi vấn về quan hệ huyết thống của Tần Thủy Hoàng và Lã Bất Vi.
Thứ ba, các nhà khoa học cũng cho rằng, cho dù Lã Bất Vi có âm mưu nhưng ông ta cũng khó thành công bởi khi Tần Chiêu Vương tại vị, chưa chắc đã truyền vương vị cho Tử Sở, càng không thể nghĩ đến việc truyền cho đứa con tương lai của Tử Sở.
Từ đây, các nhà sử học cho rằng, giả thuyết Lã Bất Vi là cha ruột của Tần Thủy Hoàng chỉ là lời đồn do những người muốn tìm lí do tạo phản hoặc người của 6 nước bị nhà Tần tiêu diệt bịa ra nhằm bôi xấu vị hoàng đế này.
Nguyệt Phạm-Theo ĐSPL